Vụ tai nạn thảm khốc tại Bắc Giang đêm 2/6 vừa qua làm chết 3 người trong cùng một gia đình đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng uống rượu bia khi tham gia giao thông.
Để trả giá cho phút bốc đồng của mình, tài xế Nguyễn Đức Thịnh (35 tuổi, trú P. Ngô Quyền, TP. Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang), cán bộ của Ban Quản lý bảo trì đường bộ (thuộc Sở Giao thông Vận tải Bắc Giang) đã bị khởi tố, bắt tạm giam để làm rõ hành vi vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.
Trước thời điểm gây tai nạn, tài xế điều khiển chiếc "xe điên" đã quá chén với bạn bè trong buổi tiệc chia tay, lái xe trong tình trạng không còn tỉnh táo khiến 3 người trong một gia đình, trong đó có một em bé nhỏ qua đời.
Mặc dù, sau sự việc, khi tinh thần đã tỉnh táo, tài xế Nguyễn Đức Thịnh đã rất cắn rứt lương tâm khi quá chén, không làm chủ tay lái. Đồng thời, mong mọi người từ vụ việc của mình hãy làm chủ tay lái và không sử dụng rượu bia khi lái xe.
Đáng tiếc, sự ân hận đã quá muộn màng, và thảm thương hơn, chính là cậu con trai mới 20 tuổi của nạn nhân – cái tuổi còn bao nhiêu ước mơ, khát khao… phải đánh đổi bằng cú sốc đầu đời quá lớn và bất đắc dĩ em phải trở thành trụ cột chính của gia đình cùng với trách nhiệm chăm sóc bà nội bị tai biến và cả một đời ám ảnh đau thương.
Câu chuyện buồn này khiến xã hội càng lo lắng, bất an và lên án mạnh mẽ hơn bởi “ma men” ngồi sau tay lái lại là người đang công tác trong ngành Giao thông vận tải.
Nhiều các trang mạng xã hội đã đăng tải thông điệp "Đã uống rượu bia không lái xe", "Say xỉn lái xe là tội ác" nhằm tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức khi tham gia giao thông |
Thực tế cho thấy, đây là vấn nạn nhức nhối, mà dù các cơ quan chức năng đã có nhiều giải pháp, từ tuyên truyền, vận động đến xây dựng các chế tài xử phạt nghiêm khắc, nhưng tình trạng người điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia vẫn diễn ra mọi lúc, mọi nơi, gây ra những hậu quả khôn lường.
Đã có quá nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xuất phát từ người điều khiển phương tiện giao thông uống rượu bia gây ra. Như cách đây 3 năm, dư luận từng đau xót trước vụ tai nạn thảm khốc xảy ra tại hầm Kim Liên, Hà nội. Nạn nhân là 2 người phụ nữ tuổi đời còn khá trẻ. Vụ tai nạn đã khiến 4 đứa trẻ mồ côi mẹ. Hay như vụ một xe 7 chỗ gây tai nạn liên hoàn trên đường Láng, Đống Đa, Hà Nội khiến 1 nữ công nhân vệ sinh có hoàn cảnh vô cùng đáng thương tử vong.
Theo các chuyên gia y tế, rượu bia là một chất gây ảo giác nặng với hệ thần kinh, làm hệ thần kinh mất khả năng tự chủ, mất khả năng định hướng, mất khả năng điều khiển vận động. Trong trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông có sử dụng rượu, bia, nồng độ cồn trong rượu, bia, tác động vào thần kinh dễ khiến người điều khiển phương tiện không làm chủ được và gây ra tai nạn.
Mặc dù ai cũng hiểu được những đặc tính của rượu bia, tuy nhiên thực tế theo số liệu thống kê hiện nay cho thấy, tình trạng người điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi uống rượu, bia vẫn luôn thường trực. Do say xỉn không làm chủ được tay lái, khó xử lý tình huống, nhiều người đã vô tình gieo những "án tử” không hẹn trước cho những người tham gia giao thông khác và cả chính mình.
Thống kê chính thức của Cục Cảnh sát giao thông, từ đầu năm tới nay, cả nước đã xảy ra 118 vụ tai nạn giao thông do rượu bia, khiến 85 người thiệt mạng và làm 77 người bị thương.
