Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh làm việc với Đắk Lắk về bảo vệ, phát triển rừng
Sáng 4/4, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cùng đoàn công tác đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk về sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/02/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Quang cảnh buổi làm việc. |
Đắk Lắk là tỉnh có nhiều mô hình quản lý, bảo vệ và phát triển rừng kết hợp với phát triển kinh tế rừng, bảo tồn văn hóa Tây Nguyên hiệu quả nhiều năm qua, diện tích và trữ lượng rừng của Đắk Lắk thuộc nhóm lớn trong cả nước với nhiều chủng loại gỗ quý hiếm, nhiều loại cây đặc sản vừa có giá trị kinh tế vừa có giá trị khoa học. Đắk Lắk có nhiều địa danh, phong cảnh nổi tiếng gắn với rừng như: Vườn Quốc gia Chư Yang Sin, Vườn Quốc gia Yok Đôn, Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Ka, hồ Lắk. Rừng không chỉ có vị trí đặc biệt quan trọng trong phòng hộ, bảo vệ đầu nguồn, bảo tồn đa dạng sinh học, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo an ninh nguồn nước mà còn đóng vai trò quan trọng trong bảo đảm quốc phòng, an ninh. Do vậy, các hoạt động về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của Đắk Lắk được Trung ương đặc biệt quan tâm.
Báo cáo tại buổi làm việc, lãnh đạo Tỉnh uỷ Đắk Lắk cho biết, sau 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư, nhận thức và ý thức trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên và người dân đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được nâng cao. Cả hệ thống chính trị đã nhận thức được việc bảo vệ và phát triển rừng vừa là mục tiêu, vừa là một trong những nội dung cơ bản của phát triển bền vững; góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng và thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế.
Tình hình vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp có chiều hướng giảm cả về số vụ vi phạm và mức độ thiệt hại. So với giai đoạn 2012 - 2016, số vụ vi phạm giảm hơn 44,5 %, trong đó số vụ phá rừng trái pháp luật giảm 31,2%, Trong giai đoạn 2017 - 2022 số vụ vi phạm giảm 234 vụ, tương đương giảm 16,64%. Công tác trồng rừng đã có nhiều kết quả khả quan hơn; giai đoạn 2017 - 2022 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk trồng được 12.405 ha (cả rừng trồng mới và rừng trồng lại sau khai thác), trong đó: Trồng rừng sản xuất là 10.108 ha; Trồng rừng phòng hộ, đặc dụng là 497 ha.
Chính sách về chi trả dịch vụ môi trường rừng đã ngày càng phát huy hiệu quả trong công tác bảo vệ rừng, vận động người dân tham gia bảo vệ rừng tại các vùng trong lưu vực của hệ thống thủy điện, từng bước thực hiện chủ trương xã hội hóa nghề rừng, góp phần tạo việc làm, cải thiện sinh kế cho người làm nghề rừng.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bảo vệ rừng chưa trở thành phong trào có sức lan tỏa rộng; Cấp ủy, chính quyền địa phương một số nơi chưa thực hiện đầy đủ công tác quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn; Một số chủ rừng năng lực còn hạn chế, chưa thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ rừng tại gốc dẫn đến tình hình vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ rừng, kinh doanh lâm sản... chưa được ngăn chặn triệt để, rừng vẫn tiếp tục bị phá, lấn chiếm, bị khai thác, vận chuyển lâm sản trái pháp luật còn diễn biến phức tạp.
Tình trạng khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép ở một số địa phương vẫn còn tiếp diễn, chưa xử lý dứt điểm; tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là các địa phương có nhiều dân di cư tự do đến sinh sống nhưng chưa thực hiện được quy hoạch ổn định; Công tác trồng rừng, phát triển các mô hình lâm nghiệp theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Việc thực hiện xử lý thu hồi đất lâm nghiệp để trồng lại rừng rất khó thực hiện do người dân thực sự thiếu đất sản xuất dẫn đến khi thu hồi đất dễ tạo thành “điểm nóng” về chống đối người thi hành công vụ trong thời gian vừa qua.
Hoạt động sản xuất kinh doanh của các công ty lâm nghiệp sau sắp xếp chưa cao; Hầu hết các dự án Nông lâm nghiệp trên đất rừng gặp rất nhiều khó khăn và kém hiệu quả; nhiều dự án nông lâm nghiệp bộc lộ những tồn tại, yếu kém về năng lực, chậm tiến độ, cây trồng sinh trưởng kém, chưa thực hiện có hiệu quả công tác quản lý bảo vệ rừng, để rừng bị chặt phá, đất đai bị xâm canh lấn chiếm, giải quyết việc làm cho người lao động chưa đáng kể... Một số dự án có vi phạm pháp luật về đất đai đã bị thu hồi đất rừng, chấm dứt dự án.
