Thứ ba 26/11/2024 01:22

Tu bổ, tôn tạo di sản không phải phá di tích nguyên gốc để xây dựng hoành tráng hơn

Theo TS Nguyễn Viết Chức, việc tu bổ di sản không phải phá công trình gốc để xây dựng hoành tráng hơn mà phải giữ được hồn cốt tư tưởng, giá trị lịch sử vốn có.

Tôn tạo làm sao giữ được nét cổ kính?

Như Báo Công Thương đã thông tin, trước hình ảnh mới của di tích kiến trúc nghệ thuật dinh Hoàng A Tưởng tại huyện Bắc Hà (Lào Cai) gần đây gây xôn xao dư luận. Nhiều ý kiến “chê” dinh thự không giữ được màu sơn cũ mất đi nét cổ kính, rêu phong mà phủ màu sơn bên ngoài màu vàng nhạt, quá sáng (chủ yếu màu trắng) không phù hợp. Đa số cho rằng giá trị của dinh thự nằm ở chữ "cổ", nên phải giữ nguyên màu sơn cũ của di tích mới thấy được hết nét đẹp lịch sử của công trình.

Trên mạng xã hội cũng xuất hiện nhiều ý kiến tranh cãi quanh "màu áo mới" của dinh thự Hoàng A Tưởng. Bên cạnh những ý kiến ủng hộ như: “không có mới thì lấy đâu ra cũ”, “Cũ hay mới đều có cái đẹp của nó. Rồi mấy nữa rêu phong bám vào lại thành cũ ngay ý mà. Kiểu gì thì kiểu vẫn đẹp vì kiến trúc của nó không hề thay đổi”,... thì cũng không ít các bình luận trái chiều cho rằng màu sơn mới không phù hợp, cảm thấy “chán”, “mới sơn lại, không đẹp”, “thích diện mạo cũ hơn”, “tưởng biệt phủ mới”, “hỏng hết cả 1 di tích”,...

Được biết, việc tu bổ, tôn tạo dinh Hoàng A Tưởng được tỉnh Lào Cai khởi công từ tháng 12/2023, dự kiến đến tháng 12/2024 công trình sẽ hoàn thành, với kinh phí phê duyệt gần 12 tỷ đồng. Liên danh Công ty TNHH MTV Trường Sơn và Công ty Cổ phần xây dựng tỉnh Lào Cai được chọn là nhà thầu thi công công trình.

Diện mạo mới của dinh Hoàng A Tưởng.
Dinh Hoàng A Tưởng gồm phần nhà chính và 2 nhà phụ, với tông màu chủ đạo là màu vàng nhạt.

Câu chuyện trùng tu, tôn tạo lại một di tích để giữ gìn nét văn hóa, giá trị lịch sử khiến dư luận xôn xao bởi hình ảnh mới lạ, bị cho là không đẹp bằng di tích cũ không phải là hiếm.

Mới đây nhất, khách du lịch cũng cảm thấy ngỡ ngàng với diện mạo di tích Chùa Cầu (Lai Viễn Kiều) - một biểu tượng của di sản văn hóa thế giới Hội An, tỉnh Quảng Nam sau tu bổ.

Trên mạng xã hội và truyền thông chính thống có nhiều ý kiến trái chiều về Chùa Cầu sau trùng tu. Những ý kiến này chủ yếu chê bai, phê phán,… cho rằng Chùa Cầu đã trùng tu sai, đã bị “trẻ hóa”; Một số chi tiết được thay thế, phục dựng trong quá trình trùng tu như hoa văn trên đỉnh mái, màu hoa văn, màu vôi, tường, ngói… quá mới, tạo cảm giác “khập khiễng”, không ăn khớp với phần giữ nguyên cũ; Phần đỉnh mái được thay thế bằng vật liệu mới, độ bền cao nhưng cũng được cho là quá hiện đại; Việc trùng tu đã phá hỏng một “biểu tượng của Hội An”, di sản văn hóa của nhân loại;…

Diện mạo Chùa Cầu sau trùng tu. (Ảnh: nld.com.vn)
Diện mạo Chùa Cầu trước đó. (Ảnh: nld.com.vn)

Tương tự, Nhà thờ Lớn Hà Nộiđi vào tu sửa từ tháng 4/2021 do tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Trên một số diễn đàn mạng xã hội thời điểm đó hình ảnh mới của Nhà thờ Lớn gây tranh cãi trái chiều. Trong khi nhiều người thích thú với hình ảnh khang trang, mới mẻ, được cải tạo đảm bảo an toàn của công trình này thì không ít người lại thất vọng, cho rằng việc tu sửa đã làm “hỏng” kiến trúc cổ kính của công trình.

Hay như, hồi năm 2022, ngôi biệt thự Pháp cổ tại địa chỉ 49 phố Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội trở thành tâm điểm tranh cãi vì đột ngột trở nên mới mẻ, mất đi nét cổ kính rêu phong sau khi hoàn thiện công tác trùng tu. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, sau khi trùng tu công trình bao giờ cũng trông có vẻ mới hơn so với sự cũ kỹ thường thấy trước đó, qua thời gian nét cổ kính sẽ được phục hồi.

Bảo tồn đi đôi với phát huy giá trị

Liên quan đến vấn đề này trao đổi với Báo Công Thương, TS Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết, việc tu bổ, tôn tạo, trùng tu các công trình, di sản quan trọng nhất không phải giữ màu sơn, vật liệu, hay làm thật hoành tráng,... mà là giữ được tư tưởng gốc của di sản, coi trọng hồn cốt, ý nghĩa lịch sử công trình.

