Triệu chứng bệnh ung thư máu và cách điều trị
Có 3 loại bệnh ung thư máu phổ biến
Theo ThS.BS Hoàng Thị Năng - Chuyên khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Medlatec, có 3 loại bệnh ung thư máu với triệu chứng điển hình và cách điều trị khác nhau, đó là: Bệnh bạch cầu chiếm khoảng 36% trường hợp ung thư máu. Bệnh bạch cầu xảy ra khi cơ thể sản sinh số lượng lớn tế bào máu chưa trưởng thành, chúng gây tắc nghẽn tủy xương, ngăn chặn tủy xương sản xuất các tế bào máu cần thiết khác. Bạch cầu tăng đột biến dẫn tới thiếu thức ăn và ăn luôn tế bào hồng cầu. Do đó, lượng bạch cầu dư thừa nhưng hồng cầu bị thiếu hụt, không thể tạo ra dòng máu khỏe mạnh và hệ miễn dịch cân bằng.
Nếu có những đốm đỏ hoặc tím trên da thì cần đến gặp bác sĩ để chẩn đoán |
Ung thư hạch Lymphoma chiếm khoảng 46% trường hợp ung thư máu. Ung thư máu dạng Lymphoma ảnh hưởng lớn đến hệ bạch huyết - hệ quan trọng của hệ thống miễn dịch, giúp cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh. Khi cơ thể bệnh nhân xuất hiện u Lymphoma, đồng thời sản sinh quá mức tế bào lympho gây quá tải, tổn hại ngược tới hệ thống miễn dịch. Lymphoma sẽ phát triển nhanh chóng, lan rộng ra nhiều bộ phận của cơ thể như hạch nách, hạch bẹn, hạch trung thất…
Đa u tủy xương chiếm khoảng 18% trường hợp ung thư máu. Ung thư đa u tủy là loại ung thư máu hiếm gặp hơn, liên quan đến tế bào Plasma. Tế bào này nằm ở tủy xương, giúp tạo ra kháng thể chống lại sự nhiễm trùng. Khi mắc bệnh đa u tủy, tế bào Plasma cũng được sản xuất số lượng lớn đột biến, tập trung trong tủy xương gây ảnh hưởng tới hệ thống miễn dịch.
Triệu chứng cơ bản
Nếu có những đốm đỏ hoặc tím trên da thì cần đến gặp bác sĩ để chẩn đoán, phòng trước còn hơn để muộn. Bởi hiện tượng này cũng có thể là hệ quả của việc sụt giảm số lượng tiểu cầu trong cơ thể.
Một trong những triệu chứng chính của ung thư máu chính là đau xương. Các cơn đau có thể xuất hiện tùy theo mức độ của bệnh và thường xuất hiện ở khớp xương chân, đầu gối, cánh tay, lưng… Nguồn gốc của những cơn đau này là từ tủy xương - nơi sản xuất ra các tế bào máu.
Sưng hạch bạch huyết, các tế bào bạch huyết mất dần khả năng miễn dịch của cơ thể đối với tác nhân gây bệnh bên ngoài. Viêm hạch bạch huyết là một dạng viêm bạch cầu gây ra do vi khuẩn. Vì thế, sưng hạch bạch huyết thường nổi dưới da của bệnh nhân ung thư máu và không gây đau.
Xanh xao, mệt mỏi, khi mắc ung thư máu, lượng hồng cầu có trong máu bị suy giảm đáng kể, hiện tượng này còn gọi dễ hiểu hơn là “thiếu máu”. Hồng cầu là tế bào máu có chức năng chính là hô hấp, chúng vận chuyển oxy đến tất cả các cơ quan, các mô. Thiếu máu khiến cơ thể trở nên mệt mỏi, xanh xao, bởi cơ thể không đáp ứng được nhu cầu trao đổi dưỡng khí.
Chảy máu cam là hiện tượng khá thường gặp, và nhiều người thường xem nhẹ hiện tượng bệnh lý này. Thông thường, chảy máu cam thưởng xảy ra ở mức độ nhẹ và dễ cầm máu ngay.
Sốt cao thường xuyên là do các tế bào bạch cầu dần dần mất đi khả năng tiêu diệt vi khuẩn, virus từ bên ngoài nên việc bị các yếu tố bên ngoài nhâm nhập vào cơ thể để gây bệnh là một triệu chứng thường thấy khi bị căn bệnh này. Hiện tượng suy giảm miễn dịch thường thể hiện qua những cơn sốt cao, vết thương nhiễm trùng khó lành.
