Vì sao Tiktok đang trở thành 'đầu tàu' ngành công nghiệp văn hóa Hàn Quốc?
Mặc dù Hàn Quốc nổi tiếng là quốc gia xuất khẩu những mặt hàng công nghiệp, công nghệ cao như chất bán dẫn, ô tô và điện thoại thông minh; nhưng sự bùng nổ của nền văn hóa Hàn Quốc đang hứa hẹn sẽ tăng cường tiềm lực kinh tế cho “xứ sở kim chi” và những tập đoàn tại quốc gia này.
Biển quảng cáo nhóm nhạc thần tượng Hàn Quốc nổi tiếng BTS tại thủ đô Seoul. (Nguồn ảnh: Bloomberg) |
Cụ thể, theo nghiên cứu mới do /chu-de/tiktok.topic và công ty phân tích Kantar công bố, quy mô thị trường xuất khẩu văn hóa của Hàn Quốc đang được ước tính đạt khoảng 76 tỷ USD, và những nội dung trên mạng xã hội về văn hóa Hàn Quốc tại các thị trường trọng điểm sẽ có thể làm nền kinh tế Hàn Quốc ngày càng lớn mạnh trong những năm tới.
Nghiên cứu cũng dự báo, chi tiêu toàn cầu cho các sản phẩm văn hóa Hàn Quốc có thể tăng gần gấp đôi vào năm 2030, lên mức 143 tỷ USD. Thậm chí, nếu tất cả những người tiêu dùng tiềm năng trên Tiktok bắt đầu mua các mặt hàng tiêu dùng, dịch vụ và giải trí của Hàn Quốc, tổng chi tiêu cho các sản phẩm từ quốc gia này có thể lên tới 198 tỷ USD vào cuối thập kỷ này.
Nghiên cứu trên được đưa ra trong bối cảnh các nội dung về phim truyền hình, âm nhạc, ẩm thực và mỹ phẩm Hàn Quốc đang ngày càng trở nên phổ biến trên các nền tảng mạng xã hội. Trong đó có mạng xã hội TikTok, vốn là nơi giới trẻ đăng các đoạn clip ngắn nhảy theo những bài hát nổi tiếng, giờ đã trở thành nơi tụ tập trực tuyến của những người hâm mộ văn hóa Hàn Quốc.
Đặc biệt, Tiktok đang giúp Hàn Quốc thu hẹp khoảng cách về mặt kinh tế với Nhật Bản, nhà xuất khẩu văn hóa “nặng ký” của châu Á. Điều này có được là vì những nội dung trên TikTok đang ngày càng được phân nhánh, để hướng đến các chủ đề ngách như ẩm thực, phim truyền hình và âm nhạc Hàn Quốc. Qua đó, chúng sẽ thúc đẩy sự tương tác giữa người xem, và cuối cùng sẽ đẩy mạnh doanh số bán sản phẩm được quảng bá trên Tiktok.
Một ví dụ tiêu biểu là sau khi rapper nổi tiếng người Mỹ Cardi B bất ngờ ăn thử mì ăn liền Buldak của hãng Samyang Foods trên Tiktok, doanh số bán mì của hãng này đã tăng vọt. Nhờ điều đó, cổ phiếu của công ty sản xuất mì Hàn Quốc này đã lên mức cao kỷ lục trong năm nay, đạt mức hơn 200% vào ngày 18/6 vừa qua.
Một điều đáng ngạc nhiên là, thay vì đến từ Hàn Quốc, một lượng lớn người tiêu thụ văn hóa Hàn Quốc trên Tiktok lại đến từ Mỹ và các quốc gia Đông Nam Á. Theo nghiên cứu của Titkok, có đến 80% người dùng trong khu vực Đông Nam Á và Mỹ đã tiếp cận nội dung về văn hóa Hàn Quốc trên trang mạng xã hội này.
Đặc biệt, Tiktok đánh giá Đông Nam Á là một thị trường lớn và có nhiều tiềm năng. Ông Hyunho Son, tổng giám đốc giải pháp kinh doanh toàn cầu tại TikTok Hàn Quốc, nhận định: “Nếu bạn nhìn vào những câu chuyện thành công trên toàn cầu về nội dung văn hóa Hàn Quốc, chúng thường đến từ các nhà sáng tạo ở Đông Nam Á. Điều này cho thấy thị trường Đông Nam Á đang đóng vai trò là cửa ngõ và là trung tâm cho các xu hướng toàn cầu về văn hóa Hàn Quốc.”
“Cơn sốt văn hóa Hàn Quốc” xuất hiện vào thời điểm TikTok đang mở rộng hoạt động kinh doanh thương mại điện tử thông qua sàn TikTok Shop ở Mỹ và trên khắp Đông Nam Á. Theo TikTok Shop, các sản phẩm Hàn Quốc là một trong những phân khúc hứa hẹn nhất trên nên tảng này, với hơn một nửa người dùng đã mua các mặt hàng thực phẩm hoặc mỹ phẩm Hàn Quốc trực tiếp trên nền tảng này.
Theo nghiên cứu của Tiktok, chi tiêu toàn cầu cho âm nhạc Hàn Quốc ước tính sẽ tăng khoảng 11,6 tỷ USD trong năm nay, trong khi chi tiêu cho mỹ phẩm và thực phẩm Hàn Quốc dự kiến tăng hơn 20 tỷ USD. Nghiên cứu cũng cho biết, cứ 10 người dùng TikTok ở Mỹ và Đông Nam Á thì có 7 người dùng sẽ tăng mức chi tiêu cho đồ ăn và các sản phẩm làm đẹp từ Hàn Quốc trong năm nay.