Việt Nam - Trung Quốc: Kết nối giao lưu doanh nghiệp để mở rộng hợp tác các lĩnh vực tiềm năng
Hợp tác trong lĩnh vực kinh tế thương mại và đầu tư giữa Việt Nam - Trung Quốc ngày càng đi vào chiều sâu. Trong nhiều năm qua, Trung Quốc luôn là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và hiện nay Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc trên thế giới, chỉ sau Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Ngoài ra, các lĩnh vực hợp tác cùng có lợi khác không ngừng được mở rộng và đi vào chiều sâu, đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước.
Đặc biệt, chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (từ ngày 12-13/12) tới đây chắc chắn sẽ tạo thêm động lực, làm sâu sắc và nâng tầm Quan hệ Đối tác Hợp tác Chiến lược Toàn diện giữa Việt Nam - Trung Quốc.
Nỗ lực xúc tiến thương mại, mở cửa thị trường
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến tháng 12/2023, Việt Nam có 16 mặt hàng thực vật đang được xuất khẩu sang Trung Quốc gồm: Chuối, sầu riêng, măng cụt, thạch đen, cám gạo, gạo, khoai lang, dưa hấu, thanh long, xoài, mít, nhãn, vải, chôm chôm, ớt, chanh leo.
Bên cạnh ngành hàng rau quả thực vật, điểm đến quan trọng của mặt hàng thủy sản Việt Nam hiện cũng dịch chuyển dần từ thị trường Hoa Kỳ sang Trung Quốc. Tính đến tháng 10, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Hoa Kỳ và Trung Quốc cùng đạt 1,3 tỷ USD. Tuy nhiên, tính đến hết tháng 11/2023, Trung Quốc đã vượt qua Hoa Kỳ để trở thành khách hàng lớn nhất của thủy sản Việt Nam.
Sau 5 năm đàm phán, những lô sản phẩm tổ yến Việt Nam đầu tiên đã chính thức được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Ảnh: Báo Chính phủ |
Đặc biệt, trong lĩnh vực chăn nuôi, mới đây ngày 16/11/2023, sau 5 năm đàm phán, những lô sản phẩm tổ yến Việt Nam đầu tiên đã chính thức được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Sự kiện này đánh dấu mốc mở ra cơ hội bước vào thị trường tỷ dân của một trong những sản phẩm có giá trị rất cao của ngành chăn nuôi Việt Nam.
Thậm chí, một số mặt hàng công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam cũng đang dịch chuyển sang nước láng giềng tỷ dân. Theo báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương, tính chung 11 tháng của năm 2023, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 56 tỷ USD, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước.
Điểm qua những con số trên để thấy, dù không còn là thị trường dễ tính như trước, không phải hàng hóa nào thị trường Trung Quốc cũng chấp nhận, song kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường Trung Quốc vẫn tăng trưởng dương; hàng hóa Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp trong nước đã từng bước thay đổi, không ngừng nỗ lực nâng cao chất lượng và quy cách sản phẩm, đáp ứng tốt các quy định và phục vụ tốt nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng Trung Quốc.
Có thể nói, những kết quả này đến từ các giải pháp khắc phục khó khăn, mở cửa thị trường của Chính phủ, các bộ, ngành và của cộng đồng doanh nghiệp, nổi bật trong đó là công tác đàm phán mở cửa thị trường. Thời gian qua, Chính phủ, Bộ Công Thương và các bộ, ngành đã nỗ lực đàm phán mở cửa thị trường Trung Quốc cho các loại hàng hoá Việt Nam. Năm 2023, đã 2 lần Thủ tướng có chuyến công tác tại Trung Quốc và lần nào cũng đề xuất Chính phủ Trung Quốc mở cửa cho nông sản Việt Nam với 4 nhóm hàng: Sầu riêng đông lạnh, ớt, dưa hấu, dược liệu.
Đặc biệt, Bộ Công Thương với vai trò chủ lực trong việc đàm phán, xúc tiến thương mại mở rộng thị trường cho hàng Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp để đẩy mạnh xúc tiến thương mại vào thị trường này. Hồi tháng 4/2023, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã trực tiếp chủ trì Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài với chủ đề “Triển vọng xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường Trung Quốc trong bối cảnh mới”. Tại đây, Bộ trưởng đã chỉ đạo hàng loạt giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển sang thị trường Trung Quốc, góp phần cải thiện tình hình xuất nhập khẩu giữa hai nước.
Tiếp đến, cuối tháng 11/2023, Bộ Công Thương Việt Nam và Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc phối hợp với Ủy ban Xúc tiến Thương mại Trung Quốc (CCPIT) tổ chức “Hội nghị xúc tiến thương mại và giao thương Việt Nam - Trung Quốc” nhằm tăng cường thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước.
Bộ Công Thương với vai trò chủ lực trong việc đàm phán, xúc tiến thương mại mở rộng thị trường cho hàng Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp để đẩy mạnh xúc tiến thương mại vào thị trường này. Trong ảnh là Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chủ trì Hội nghị Thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại các tỉnh biên giới phía Bắc với Trung Quốc. |
Và gần đây nhất, ngày 9/12 vừa qua, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đã trực tiếp chủ trì Hội nghị Thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại các tỉnh biên giới phía Bắc với Trung Quốc, nhằm đánh giá tình hình triển khai hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa các địa phương của Việt Nam với các địa phương của Trung Quốc có chung đường biên giới.
