Thứ năm 14/11/2024 14:24

Vua tôm Lê Văn Quang chinh phục thị trường toàn cầu

Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Tập đoàn Minh Phú dành trọn cuộc đời cho lĩnh vực chế biến tôm xuất khẩu, để đưa con tôm Việt Nam cạnh tranh vững vàng trên thị trường quốc tế, với giá trị gia tăng cao.

 - Doanh nghiệp toàn cầu

Một trong những nhà phân phối tôm lớn nhất thế giới, Tập đoàn Mitsui (Nhật Bản) đã trở thành cổ đông chiến lược của Minh Phú, bởi họ được thuyết phục ở tài lãnh đạo và tầm nhìn của ông Lê Văn Quang.

Ông Yamauchi, Tổng giám đốc Asia Pacific Unit, thuộc Tập đoàn Mitsui đánh giá: “Công ty Thủy sản Minh Phú, dưới sự lãnh đạo của ông Quang, đang phát triển ổn định và trở thành công ty xuất khẩu tôm tiên tiến nhất Việt Nam cả về mặt chất lượng và số lượng. Ở thời điểm hiện tại, Minh Phú gần như không có đối thủ cạnh tranh nào trong lĩnh vực kinh doanh này”.

Các công ty Nhật Bản, hiện chiếm ưu thế tuyệt đối trong danh sách 100 doanh nghiệp thủy sản lớn nhất thế giới, thường rất tiết kiệm lời khi nhận xét đối tác. Nhưng họ đã khen và đánh giá cao Minh Phú như vậy và điều này, rõ ràng là không dễ.

Trong danh sách top 100 doanh nghiệp thủy sản lớn nhất thế giới năm 2014 vừa được Undercurrentnews - tạp chí chuyên về thủy sản có trụ sở ở Anh công bố, Minh Phú đứng ở top trên của bảng xếp hạng - thứ 23, nhờ doanh thu tăng 41%. Theo thống kê của tạp chí này, 25 công ty lớn nhất chiếm hơn một nửa tổng doanh thu (57 tỷ USD).

Minh Phú được nhắc đến trên thị trường thế giới với thế mạnh về công nghệ chế biến tôm tiên tiến, hiện đại. Trong năm qua, nhiều tập đoàn chế biến tôm lớn của thế giới khi đến thăm nhà máy chế biến tôm của Minh Phú đều chia sẻ một nhận xét rằng “họ không ngờ lại có một nhà máy chế biến tôm hiện đại và lớn đến thế”. Hiện nay, mỗi ngày, các nhà máy của Minh Phú chế biến hơn 300 tấn tôm nguyên liệu. Xét riêng trong ngành tôm, sản lượng mà Minh Phú chế biến được bằng cả một quốc gia dạng khá của thế giới.

Từ một doanh nghiệp địa phương với số vốn điều lệ 120 triệu đồng, sau 22 năm liên tục đầu tư, mở rộng sản xuất - kinh doanh, Minh Phú đã trở thành doanh nghiệp toàn cầu, đứng số 1 thế giới về chế biến tôm và chuẩn bị cán đích kim ngạch xuất khẩu 1 tỷ USD. Có được vị thế như hôm nay, Minh Phú đã làm gì?

Ông Lê Văn Quang và các cộng sự đã theo đuổi chiến lược liên tục đổi mới công nghệ, đổi mới quy trình công nghệ chế biến tôm để hợp lý hóa sản xuất, giảm những điểm thắt cổ chai để tăng năng suất, tăng chất lượng sản phẩm và giảm giá thành, tăng khả năng cạnh tranh.

Minh Phú Hậu Giang -  một trong 4 nhà máy của Tập đoàn, mới được đầu tư hiện đại. Sử dụng công nghệ tiên tiến, nhà máy giảm thiểu được hao hụt nguyên liệu, tiết kiệm 40% điện năng và năng suất cao hơn hẳn Nhà máy Minh Phú Cà Mau, lợi nhuận tăng thêm khoảng 10.000 đồng/kg tôm thành phẩm. Cuối năm ngoái, Minh Phú đã chi hơn 5 triệu USD đầu tư hệ thống ERP (hoạch định nguồn lực doanh nghiệp) để tự động hóa, quản lý sát sao các công đoạn trong sản xuất, cải tiến rõ rệt hiệu quả hoạt động.

Bên cạnh đó, từ nhiều năm trước, Minh Phú đã chuyển mạnh sang sản xuất những mặt hàng tôm có giá trị gia tăng cao, tôm cao cấp, tôm ăn liền như tôm Ring, tôm Sushi, tôm tẩm bột, tôm nguyên con PTO tẩm bột, tôm Tempura, tôm tẩm gia vị, tôm Whole Cooked, tôm Bikini... Đây là những mặt hàng mà các đối thủ khác không sản xuất được hoặc không muốn, không dám sản xuất vì phải đầu tư rất nhiều cho công nghệ cũng như con người. Trong hơn 1 năm trở lại đây, số lượng các đơn hàng này tăng mạnh cho thấy, xu hướng trên thế giới, nhiều khách hàng ưa chuộng các mặt hàng chế biến sâu.

