‘Xây dựng cửa khẩu thông minh thực sự thông minh, giảm chi phí cho doanh nghiệp’
Nâng cao hiệu quả kinh tế cửa khẩu nhờ mô hình cửa khẩu thông minh
Kinh tế cửa khẩulà một trong cấu phần quan trọng của kinh tế tỉnh Lạng Sơn. Theo Hải quan tỉnhLạng Sơn, tính từ đầu năm đến cuối tháng 8/2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu các loại hình qua địa bàn tỉnh đạt trên 40 tỷ USD, tăng trên 26,58% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó, tổng kim ngạch hàng hóa mở tờ khai qua Cục Hải quan Lạng Sơn đạt trên 3,3 tỷ USD.
Dù chịu ảnh hưởng từ cơn bão số 3 song từ đầu tháng 9 đến nay, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu Tân Thanh và cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị cũng duy trì đúng nhịp tăng như mọi năm. Do đang vào vụ thu hoạch hoa quả, nông sản, nên phương tiện chở hàng hóa lên các cửa khẩu tăng cao. Số lượng xe chở hàng hóa tồn qua đêm chờ xuất khẩu tại các khu vực cửa khẩu mỗi ngày là khoảng 700 xe.
Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa cũng diễn bình thường tại các cửa khẩu Cốc Nam, Chi Ma và cửa khẩu quốc tế ga Đồng Đăng. Tổng số phương tiện xuất nhập khẩu hàng hóa được thông quan mỗi ngày khoảng 1.300 xe, có thời điểm lên đến 1.450 xe/ngày...
Hiện tại, lưu lượng phương tiện cả 2 chiều xuất nhập khẩu có xu hướng gia tăng, do vậy lực lượng chức năng cửa khẩu tại Lạng Sơn đã triển khai các giải pháp để chủ động phòng chống ùn ứ phương tiện.
Để nâng cao hiệu quả của kinh tế cửa khẩu, ngày 17/8/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 865/QĐ-TTg phê duyệt Đề án thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh tại đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1119 - 1120 và đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc tel:1088/2 - 1089 thuộc cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Việt Nam) - Hữu Nghị Quan (Trung Quốc).
Đề án tập trung xây dựng mô hình cửa khẩu thông minh tại các khu vực mốc 1119 - 1120 và tel:1088/2 - 1089, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho xuất nhập khẩu hàng hóa, góp phần phát triển Lạng Sơn thành trung tâm kinh tế cửa khẩu quan trọng của Việt Nam và ASEAN.
Mục tiêu đến năm 2027, năng lực thông quan tại các khu vực này sẽ tăng gấp 2-3 lần, và đến năm 2030, tăng gấp 4-5 lần so với hiện tại. Đây là bước đi quan trọng trong việc phát triển hạ tầng giao thông và thúc đẩy thương mại quốc tế giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Bên cạnh việc giúp tăng năng lực thông quan hàng hóa, đề án còn có vai trò quan trọng trong việc chống buôn lậu, gian lận thương mại, góp phần ổn định và nâng cao đời sống của người dân hai bên biên giới.
Đề án sẽ được thực hiện từ quý 3/2024 đến hết quý 3/2029, chia thành hai giai đoạn: giai đoạn 1 từ quý 3/2024 đến hết quý 2/2026 để xây dựng cơ sở hạ tầng; giai đoạn 2 từ quý 3/2026 đến hết quý 3/2029 để triển khai thí điểm. Các mặt hàng lựa chọn để thông quan theo mô hình cửa khẩu thông minh bao gồm: hoa quả, linh kiện điện tử xuất khẩu của Việt Nam, các nước ASEAN và linh kiện điện tử nhập khẩu từ Trung Quốc.
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc khảo sát thực tế địa điểm triển khai "Cửa khẩu thông minh" tại cửa khẩu Tân Thanh, cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị - Ảnh: VGP/Trần Mạnh |
Thông tin tại buổi làm việc của Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc với tỉnh Lạng Sơn ngày 22/9 cho thấy, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án, UBND tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan tập trung thực hiện ngay các công việc xây dựng và điều chỉnh các quy hoạch liên quan đến việc triển khai thực hiện đề án; triển khai các thủ tục liên quan đến thi công các công trình trên biên giới; khảo sát, thiết kế, lập dự án chuẩn bị đầu tư đối với các hạng mục liên quan đề án...
Xây dựng cửa khẩu thông minh gắn với cải cách thủ tục hành chính
Khảo sát thực tế địa điểm triển khai "Cửa khẩu thông minh" tại cửa khẩu Tân Thanh, cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc nhấn mạnh yêu cầu, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tự động hóa trong thực hiện các quy trình xuất nhập khẩu, gắn liền với cải cách thủ tục hành chính để "cửa khẩu thông minh phải thực sự thông minh, giảm chi phí cho doanh nghiệp".
Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị là "bộ mặt của cả nước" có vai trò đặc biệt quan trọng; mở rộng, tạo thuận lợi cho giao thương hàng hóa, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước.
Dẫn chứng về việc ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực thuế, hải quan, chứng khoán, Phó Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu quan trọng của hệ thống công nghệ thông tin trong thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, xây dựng cửa khẩu thông minh.
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nêu rõ, đề án đã phân công rõ trách nhiệm của các bộ, ngành; do đó việc đầu tiên phải điều chỉnh quy hoạch chi tiết, trong đó phải tính toán đến các yếu tố bảo đảm về quốc phòng, an ninh, phòng, chống thiên tai…. Đây là việc cần làm ngay.
Vấn đề thứ hai là lập các dự án khả thi để bố trí vốn đầu tư. Việc này phải làm nhanh. Tính toán suất vốn đầu tư cho chính xác, tránh phải điều chỉnh sau này…
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh việc thiết kế trụ sở, đường xá phải "có tầm nhìn xa, quyết đoán", tính toán đến nhu cầu trong tương lai. Bảo đảm "cửa khẩu thông minh" phải hiện đại, tiện ích, giảm thiểu phiền hà cho doanh nghiệp,… đáp ứng nhu cầu phát triển.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành bám sát đề án đã được phê duyệt; thực hiện tốt nhiệm vụ đã được phân công; đồng thời phải phối hợp tốt với các cơ quan liên quan để thực hiện nhiệm vụ được giao.