Vì sao nhiều lao động bị thu hồi tiền trợ cấp thất nghiệp?
Nguyên nhân của tình trạng này được cơ quan chức năng phân tích, do người lao động thiếu hiểu biết về pháp luật bảo hiểm thất nghiệp, không rõ về các trường hợp dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp, không thông báo kịp thời cho Trung tâm Dịch vụ việc làm khi có việc làm mới...
Thậm chí, có trường hợp cố tình giấu việc đã có việc làm để tiếp tục hưởng trợ cấp thất nghiệp hoặc thỏa thuận với bộ phận nhân sự của công ty là làm việc nhưng không đóng bảo hiểm xã hội trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Đã có nhiều lao động bị thu hồi tiền trợ cấp thất nghiệp. Ảnh minh họa |
Theo quy định tại khoản 1 Điều 43 Luật Việc làm 2013, người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện:
1. Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật; hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng.
2. Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 43 của Luật này; đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 43 của Luật này.
3. Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định tại khoản 1 Điều 46 của Luật này.
4. Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trừ các trường hợp thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên; chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù; ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng; chết.
Như vậy, người lao động phải đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian quy định đối với từng loại hợp đồng và đáp ứng được các điều kiện khác theo quy định thì mới được hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Đối với việc tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp, tại khoản 1 Điều 19 Nghị định 28/2015/NĐ-CP quy định:
1. Người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp phải thực hiện thông báo về việc tìm kiếm việc làm theo quy định tại Điều 52 Luật Việc làm.
2. Trong thời hạn 2 ngày làm việc kể từ ngày người lao động không đến thông báo về việc tìm kiếm việc làm hàng tháng theo quy định, trung tâm dịch vụ việc làm nơi người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp trình Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định về việc tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động.
Quyết định về việc tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp được trung tâm dịch vụ việc làm gửi 1 bản đến Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh để thực hiện tạm dừng chi trả trợ cấp thất nghiệp đối với người lao động; 1 bản đến người lao động. Quyết định về việc tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp thực hiện theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định.
Như vậy, để tránh trường hợp bị tạm dừng hưởng hay bị thu hồi tiền trợ cấp thất nghiệp, trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, hàng tháng người lao động phải trực tiếp thông báo với trung tâm dịch vụ việc làm nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp về việc tìm kiếm việc làm, trừ trường hợp người lao động ốm đau, thai sản, tai nạn có giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh hoặc trường hợp bất khả kháng.