Tại buổi làm việc, các đại biểu tham dự đã có nhiều ý kiến trao đổi về tình hình thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW của tỉnh Đắk Lắk. Nhiều ý kiến cho rằng hiện nay cơ chế, chính sách về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng còn thiếu đồng bộ, nhiều bất cập, phân cấp trách nhiệm của các ngành, các cấp trong bảo vệ, phát triển rừng chưa cụ thể; các quy định về quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của chủ rừng không tạo được động lực cũng như trách nhiệm quản lý bảo vệ phát triển rừng... Đồng thời các đại biểu cũng đưa ra một số kiến nghị, đề xuất để công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng đạt hiệu quả cao nhất và tranh thủ tận dụng tốt được thế mạnh của rừng để thực sự trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm an sinh xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống, thu nhập người dân.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, đồng chí Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo sơ kết Chỉ thị 13-CT/TW đánh giá cao sự vào cuộc, triển khai quyết liệt với tinh thần trách nhiệm cao của Tỉnh ủy Đắk Lắk, Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW, các nội dung cho cuộc họp được Tỉnh ủy chuẩn bị chu đáo, nghiêm túc, có chất lượng, nhiều ý kiến phát biểu đã đi thẳng vào những vấn đề lớn trong tổ chức thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW trên địa bàn tỉnh, giúp Ban Chỉ đạo hiểu rõ hơn những vấn đề thực tiễn tại địa phương.
Đồng thời, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cũng biểu dương tỉnh Đắk Lắk trong việc thực hiện Chỉ thị 13-CT/TW với nhiều kết quả nổi bật: Cả hệ thống chính trị đã nhận thức được việc bảo vệ và phát triển rừng vừa là mục tiêu, vừa là một trong những nội dung cơ bản của phát triển bền vững; phát triển kinh tế - xã hội phải đồng thời với bảo vệ và phát triển rừng; đầu tư cho bảo vệ và phát triển rừng là đầu tư cho phát triển bền vững; góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng và thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế. Đã nghiêm túc triển khai thực hiện các chỉ đạo của Trung ương về không khai thác gỗ rừng tự nhiên, không cải tạo rừng khộp nghèo, nghèo kiệt sang trồng cây công nghiệp, không chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang trồng cây cao su.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh phát biểu chỉ đạo. |
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cơ bản đồng tình với các nhóm nhiệm vụ, giải pháp của tỉnh đề xuất, đồng thời đồng chí đề nghị tỉnh Đắk Lắk nghiên cứu, triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp quan trọng như: Tiếp tục rà soát, bổ sung, ban hành mới chương trình, kế hoạch, đề án để tiếp tục thực hiện Chỉ thị 13-CT/TW trên địa bàn tỉnh, quan tâm lập điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng thực sự hiệu quả bảo đảm tính đồng bộ, liên thông. Tập trung xử lý các vấn đề nóng, tồn đọng trong thực tiễn, đặc biệt là các giải pháp căn cơ để duy trì và nâng cao bền vững tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh; giải quyết cơ bản tình trạng tranh chấp đất lâm nghiệp, vi phạm quy định về rừng, lâm nghiệp; đẩy mạnh phát triển kinh tế lâm nghiệp. Thực hiện quản lý, bảo vệ, phát triển rừng bền vững gắn với phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường quản lý, bảo vệ, khôi phục và nâng cao chất lượng rừng; công tác bảo vệ và phát triển rừng hướng tới việc thực hiện cam kết quốc tế giảm mức phát thải ròng về “0ˮ vào năm 2050. Nghiên cứu cơ chế, chính sách quản lý, sử dụng hợp lý, hiệu quả. Thực hiện tốt các giải pháp về an sinh xã hội, tạo việc làm bền vững cho người dân khu vực có rừng.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cũng đề nghị Đoàn công tác tổng hợp, chắt lọc, tiếp thu tối đa các ý kiến tại buổi làm việc để phục vụ cho việc xây dựng Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 13-CT/TW và tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước những chủ trương, cơ chế, chính sách có hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trong bối cảnh mới.