Về Đề án cơ cấu lại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) giai đoạn 2021-2025, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đề nghị Người đại diện vốn nhà nước phối hợp với Hội đồng quản trị rà soát các nội dung, nhiệm vụ tại Đề án, đảm bảo phù hợp quy định của pháp luật và khả thi trong thực hiện.
Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Đỗ Hữu Huy phát biểu kết luận buổi làm việc với Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam |
Ghi nhận những yếu tố khách quan ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2022 của VRG, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Đỗ Hữu Huy đã yêu cầu Tập đoàn hoàn thiện nội dung Tờ trình trên cơ sở pháp lý, quy định của nhà nước báo cáo Ủy ban xem xét.
Đồng thời, giao nhiệm vụ cho Vụ Nông nghiệp chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, tham mưu Lãnh đạo Ủy ban giải quyết các vướng mắc, khó khăn, nhiệm vụ của Tập đoàn theo thẩm quyền.
Trước đó tại buổi làm việc, ông Phạm Văn Thành- Thành viên Hội đồng quản trị, Trưởng ban Kinh doanh VRG cho biết, trong 10 tháng qua, tình hình kinh tế xã hội có nhiều khó khăn nhưng hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu được giao.
Cụ thể, sản lượng cao su khai thác 10 tháng ước đạt 318 nghìn tấn, thu mua đạt 63,5 nghìn tấn, tiêu thụ khoảng 355 nghìn tấn. Dự kiến khai thác cả năm 2022 vượt khoảng 5% kế hoạch. Sản lượng gỗ MDF 10 tháng đạt 887 nghìn m3, đạt 84% kế hoạch, dự kiến hoàn thành kế hoạch năm 2022. Về khu công nghiệp cho thuê được 23,7 ha nhưng doanh thu, lợi nhuận có khả năng đạt kế hoạch nhờ doanh thu từ hoạt động tài chính.
Bên cạnh đó, Tập đoàn cũng nêu một số nguyên nhân khách quan tác động đến việc thực hiện kế hoạch năm 2022 như việc thoái vốn tại công ty con của Công ty mẹ - Tập đoàn; việc thu nhập từ tiền đền bù đất của Khu công nghiệp Rạch Bắp giai đoạn 2 và chênh lệch tỷ giá đồng Kip (Lào).