Việt Nam - thành viên tích cực, trách nhiệm trong ASEM
Nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM), tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã chủ trì Đối thoại chính sách cao cấp ASEM với chủ đề "25 năm thành lập ASEM - tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác Á-Âu trong một thế giới đang thay đổi" theo hình thức kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến. Chương trình là dịp để các thành viên thảo luận về định hướng và tầm nhìn hợp tác Á – Âu trong giai đoạn mới; góp phần giữ đà và thúc đẩy hợp tác ASEM. Kết quả đối thoại sẽ đóng góp vào công tác chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao ASEM 13 dự kiến tổ chức vào ngày 25 – 26/11/2021 tại Campuchia.
Đối thoại chính sách cao cấp ASEM có sự tham gia của các đại diện cấp Bộ trưởng, Thứ trưởng các nước thành viên, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu, các diễn giả là chuyên gia và học giả uy tín ở khu vực và quốc tế. |
Theo Bộ Ngoại giao, đây là một trong những hoạt động ASEM Việt Nam đăng cai được nhiều thành viên ASEM và các tổ chức quốc tế đánh giá cao, cử đại biểu tham dự đông và ở cấp cao.
25 năm qua, Việt Nam đã có nhiều đóng góp nổi bật trong ASEM, bao gồm tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao ASEM 5 (năm 2004), 5 Hội nghị Bộ trưởng trong các lĩnh vực kinh tế (năm 2001), công nghệ - thông tin (năm 2006), ngoại giao (năm 2009), giáo dục (năm 2009), lao động (năm 2012), và triển khai nhiều sáng kiến trong các lĩnh vực chuyên ngành thuộc ưu tiên của ASEM.
Việt Nam cũng tham gia đề xuất, thúc đẩy 2 lần mở rộng thành viên ASEM (ASEM 5, 2004 và Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM lần thứ 9, năm 2009) cùng các thành viên thông qua nhiều văn kiện và quyết định quan trọng mang tính định hướng trong tiến trình hợp tác ASEM như "Tuyên bố Hà Nội về quan hệ đối tác kinh tế ASEM chặt chẽ hơn" và "Tuyên bố ASEM về đối thoại giữa các nền văn hóa, văn minh", "Khuyến nghị về cải tiến phương thức hoạt động ASEM" (2004).
Đến nay, Việt Nam được đánh giá là một trong những thành viên tích cực nhất của Diễn đàn, đề xuất 29 sáng kiến và đồng bảo trợ 31 sáng kiến về những lĩnh vực thiết thực với địa phương, doanh nghiệp và người dân, như văn hóa, y tế, giao thông vận tải, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, biến đổi khí hậu, khoa học – công nghệ…
Việt Nam cũng là một trong những nước đi đầu khởi xướng và duy trì cơ chế hợp tác đầu tiên trong ASEM về quản lý nguồn nước là Đối thoại ASEM về phát triển bền vững, trong đó tập trung hợp tác tiểu vùng các nước ven sông Mekong – Danube, góp phần nâng hợp tác tiểu vùng Mekong lên tầm liên khu vực.
Hiện, Việt Nam đang tích cực phát huy vai trò trong 5 nhóm hợp tác chuyên ngành mà nước ta là thành viên về quản lý nước, ứng phó thiên tai, đào tạo nghề, giáo dục và phát triền nguồn nhân lực, kết nối công nghệ.
Cùng với các thành tựu phát triển và đối ngoại, việc Việt Nam tiếp tục tham gia, đóng góp tích cực tại Diễn đàn ASEM là bước triển khai quan trọng chủ trương đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, góp phần tranh thủ sự ủng hộ của các thành viên, nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam. |