Từ kết quả khảo sát của Tổ chức Y tế thế giới đối với các nạn nhân nhập viện vì tai nạn giao thông, có tới hơn 36% số người lái xe máy và gần 67% người lái ô tô có nồng độ cồn trong máu vượt ngưỡng cho phép. Thống kê, trong số 100 nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông có liên quan đến rượu, bia, độ tuổi 15 - 29 chiếm tới gần 60%. Nam giới chiếm trêm 90% tổng số nạn nhân.
Kết quả khảo sát xã hội học của một số tổ chức cũng cho thấy, kiến thức, thái độ và nhận thức của một bộ phận người dân trong xã hội về vấn đề này chưa thực sự đầy đủ.
Trước những hệ luỵ khôn lường do người điều khiển phương tiện sau khi dùng rượu, bia gây ra, ngày 3/6, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh đã ký công điện gửi các cơ quan, đơn vị về việc chấp hành quy định về phòng, chống tác hại của rượu, bia. Theo đó yêu cầu người dân thực hiện nghiêm quy định, đã uống rượu, bia thì không lái xe.
Sự vào cuộc kịp thời của các cơ quan chức năng, đặc biệt với công điện của Phó Thủ tướng Chính phủ đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của dư luận. Song, theo PGS.TS Phạm Việt Cường - Đại học Y tế Công cộng cho biết, dù các cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp để xử lý lỗi vi phạm sử dụng rượu bia vẫn điều khiển phương tiện giao thông, nhưng thực sự vẫn chưa đủ sức răn đe các đối tượng vi phạm.
Theo đó, vị PGS.TS này cho rằng: "Chúng ta mặc dù có luật, nhưng chưa triển khai và thực thi một cách tốt nhất cho nên vẫn còn những hiện tượng này. Theo tôi, để có thể thay đổi được trước hết là việc thực thi pháp luật của chúng ta cần đẩy mạnh và đặc biệt là tuyên truyền trong vấn đề sử dụng rượu bia và lái xe”.
Mức phạt hiện nay của Nghị định số 100 và Nghị định số 123 mới đây (sửa đổi) theo ông Cường cũng khá nặng. Tuy nhiên, ở Việt Nam mới chỉ dừng lại ở mức gọi là tước bằng lái và phạt tiền, chưa xử phạt hành vi tái phạm hay những người vi phạm ở mức độ cao.
Đồng quan điểm, theo TS Lê Thu Huyền (Đại học Giao thông Vận tải), cần xử phạt tăng nặng theo mức độ vi phạm và nếu vượt ngưỡng quy định, có thể phạt tù. Hiện nay, mức phạt cao nhất với người đi ô tô có nồng độ cồn trong máu vượt 80 mg/100 ml hoặc vượt 0,4 mg/lít khí thở là 30-40 triệu đồng, tước bằng lái 22 đến 24 tháng.
"Tôi đề xuất mức này nên chia ra 80-160 mg/100ml, 160-240 mg/100 ml để xử phạt tăng nặng theo mức độ vi phạm. Nếu lái xe có nồng độ cồn cao hơn 240 mg/100 ml máu thì có thể bị phạt tù" - TS Lê Thu Huyền bày tỏ.
Một số ý kiến cũng đồng tình, để giảm các vụ việc tai nạn đặc biệt nghiêm trọng do người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia gây ra, cùng với triển khai thực thi pháp luật thì cơ quan chức năng cần nghiên cứu đến phương án đưa ra những hình thức xử phạt nặng hơn, có thể tước bằng lái xe vĩnh viễn, cấm lái, thậm chí là phạt tù đối với những trường hợp tái phạm liên tục.
Tai nạn giao thông do sử dụng rượu, bia luôn là vấn đề của toàn xã hội. Ngoài sự nghiêm minh của pháp luật, với sự quyết liệt, mạnh mẽ trong chế tài, hơn lúc nào hết, chính ý thức, trách nhiệm của người tham gia giao thông là yếu tố tiên quyết, không chỉ góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông do sử dụng rượu bia gây ra mà còn tạo sự bình yên cho xã hội, cũng như để bảo vệ chính mình.