Xây dựng Đề án Đổi mới công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân
Chiều 15/7 tại Nhà Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh - Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án "Đổi mới công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân" đã chủ trì phiên họp của Ban Chỉ đạo đề án.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh - Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án chủ trì cuộc họp |
Phát biểu tại cuộc họp, Trưởng ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thanh Hải - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án cho biết, để chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XVI và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 về tiếp tục hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới và Bộ Chính trị đã ban hành Kế hoạch số 11-KH/TW ngày 28/11/2022 về thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
Theo đó, Đảng đoàn Quốc hội đã thành lập Ban Chỉ đạo và Ban Chỉ đạo đã thành lập Tổ soạn thảo xây dựng Đề án Đổi mới công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.
Đến nay, Ban Chỉ đạo Đề án đã ban hành Kế hoạch xây dựng và đề cương Đề án; ban hành Kế hoạch tổng kết thi hành Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân gửi các cơ quan, đơn vị, địa phương đề nghị tổng kết thi hành Luật; xây dựng dự thảo Đề án; xin ý kiến các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan Trung ương, các địa phương. Đồng thời, tổ chức hội nghị lấy ý kiến các chuyên gia về hồ sơ dự thảo Đề án và tiếp thu, hoàn thiện các văn bản.
Thông tin về nội dung cơ bản của Đề án, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải cho biết, Đề án đã đề cập đến khái niệm đổi mới cơ chế bầu cử là gì; làm rõ trách nhiệm, cách thức vận hành và mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, thiết chế trong việc lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện các hoạt động liên quan tới công tác chuẩn bị và quá trình tổ chức cuộc bầu cử.
Trên cơ sở tổng kết, đánh giá thực tiễn thi hành Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, báo cáo tổng kết công tác bầu cử qua 2 nhiệm kỳ gần đây, Đề án đã làm rõ những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức công tác bầu cử.
Bên cạnh đó, nêu rõ các giải pháp nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng trong công tác bầu cử; tiếp tục hoàn thiện pháp luật về bầu cử; đề xuất hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung một số văn bản hướng dẫn thi hành…
Tại cuộc họp, các đại biểu đánh giá cao Ban Chỉ đạo Đề án đã ban hành Kế hoạch xây dựng và đề cương Đề án; ban hành Kế hoạch tổng kết thi hành Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân gửi các cơ quan, đơn vị, địa phương đề nghị tổng kết thi hành Luật; xây dựng dự thảo Đề án.
Để tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, dự thảo Đề án “Đổi mới công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án đề nghị Tổ soạn thảo tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu tại cuộc họp, trong đó lưu ý những nội dung đưa vào Đề án để triển khai thực hiện cần nghiên cứu kỹ lưỡng, bảo đảm tính khả thi, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế, chính trị, xã hội nước ta trước khi trình Đảng đoàn Quốc hội xem xét, cho ý kiến vào tháng 8 tới.