Việt Nam vào Top 10 các thị trường tăng trưởng tốt về bất động sản hàng hiệu
Top 10 thị trường về bất động sản hàng hiệu
Hơn một thập kỷ tăng trưởng ở mức 170%, năm 2020 tiếp tục ghi nhận con số tăng trưởng kỷ lục của lĩnh vực bất động sản (BĐS) hàng hiệu. Dữ liệu mới đây của Savills cho thấy, Việt Nam thuộc Top 10 thị trường có tốc độ tăng trưởng tốt trong lĩnh vực BĐS hàng hiệu trên thế giới.
Một dự án bất động sản hàng hiệu đang được đầu tư tại TP. Hồ Chí Minh |
Theo dữ liệu Savills, 3 thị trường đứng đầu toàn cầu về BĐS hàng hiệu là Miami, Dubai và New York. Các thị trường khác có tốc độ phát triển nhanh trong lĩnh vực này còn có Việt Nam, Vương quốc Anh, Morocco, Malaysia, Úc, Vương quốc Ả Rập Saudi và Ai Cập.
Về bản chất, BĐS hàng hiệu là sản phẩm kết hợp giữa một đơn vị phát triển BĐS với một đơn vị có thương hiệu tốt về dịch vụ quản lý, thiết kế. Đáng chú ý, thị trường châu Á - Thái Bình Dương được kỳ vọng trở thành các điểm nóng phát triển loại hình BĐS này, với số lượng lớn các dự án Branded Residences, có lợi thế chi phí gia nhập thị trường thấp và ít rủi ro cho các thương hiệu xa xỉ khi giải bài toán đáp ứng nhu cầu nội địa.
Trong những năm qua, Thái Lan và Việt Nam đang nổi lên là các điểm đến du lịch nghỉ dưỡng phát triển và được đánh giá chạm tới nhiều nhu cầu của thị trường quốc tế. Hơn nữa, 2 quốc gia này tiếp tục ghi nhận tăng tưởng của nhóm người giàu trong nước, nhu cầu với mô hình Branded Residences vì thế càng mở rộng.
Đánh giá về mô hình BĐS hàng hiệu, ông Matthew Powell - Giám đốc Savills Hà Nội - cho biết, Branded Residences thuộc lĩnh vực cao cấp nhất của thị trường, có thể là những dự án quy mô lớn hoặc nhỏ, dưới loại hình chung cư hoặc biệt thự.
Theo ông Matthew Powell, tâm lý mua nhà tại thị trường Việt Nam cũng tương tự nhiều thị trường khác trên thế giới: nhà đầu tư tìm kiếm sản phẩm có chất lượng xây dựng tốt, được quản lý vận hành chuyên nghiệp và khả năng thương mại hóa tốt, từ đó sản phẩm có thể mang lại lợi ích kinh tế hấp dẫn cho chủ sở hữu. Cho nên, cho dù loại hình sản phẩm là khách sạn, bất động sản nhà ở cho thuê hoặc để ở thì họ vẫn luôn tìm kiếm một dự án BĐS hàng hiệu chất lượng cao.
Nhiều tiềm năng phát triển
Các chuyên gia nhìn nhận, thị trường Việt Nam đang tìm kiếm những thương hiệu nhà ở cao cấp. Những thương hiệu lớn mang lại cho người mua sự yên tâm nhất định về thiết kế và chất lượng quản lý. Do đó, trong thời gian tới các thương hiệu lớn này sẽ được biết đến nhiều hơn, thị trường sẽ có những phản ứng tích cực đối với loại hình sản phẩm này.
Thông thường khi nhắc đến định nghĩa Branded Residences mọi người có xu hướng nghĩ tới các BĐS nghỉ dưỡng nhiều hơn, tuy nhiên hơn 60% BĐS hàng hiệu trên thế giới lại tập trung ở các đô thị hiện đại, Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hương đó. Tại TP. Hồ Chí Minh có thể kể đến JW Marriott… và Hà Nội cũng đang có kế hoạch phát triển loại hình sản phẩm nhà ở này trong tương lai gần. “BĐS Branded Residences sẽ là xu hướng xuất hiện nhiều hơn vài năm tới, mang tới thị trường loại hình nhà ở từ các thương hiệu nổi tiếng có tiêu chuẩn thiết kế cao cấp. Chúng tôi rất kỳ vọng về sự phát triển của phân khúc BĐS có chất lượng này” - ông Matthew Powell nhận định.
Về giá của BĐS Branded Residences, luôn có sự khác biệt rất lớn giữa giá cả và giá trị. Giám đốc Savills Hà Nội cho biết, có nhiều người không thể chi trả cho các sản phẩm BĐS Branded Residences, do những sản phẩm này thường có thiết kế cao cấp, chất lượng dịch vụ cao hơn, mang tới trải nghiệm hoàn toàn khác biệt. Đây cũng chính là điều dẫn đến sự khác biệt đặc biệt nằm ở giá thành sản phẩm. Giá thành của loại hình BĐS này tại Hà Nội được cho là khá cao, nhưng vẫn thấp hơn so với các sản phẩm tương tự của các thương hiệu khác trên thế giới, hoặc thậm chí là các thương hiệu tại TP. Hồ Chí Minh.
Các sản phẩm BĐS hàng hiệu có giá khá cao, tuy nhiên giá trị mà loại hình này mang lại cũng tương xứng. Vậy nên “cao cấp hay xa xỉ” cũng là một thách thức, yêu cầu các nhà phát triển BĐS đem lại giá trị cao cấp nhất cho người mua. Việc này tương tự như khi bạn mua chiếc túi xách hàng hiệu hay nghỉ ngơi tại một khách sạn hạng sang. Giá thành của một khu nghỉ dưỡng 5 sao được quản lý bởi các nhà vận hành quốc tế sẽ đắt hơn là tại một khách sạn 4 hay 5 sao không có tên tuổi, chất lượng trải nghiệm vì thế sẽ khác nhau. Đó chính là sự khác biệt giữa yếu tố giá cả và giá trị.