Chiến lược và các giải pháp trên làm cho sản phẩm của Minh Phú trở nên cạnh tranh hơn, đồng thời bán được giá cao hơn trên thị trường. Điều này tạo cho Minh Phú khả năng mua tôm nguyên liệu mạnh hơn với giá cao hơn, đem lại lợi ích lớn hơn cho người nuôi tôm. Nhờ đó đã khuyến khích họ mở rộng diện tích vùng nuôi cũng như đầu tư mạnh cho công nghệ và kỹ thuật nuôi tôm để mang lại lợi nhuận tốt hơn cho chính bản thân họ. Minh Phú đã và đang tạo động lực cho ngành nuôi tôm của Việt Nam phát triển.

Đem thịnh vượng đến các vùng nuôi

Với mục tiêu kim ngạch cán mốc 1 tỷ USD, trong năm nay, Minh Phú cần khoảng 100.000 tấn tôm nguyên liệu (tôm thương phẩm) cho chế biến xuất khẩu và tiến tới cần khoảng 200.000 tấn tôm nguyên liệu vào năm 2020. Ông Quang cho biết, Minh Phú hiện có hơn 900 ha tự nuôi tôm, cùng hơn 12.000 ha nuôi tôm sinh thái liên kết và hơn 100.000 ha của các hộ nuôi tôm trong chuỗi cung ứng tôm Minh Phú đủ cung cấp nguồn tôm nguyên liệu chất lượng cao cho các nhà máy của Minh Phú.

Trong bối cảnh nhiều quy định trong lĩnh vực chế biến thủy sản ngày càng khó khăn và ngặt nghèo, yêu cầu ngày càng cao của thị trường, của người tiêu dùng thì hướng đi này càng khẳng định tầm nhìn chiến lược và phát triển bền vững của Minh Phú.

Tham gia chuỗi cung ứng tôm Minh Phú, sẽ được Tập đoàn cung cấp con giống chất lượng cao, chế phẩm vi sinh xử lý đầm ao, thức ăn, hướng dẫn quy trình nuôi, kỹ thuật nuôi và mua sản phẩm cuối cùng. Lo lắng lớn nhất của người nuôi tôm bấy lâu nay là dịch bệnh, bởi vậy Minh Phú AquaMekong thực hiện tầm soát mầm bệnh, xử lý mầm bệnh, tư vấn kỹ thuật cho người nuôi, khi tôm đến cỡ thu hoạch được, Minh Phú mua lại tôm nguyên liệu với giá cao hơn từ 10-20% thị trường. Người nuôi tôm được hưởng lợi rất lớn khi tham gia vào chuỗi cung ứng tôm bền vững này. Đồng thời sản phẩm của Minh Phú sẽ được truy xuất nguồn gốc điện tử. Khi đó giá trị của tôm Minh Phú ngày một tăng lên, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và khắt khe về an toàn thực phẩm của thị trường, của người tiêu dùng.

Trên con đường hiện thực hóa chiến lược chủ động vùng nguyên liệu, Minh Phú sẽ đầu tư trung tâm nghiên cứu gia hóa và tuyển chọn tôm sú, tôm thẻ chân trắng, bố mẹ sạch bệnh, có khả năng tăng trưởng nhanh, tỷ lệ sống cao, giúp giảm giá thành tôm nuôi, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, tiến tới chủ động được hoàn toàn nguồn tôm bố mẹ có chất lượng cao. Tập đoàn cũng hợp tác với các nhà khoa học, các công ty hàng đầu thế giới về vi sinh để liên kết sản xuất chế phẩm sinh học để phục vụ cho các công ty thành viên nuôi trồng thủy sản và bán cho các hộ nuôi trồng.

Bên cạnh đó, Minh Phú liên kết với các đơn vị sản xuất thức ăn tôm hàng đầu của thế giới, để sản xuất thức ăn tôm có chất lượng cao, tạo ra con tôm có màu sắc đỏ đẹp và thịt  tôm có giá trị dinh dưỡng cao hơn.

Động lực tăng trưởng mới

Nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu tôm là một ngành chiến lược và tăng trưởng của Việt Nam. Bởi vậy, sự phát triển của những doanh nghiệp hàng đầu như Minh Phú đóng vai trò quan trọng, góp phần tạo ra động lực tăng trưởng cho cả ngành cũng như cả nền kinh tế.

Sau nhiều năm theo đuổi chiến lược đầu tư bài bản và tăng trưởng bền vững, từ năm 2014, hoạt động của Minh Phú đã bứt phá. Dự kiến, trong năm nay, Tập đoàn gia nhập câu lạc bộ doanh nghiệp có lợi nhuận ngàn tỷ đồng, tính trên quy mô vốn 700 tỷ đồng, hiệu quả hoạt động của Minh Phú đạt mức rất cao.