TS Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. (Ảnh: toquoc.vn)

“Việc giữ gìn, bảo tồn những cái có thể bảo tồn nguyên trạng được là tốt, nhưng nếu không thể được phải nghiên cứu, tính toán hy sinh vật liệu hay cái gì đó để bảo tồn thì cũng phải coi trọng bảo vệ tư tưởng gốc”, TS Nguyễn Viết Chức nói.

TS Nguyễn Viết Chức lấy ví dụ, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, bảo tồn giữ tinh thần “Tôn sư trọng đạo”, coi trọng sự học, mặc dù vật liệu thay thế chỉ giống vật liệu cổ nhưng người dân vẫn chấp nhận được.

Chính vì vậy, TS Nguyễn Viết Chức khuyến cáo việc trùng tu, tôn tạo công trình, di sản lịch sử đều phải có ý kiến của những người có chuyên môn cao. Thêm nữa, bảo tồn phải đi đôi với phát huy, phải nghĩ đến những phương án để phát huy giá trị công trình. Nếu bảo tồn xong nhưng di sản bỏ không thì cũng không mang lại nhiều giá trị. Nhất là hiện nay quan niệm kinh tế, văn hóa, chính trị,... hài hòa, liên quan mật thiết với nhau.

“Di sản nếu không ai biết thì di sản có tốt mấy cũng không còn nhiều giá trị. Đừng đặt vấn đề di sản là không được phép thương mại nhưng phải giữ sao được giá trị tư tưởng, ý nghĩa của nó”, TS Nguyễn Viết Chức cho biết.

Tuy nhiên, TS Nguyễn Viết Chức cũng cho rằng, đặt vấn đề thương mại không có nghĩa là việc tu bổ, tôn tạo di sản được thực hiện bừa bãi, hay cũng không phải phá di sản nguyên gốc để làm cái “hoành tráng” hơn. Thực tế đã có một số công trình trước đây sai lầm do trình độ hiểu biết của cơ quan chuyên môn, nghiên cứu không kỹ lưỡng thích làm hoành tráng.

Di tích kiến trúc nghệ thuật dinh Hoàng A Tưởng được xây dựng cách đây hơn 100 năm, dựa trên kiến thức của hai kiến trúc sư đến từ hai nền văn hóa khác nhau nên mang phong cách Á - Âu độc đáo.

Trước năm 1945, chủ nhân của căn biệt thự là Hoàng Yến Tchao - một thổ ty ở Bắc Hà. Từ năm 1950 đến năm 1985, công trình gần như bỏ hoang. Từ năm 1985 - 1999, UBND huyện Bắc Hà sử dụng để làm nơi làm việc.

Với những giá trị độc đáo, ngày 11/6/1999, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã quyết định công nhận dinh thự cổ Hoàng A Tưởng là Di tích cấp quốc gia và giao cho ngành văn hóa quản lý.

Từ năm 2021, UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho Sở Du lịch, trực tiếp là Trung tâm Xúc tiến Du lịch tỉnh chịu trách nhiệm bảo vệ, quản lý và khai thác.

Khu dinh thự có tổng diện tích 4.000m2. Địa hình tổng thể của khu dinh thự có Nhà chính dinh thự lùi sâu vào bên trong, hai bên tả, hữu là nhà phụ, trước là bức bình phong, giữa là sân trời. Bốn gian hai bên phải, trái của cả hai tầng là nơi sinh hoạt gia đình, gian giữa cả hai tầng dùng làm nơi hội họp. Mặt chính trang trí bằng nhiều họa tiết công phu.

Minh Quang
Bài viết cùng chủ đề: Lào Cai

Tin cùng chuyên mục

Nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu qua hội thi tàu tốt, huấn luyện tàu hải đội dân quân thường trực

Từ 1/1/2025: Bảo hiểm y tế thanh toán dịch vụ ngày giường bệnh như thế nào?

Lừa đảo trực tuyến diễn ra ở tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội

Quảng Nam: Sạt lở đất làm nhiều tuyến đường giao thông bị chia cắt

Dự án Làng Đại học Đà Nẵng chính thức khởi công

Lễ phát động cuộc thi ‘Chống hàng giả và lừa đảo trực tuyến’

Hà Nội: Cháy quán bar Titan tại quận Hoàn Kiếm, nhiều người chạy lên sân thượng lánh nạn

Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá: Cân nhắc tác động từ nhiều yếu tố

Bài 1: Vị thế người phụ nữ trong xã hội ngày càng được khẳng định

Nhân sự Trung ương: Bộ Chính trị, Bộ Công Thương bổ nhiệm cán bộ chủ chốt; Quốc hội phê chuẩn nhân sự

Dự báo thời tiết biển hôm nay 25/11/2024: Có mưa dông và gió mạnh trên biển

Dự báo thời tiết hôm nay 25/11/2024: Mưa lớn cục bộ, lốc, sét gió giật mạnh từ Quảng Trị đến Phú Yên

Tối 24/11, xuất hiện khách hàng trúng độc đắc Vietlott có giá trị 'khủng'

Bắc Giang: Triển khai nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2025

Công đoàn tham gia giám sát trả lương, thưởng Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 cho người lao động

Hà Nội: Phấn đấu 100% siêu thị không sử dụng túi nilon khó phân hủy vào năm 2025

Cận cảnh cây cầu trị giá hơn 1.800 tỷ đồng sau một năm thi công

Hải Phòng: Cháy lớn thiêu rụi nhà xưởng tại khu công nghiệp Tràng Duệ

Trung tướng Khuất Duy Tiến, Anh hùng Lực lượng vũ trang đã từ trần

Nhân sự địa phương: Nghệ An có tân Chủ tịch HĐND; Ban Bí thư chuẩn y lãnh đạo nhiều tỉnh, thành