Lãnh đạo Bộ Công Thương nhấn mạnh, các hoạt động tìm kiếm, mở rộng thị trường ở đây không chỉ là mở rộng thị trường mới mà ngay cả những thị trường chúng ta đã đặt chân vào, chúng ta vẫn phải tìm kiếm khách hàng mới và xây dựng chỗ đứng vững chắc tại thị trường đó.
Kết nối, giao lưu doanh nghiệp để khơi thông dòng chảy hợp tác
Đánh giá về quan hệ hợp tác giữa Việt Nam - Trung Quốc, tại Hội nghị Thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại các tỉnh biên giới phía Bắc với Trung Quốc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, trong nhiều năm qua, Trung Quốc là một đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Tổng kim ngạch thương mại hai chiều của Việt Nam và Trung Quốc chiếm 1/4 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với thế giới. Ở chiều ngược lại, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 6 của Trung Quốc với thế giới, đối tác lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN.
Bộ trưởng cho rằng, Trung Quốc và Việt Nam có chung đường biên giới trên bộ, trên biển và đường thủy; chiều dài biên giới đường bộ lên tới gần 400 km, đi qua địa phận của 7 tỉnh phía Bắc của Việt Nam... Do vậy, những đặc điểm này đã mang lại cho hai nước lợi thế để phát triển kinh tế, nhất là kinh tế thương mại khu vực biên giới, cửa khẩu.
Để khơi thông dòng chảy hợp tác, đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam - Trung Quốc, điều cần làm là phải tăng cường giao lưu, kết nối giữa các doanh nghiệp hai bên. Ảnh minh họa. |
Dẫn số liệu từ Tổng cục Hải quan, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) cho biết, trong 10 tháng năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt 138,9 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 49,5 tỷ USD (chiếm 17% giá trị xuất khẩu của Việt Nam), tăng 5,13%; nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 89,3 tỷ USD (chiếm 33,4% giá trị nhập khẩu của Việt Nam).
Trong 10 tháng năm 2023, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc các mặt hàng như: Điện thoại di động, linh kiện, thiết bị điện tử, cao su, nông sản, thủy hải sản... và nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc các sản phẩm như: Máy móc, thiết bị, nguyên liệu sản xuất trong ngành may mặc, giày da, sắt thép, vật tư xây dựng..., cho đến các mặt hàng sinh hoạt hàng ngày.
Chung quan điểm, ông Nông Đức Lai - Tham tán Thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc cho biết, sau 15 năm, kim ngạch thương mại giữa hai nước đã tăng hơn 8 lần, đầu tư của Trung Quốc tại Việt Nam tăng gần 10 bậc, trong khi tiềm năng hợp tác giữa hai bên còn rất lớn.
Ông Nông Đức Lai khẳng định, hợp tác kinh tế thương mại có mức bổ trợ lẫn nhau rất cao và còn tiềm năng rất lớn. Hai bên đang đẩy nhanh mở cửa thị trường cho nhiều loại nông lâm thủy sản, hoa quả Việt Nam, ngược lại ta cũng nhanh chóng xem xét mở cửa thị trường cho sản phẩm nông sản thực phẩm của Trung Quốc; thúc đẩy ký kết Nghị định thư đối với các loại nông sản có hoạt động thương mại truyền thống và phối hợp tạo điều kiện thuận lợi về kiểm dịch, thông quan hàng hóa, xử lý các vướng mắc về cơ chế, chính sách để thúc đẩy thương mại hai bên.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, quan hệ kinh tế, thương mại, nhất là thương mại biên giới giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc còn nhiều hạn chế. “Trao đổi thương mại chưa tương xứng với tiềm năng, chưa khai thác hết năng lực hạ tầng cửa khẩu; xuất khẩu nông thủy sản chủ yếu vẫn là tiểu ngạch, số lượng, chất lượng, giá cả đều thiếu ổn định...” - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu rõ thực tế và đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt chủ trương của Lãnh đạo hai nước về hợp tác toàn diện, hiệu quả, nhất là lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, trong đó có kinh tế thương mại biên giới.
Tư lệnh ngành Công Thương cho rằng, để khơi thông dòng chảy hợp tác, đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam - Trung Quốc, điều cần làm là phải tăng cường giao lưu, kết nối giữa các doanh nghiệp hai bên. Sự gần gũi về mặt địa lý là một thuận lợi, nhưng sự khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa và tập quán kinh doanh là những rào cản đối với doanh nghiệp hai nước trong quá trình xây dựng quan hệ kinh doanh tin cậy và bền vững. Vượt qua được những rào cản này sẽ mang lại thành công cho mỗi doanh nghiệp cũng như sự thành công chung của hai quốc gia trong quan hệ kinh tế - thương mại song phương.
Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình và Phu nhân sẽ thăm cấp Nhà nước đến nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam từ ngày 12 đến ngày 13/12/2023. Chuyến thăm được thực hiện theo lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Phu nhân, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Võ Văn Thưởng và Phu nhân. Chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Việt Nam lần này có ý nghĩa rất quan trọng, cùng với chuyến thăm chính thức Trung Quốc mang ý nghĩa lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng năm ngoái sẽ tạo điều kiện thuận lợi cũng như động lực cho sự phát triển lên tầm cao mới của quan hệ hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước với những hợp tác hết sức thiết thực, hiệu quả và ngày càng thực chất hơn, làm sâu sắc hơn nữa khuôn khổ hợp tác cho tương lai lâu dài của quan hệ hai nước theo hướng bền vững, góp phần vào xu thế hòa bình, ổn định, hợp tác trong khu vực và trên thế giới. |