VIMLUKI hoàn thiện công nghệ sản xuất thiếc: Đáp ứng nguồn cung cho thị trường
Giảm nhập khẩu, tiết kiệm ngoại tệ cho đất nước
Cụm công trình khoa học và công nghệ về nghiên cứu, thử nghiệm sản xuất thiếc kim loại tinh khiết 99,99% và dây hợp kim thiếc hàn có lõi chất trợ dung, hợp kim thiếc hàn không chì do Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim (VIMLUKI) chủ trì vừa đoạt giải A - Giải thưởng Khoa học Công nghệ mỏ năm 2022 - do Hội Khoa học Công nghệ mỏ Việt Nam trao tặng.
TSKH Phan Xuân Dũng - Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam cùng Chủ tịch Tập đoàn Than và Khoáng sản Lê Minh Chuẩn trao giải thưởng Khoa học Công nghệ Mỏ cho Viện KH&CN Mỏ - Luyện kim |
Đây là một trong những nguồn động viên quan trọng, ghi nhận thành tích, đóng góp của Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim cho hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng vào thực tiễn sản xuất từ 2013 đến nay.
Cụm công trình khoa học của VIMLUKI gồm các công trình: Dự án Sản xuất thử nghiệm hoàn thiện công nghệ sản xuất thiếc 99,99% bằng phương pháp điện phân tinh luyện có màng ngăn; dự án sản xuất thử nghiệm dây hợp kim thiếc hàn có lõi trợ dung.
Đề tài Nghiên cứu công nghệ sản xuất thiếc hàn không chì mác SAC305 sử dụng trong lĩnh vực điện - điện tử và Đề tài Nghiên cứu công nghệ sản xuất kem hàn (solder paste) SAC305 phục vụ ngành công nghệ điện tử từ nguyên liệu trong nước.
Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, đại diện VIMLUKI cho biết, kết quả nghiên cứu của cụm công trình liên quan đến thiếc tinh và hợp kim thiếc đã tạo ra những thành tựu cụ thể như sau: Thiếc tinh kim loại 99,99% đã tạo sự chủ động về nguồn nguyên liệu chất lượng cao cung cấp cho ngành công nghệ mới, công nghệ cao, giảm sự lệ thuộc vào nguồn cung từ nước ngoài chứa đựng nhiều yếu tố bất ổn như hiện nay. Đồng thời sản phẩm của dự án góp phần đáng kể trong việc giảm nhập khẩu, tiết kiệm ngoại tệ cho đất nước.
Đối với dây hợp kim thiếc hàn có lõi chất trợ dung do sử dụng máy ép thủy lực trục ngang 250T, cùng với một số cải tiến kỹ thuật và đã có một số thay đổi về lưu trình công nghệ nhằm mục đích nâng cao chất lượng và tăng cường công suất của dây chuyền; nên dự án đã đưa chất lượng sản phẩm nâng lên rất cao đồng thời năng suất cũng tăng lên.
Do trước đây để sản xuất hợp kim thiếc hàn có lõi chất trợ dung (nhựa thông) phải qua một số công đoạn: đúc thiếc thành cây trụ tròn F17x400 có lỗ F4, rót nhựa thông vào lỗ F4, cán ép liên tục để đạt đến kích thước yêu cầu để đưa qua máy chuốt. Do qua nhiều công đoạn nên chất lượng dây thành phẩm rất thấp (bề mặt dây bị ôxy hóa, kích thước không đều, …), hư hỏng nhiều, năng suất thấp.
Đối với sản phẩm thiếc hàn không chì thông qua đề tài đã tạo ra sản phẩm thiếc hàn không chì dạng thanh/dây và dạng kem, là những sản phẩm thân thiện với môi trường và người sử dụng và đáp ứng yêu cầu thị trường, giảm tỷ lệ nhập khẩu, tăng tỷ lệ nội địa hoá trong tương lai cho việc hàn các linh kiện và bản mạch trong lĩnh vực điện, điện tử.
Ứng dụng hiệu quả vào thực tế
Với sản phẩm dây hợp kim thiếc hàn có lõi chất trợ dung, trước năm 2013 khi chưa có sản phẩm này các công ty như: Điện Quang, Tiến Khải, Kao Minh… đều phải sử dụng các sản phẩm nhập khẩu có giá thành cao hơn khoảng 40% giá thành sản phẩm trong nước.
Lắp điện cực trong bể điện phân thiếc (hình bên trái) và sản phẩm thiếc 99,99% (hình bên phải) |
Kể từ năm 2014, sau khi hoàn thiện được công nghệ và bắt đầu sản xuất quy mô công nghiệp, sản phẩm đã được thị trường hưởng ứng tích cực, tăng doanh thu, lợi nhuận cho Công ty TNHH MTV Mỏ Luyện kim Miền Nam (V1) nói riêng và Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim nói chung.
Từ năm 2015 đến nay, công ty V1 tiếp tục nghiên cứu cải tiến và đã phát triển thêm một số mặt hàng như hợp kim thiếc hàn dạng thanh, dạng tấm. Doanh thu từ sản phẩm hợp kim thiếc hàn có lõi chất trợ dung của Công ty TNHH MTV Mỏ và Luyện kim Miền Nam hiện đang áp dụng hiệu quả giải pháp công nghệ của dự án trong năm 2021 là 13,4 tỷ đồng vào năm 2021, thu nhập bình quân 15 triệu đồng/người/tháng.
Với sản phẩm thiếc tinh 99,99% Sn, hiện nay công nghệ của dự án đang được áp dụng sản xuất hiệu quả tại chi nhánh của Viện tại tỉnh Thái Nguyên, đã sản xuất quy mô lớn từ năm 2019 cho đến nay. Từ khi có sản phẩm mới này doanh thu của đơn vị đã được cải thiện, thu nhập của người lao động năm sau cao hơn năm trước. Bên cạnh đó, các sản phẩm hợp kim thiếc hàn không chì đã làm gia tăng lượng thiếc xuất khẩu của Viện do đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường của Nhật Bản, EU…
Việt Nam đã và đang tham gia nhiều hiệp định thương mại giúp thu hút mạnh mẽ đầu tư nước ngoài, đặc biệt đối với nguồn vốn đầu tư trực tiếp, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, nâng cao trình độ quản trị doanh nghiệp, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Ngày càng có nhiều các tập đoàn điện tử đa quốc gia tại Việt Nam như Samsung, LG, Nokia… tham gia vào thị trường sản xuất điện tử. Việt Nam đang dần trở thành công xưởng sản xuất và lắp ráp linh kiện cho các sản phẩm điện tử của nhiều hãng lớn trên thế giới như Samsung, LG, Canon, Toshiba.
Bên cạnh đó, theo Quy hoạch công nghiệp Việt Nam đến 2020, tầm nhìn 2030 đưa ra mục tiêu về tăng trưởng Giá trị sản xuất công nghiệp ngành điện tử, công nghệ thông tin rất cao, giai đoạn đến 2020 đạt 17 - 18%/năm; giai đoạn đến năm 2030 đạt 19 - 21%/năm.
Đó là một trong những cơ hội rất lớn để đơn vị có thể đẩy mạnh hơn nữa khả năng tiêu thụ các sản phẩm hợp kim thiếc của đơn vị sản xuất ra. “Viện sẽ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện công nghệ, tiến tới làm chủ công nghệ sản xuất ra sản phẩm cạnh tranh được trên thị trường đối với sản phẩm thiếc hàn không chì SAC305 dạng thanh/dây và dạng kem đã nêu trên” - đại diện VIMLUKI chia sẻ.