Vấn nạn kinh doanh gas mất an toàn
Bình gas bị cắt tai mài vỏ nguy cơ cháy nổ cao |
Nhiều chiêu thức "lách luật"
Theo ông Dương Thanh Hoàng - Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TP. Hồ Chí Minh: Hoạt động chiết nạp và kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) trái phép, cùng với vấn nạn sản phẩm LPG chai giả mạo nhãn hiệu, không đảm bảo chất lượng, khối lượng trên địa bàn thành phố trong những năm qua có diễn biến phức tạp. Tình trạng một số doanh nghiệp (DN) kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng chiếm dụng trái phép chai LPG của DN có uy tín, sau đó cắt tai mài vỏ vẫn tồn tại.
Một trong những thủ đoạn của tổ chức, cá nhân vi phạm là lập ra các kho chứa chai LPG với chức năng đăng ký là kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng và vận chuyển thuê vỏ chai LPG cho khách hàng để đưa chai LPG vào lưu giữ tại kho. Khi bị kiểm tra, các đối tượng thường giải trình là tập trung đủ số vỏ chai LPG cho 1 chuyến sẽ chuyển đến cho chủ sở hữu để giao trả. Việc làm này được "hợp thức hóa" thông qua việc ký các hợp đồng thu hộ và trao đổi vỏ chai với các đại lý, tổng đại lý, nhằm trao đổi các vỏ bình gas ngoài hợp đồng và nhận về các vỏ bình gas trong hợp đồng để hoàn trả cho chủ sở hữu. Đồng thời, đối tượng cũng xuất trình được các giấy ủy quyền thu hộ và lưu giữ vỏ bình từ các tổng đại lý để chờ trao đổi.
Nhưng qua kiểm tra, lực lượng QLTT phát hiện hoạt động của các cơ sở này lại là chiếm dụng vỏ chai gas của hãng khác, sau đó cải tạo, thay tai xách, đóng dập lại số seri, sơn hoặc dán logo, biến thành vỏ bình gas của hãng mình bán ra thị trường. Việc sửa chữa này đã làm thay đổi kết cấu, khiến sức chịu áp lực của vỏ chai gas giảm. Các vỏ bình gas bị sửa chữa luôn có nguy cơ biến thành những quả bom có sức công phá lớn.
Ông Hoàng cho biết thêm, các chai LPG bị chiếm dụng này thường được chở đến những cơ sở tại Bình Dương, Tây Ninh, Long An… để chiết nạp sau đó quay ngược về thành phố và được đưa đến các cửa hàng kinh doanh để tiêu thụ. Các chai LPG loại này chưa có niêm màng co van đầu bình cho đến khi giao hàng cho người tiêu dùng mới được gắn niêm màng co để đối phó với cơ quan chức năng.
Khu vực tiêu thụ chính của những sản phẩm này là tại những nơi có nhiều khu công nghiệp và khu chế xuất, tập trung lao động nhập cư, đời sống tương đối khó khăn, nhận thức còn hạn chế nên thường sử dụng gas giả mạo nhãn hiệu, đặc biệt là chai LPG mini không được phép chiết nạp do giá thành thấp.
Bịt kẽ hở pháp lý
Nhận định về nguyên nhân của tình trạng này, ông Hoàng cho biết, những bất cập trong quy định pháp luật chính là kẽ hở để các đối tượng khai thác, thực hiện hành vi vi phạm. Đơn cử, hình thức xử phạt tịch thu chỉ áp dụng cho người "Làm thay đổi hình dạng, kết cấu, trọng lượng ban đầu của chai LPG trái phép" nhưng lại không quy định đối với hành vi "Mua bán, vận chuyển, tồn trữ chai LPG đã thay đổi hình dạng, kết cấu, trọng lượng ban đầu của chai LPG trái phép".
Chính vì thế, lực lượng QLTT TP. Hồ Chí Minh kiến nghị Chính phủ cần hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý và xử phạt vi phạm trong hoạt động kinh doanh khí; rà soát, bổ sung các quy định mới đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế về mặt bằng pháp lý theo xu hướng mới. "Các văn bản quy phạm pháp luật nên chú trọng đến tính khả thi và sự minh bạch cần thiết cho các cơ quan thực thi khi vận hành, tránh bổ sung thêm các hướng dẫn nhằm tạo sự thông thoáng cho hành lang pháp lý, đồng thời tăng cường biện pháp xử lý hình sự, tạo hiệu ứng giáo dục và răn đe hiệu quả nhất" - ông Hoàng nhấn mạnh.