Việt Nam nằm trong nhóm nước có tốc độ tăng trưởng chỉ số HDI cao nhất thế giới
Đây là một phát hiện chính trong Báo cáo Phát triển con người năm 2019, vừa được Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) công bố với tiêu đề “Bất bình đẳng trong phát triển con người ở thế kỷ 21: Không chỉ thu nhập, mức trung bình và hiện tại.”
Bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú UNDP ở Việt Nam |
Bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú UNDP ở Việt Nam, nhấn mạnh rằng Báo cáo Phát triển con người năm 2019 đã hé lộ một thế hệ mới các hình thức bất bình đẳng đang nổi lên xung quanh các vấn đề công nghệ số, giáo dục và cuộc khủng hoảng khí hậu, cũng như đề xuất các cách thức mới để đo lường và tiếp cận các vấn đề này. Bà Wiesen ca ngợi Việt Nam đã kiên định chọn hướng phát triển lấy con người làm trọng tâm và sự bình đẳng trong các chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Cũng theo báo cáo, Chỉ số HDI của Việt Nam đang ở gần mức trần của nhóm các nước có Chỉ số phát triển con người ở mức trung bình. Với chỉ số HDI là 0,63, Việt Nam xếp thứ 118 trong tổng số 189 nước. Việt Nam chỉ cần thêm 0,007 điểm để vào được nhóm các nước có chỉ số HDI ở mức cao.
Trong khi đó, chỉ số HDI của Việt Nam vào năm 2018 bị giảm là có 16,3% do yếu tố bất bình đẳng gây ra. Sự sụt giảm thu nhập của Việt Nam có 18,1% là do bất bình đẳng và chỉ số GINI ở mức 35,3, trong nhóm các nước có chỉ số GINI thấp nhất của khu vực Đông Á và Thái Bình Dương.
Việt Nam cũng có kết quả tốt về khía cạnh bình đẳng giới. Chỉ số phát triển giới ở mức 1,003 đã đưa Việt Nam vào nhóm dẫn đầu trong số 5 nhóm gồm 166 nước trên toàn thế giới, xếp thứ 68 trong số 162 nước về chỉ số phát triển giới. Đặc biệt đáng khen ngợi là tỷ lệ nữ đại biểu quốc hội đã giúp Việt Nam nằm trong nhóm 1/3 các nước đứng đầu thế giới về tỷ lệ này.
Tuy nhiên, Báo cáo này cũng chỉ ra nhiều lĩnh vực quan trọng cần tiếp tục cải thiện. Về vấn đề phát triển môi trường và bền vững, Báo cáo Phát triển con người nêu bật tỷ lệ che phủ rừng của Việt Nam nằm trong nhóm 1/3 các nước dẫn đầu toàn thế giới. Trong khi đó, Việt Nam lại nằm trong nhóm 1/3 các nước xếp hạng cuối về phát thải khí carbon theo đầu người.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng, để nâng cao chỉ số phát triển con người ở Việt Nam, các nhiệm vụ, định hướng và giải pháp phát triển ngành, lĩnh vực và cơ cấu kinh tế trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030, đã tập trung ưu tiên lồng ghép các nội dung như: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển giáo dục đào tạo và phát triển khoa học và công nghệ; Phát triển văn hóa xã hội, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân, phát triển hệ thống an sinh xã hội đa dạng, đa tầng, giảm nghèo bền vững; Thực hiện tốt chính sách dân tộc và tôn giáo, thực hiện bình đẳng giới và nâng cao vị thế của phụ nữ; Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.