Theo đánh giá của Red River Holding - quỹ đầu tư lớn của Pháp, ông Quang là doanh nhân cầu tiến, chấp nhận cái mới, dám làm, dám chịu. Ít có doanh nghiệp mạnh tay đầu tư cho nguồn nhân lực, tạo ra động lực hăng say làm việc và sự trung thành của người lao động như Minh Phú.

Ở các doanh nghiệp khác, tình trạng công nhân “nhảy việc” xảy ra như cơm bữa, ở Minh Phú, ít có chuyện này.  Lương bổng của Minh Phú  không quá vượt trội so với thị trường, nhưng luôn cao hơn 20-25%, người giỏi thậm chí có thể hưởng lương cao gấp đôi mặt bằng.

Đặc biệt, ông Quang rất quan tâm đến nơi ăn, chốn ở cho người lao động. Công nhân có ký túc xá để ở, tùy cấp bậc và mức độ đóng góp của mỗi người, Công ty cấp nhà để họ ổn định cuộc sống. Không những vậy, vị Chủ tịch còn ưu tiên cho việc đào tạo nguồn nhân lực kế thừa. Con em của cán bộ công nhân viên học giỏi, có cam kết làm việc lâu dài tại Minh Phú sẽ được chi trả toàn phần hoặc bán phần, kể cả học trong nước lẫn nước ngoài.

Mong muốn của ông Quang là Minh Phú sẽ đầu tư cho chiều sâu và tiếp tục tăng trưởng với tốc độ khoảng 20%/năm. Phát triển bền vững là cái đích mà doanh nhân này nhắm đến.

Trên con đường đưa Minh Phú trở thành doanh nghiệp toàn cầu quy mô lớn, ông Quang sẽ bắt tay với nhiều đối tác nước ngoài lớn, song vẫn luôn giữ trong mình ý thức tự cường của một doanh nhân Việt Nam. Tiếp tục cống hiến, làm giàu cho người lao động, làm giàu cho người nuôi tôm và làm giàu cho đất nước, đưa con tôm Việt Nam trải rộng trên bản đồ thế giới, đó chính là những động lực để doanh nhân Lê Văn Quang hướng về phía trước.

Theo Báo Đầu Tư

baocongthuong.com.vn

Tin cùng chuyên mục

Doanh nghiệp, doanh nhân với khoa học và trách nhiệm vì sức khoẻ cộng đồng

Doanh nhân Việt Nam: Vượt tâm thế người đi sau 'chèo lái' doanh nghiệp vươn xa, lớn mạnh

Hội Doanh nghiệp Hà Tĩnh phía Nam: Doanh nhân vươn xa – Quê nhà thịnh vượng

''Quản trị Xám'': Góc nhìn mới cho tư duy lãnh đạo trong thời đại chuyển đổi

Doanh nhân Hán Thành Tuấn gây dựng khối tài sản 'khủng' như thế nào?

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp tư nhân

Quốc hội sẽ luôn lắng nghe các đề xuất, sáng kiến của doanh nghiệp, doanh nhân

Smartthings Việt Nam: Dấu ấn 'phù thủy' tài chính Nguyễn Tất Long

Diễn đàn quốc gia thường niên “Văn hóa với doanh nghiệp” lần thứ tư sẽ tổ chức vào tháng 11/2024

Tiến sĩ Nguyễn Thị Vinh làm “thuyền trưởng” của Thái Hưng - Top 5 doanh nghiệp thương mại thép Việt Nam

Công ty Thanh Tuấn - Thế lực xây lắp "ẩn mình" giữa lòng TP. Hồ Chí Minh

Làm sao cụ thể hoá khát vọng “Tỷ phú thế giới, doanh nhân quyền lực nhất châu Á”?

Mục tiêu đến năm 2030, có ít nhất 10 doanh nhân Việt lọt danh sách tỷ phú USD thế giới

Vụ hai cô gái trẻ lộ clip: VIB khẳng định không phải nhân sự ngân hàng!

CEO Nguyễn Thị Huyền Trang – nỗ lực phát triển kinh doanh để có điều kiện hỗ trợ cộng đồng nhiều hơn

"Siêu dự án" sân bay Long Thành sắp triển khai 5 gói thầu giá trị lớn

10 quy tắc trong công tác điều hành doanh nghiệp của doanh nhân Đặng Văn Thành

Infographic: Tài sản của các tỷ phú Việt Nam thay đổi chóng mặt ra sao trong năm 2024?

CEO Huỳnh Bích Ngọc - người truyền cảm hứng cho nhiều nữ doanh nhân

COO Dung Bùi - Nữ doanh nhân tài năng và hành trình xây dựng trang tin điện tử VNtre.vn