Đối tượng dễ mắc bệnh và cách điều trị
Theo bác sĩ Lưu Thị Hà An - Bệnh viện đa khoa Medlatec, ung thư máu là bệnh ai cũng có thể mắc phải, không kể tuổi tác, giới tính. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp nguy cơ cao mắc bệnh ung thư máu như: Người thường xuyên tiếp xúc và làm việc trong môi trường có chứa nhiều chất phóng xạ hoặc hóa chất độc hại, ví dụ như công nhân nhà máy, thợ nhuộm, công nhân nhà máy năng lượng hạt nhân, chế tạo linh kiện điện tử... Những trường hợp này có nguy cơ cao mắc bệnh bạch cầu; người sử dụng một số loại thuốc để diệt tế bào ung thư cũng có nguy cơ mắc bệnh bạch cầu; trẻ nhỏ mắc hội chứng Down bẩm sinh; người hút thuốc lá, thuốc lào thường xuyên; người có tiền sử gia đình liên quan đến bệnh ung thư máu.
Người bệnh ung thư cũng cần phải đảm bảo đủ chất dinh dưỡng trong các bữa ăn |
Cho tới ngày nay, khoa học hiện đại vẫn chưa xác định được căn nguyên chính xác của bệnh này. Vì vậy người bệnh khi có dấu hiệu bất thường cần đi khám sớm để có phương pháp điều trị tích cực.
Theo các chuyên gia y tế, phương pháp điều trị ung thư máu phụ thuộc vào mức độ của bệnh và sức khỏe của bệnh nhân. Về cơ bản có một số phương pháp điều trị ung thư máu như: Xạ trị, hóa trị, ghép tủy xương, điều trị kháng thể, cấy tế bào gốc, truyền máu để tạo sinh huyết.
Xạ trị là việc sử dụng các chùm tia năng lượng cao nhằm tiêu diệt các tế bào ung thư máu. Các bác sĩ cũng có thể sử dụng nó để chuẩn bị một bệnh nhân sắp ghép tủy xương. Một liều bức xạ thấp sẽ làm giảm hệ thống miễn dịch nên cơ thể ít có khả năng từ chối các tế bào của người cho.
Hóa trị là việc sử dụng thuốc uống, thuốc tiêm hoặc thuốc truyền vào dịch não tủy theo từng chu kỳ để tiêu diệt các tế bào ung thư máu.
Ghép tủy/cấy tế bào gốc là phương pháp áp dụng sau khi người bệnh đã được hóa trị, xạ trị. Những tế bào gốc được cấy vào người bệnh thông qua một tĩnh mạch lớn. Phương pháp này được đánh giá hiệu quả hơn cả với tỷ lệ 50% bệnh nhân có thể kéo dài cuộc sống sau khi thực hiện.
Cùng với phương pháp điều trị thì chế độ ăn cũng quan trọng đối với bệnh nhân ung thư máu. Cụ thể, chế độ ăn cho người bệnh ung thư máu trong giai đoạn trước truyền hóa chất cần tăng cường các chất dinh dưỡng, đảm bảo người bệnh có đủ năng lượng và protein dự trữ tạo thuận lợi cho quá trình điều trị hóa chất…
Giai đoạn đang truyền hóa chất: Người bệnh cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ điều trị và kế hoạch chăm sóc dinh dưỡng của nhân viên khoa dinh dưỡng. Chế độ ăn cần lưu ý ăn mềm lỏng dễ tiêu hóa, chia nhiều bữa nhỏ trong ngày.
Trong trường hợp bệnh nhân không có các triệu chứng liên quan đến tiêu hóa (buồn nôn, nôn, tiêu chảy, táo bón…) hoặc ảnh hưởng nhẹ bởi tác dụng phụ của hóa chất thì nên ăn cơm mềm, thức ăn nên chế biến mềm nhừ và ăn thức ăn ít mùi hoặc thức ăn để nguội để giảm mùi gây khó chịu và dễ kích thích nôn.
Một số thức ăn cần tránh: Trái cây chưa gọt vỏ và rau sống, bao gồm cả salad, sinh tố rau, hoa quả chưa được tiệt trùng, hoa quả sấy khô ở dạng thô và các loại hạt tươi, hạt không có vỏ. Trái cây hoặc rau quả bị dập hoặc quá chín. Nên tránh một số đồ hộp, nước uống đóng lon, đóng chai có cồn và các chất bảo quản quá liều lượng… |