TPP - Mở cửa kinh tế mạnh hơn, cạnh tranh gay gắt hơn
Ảnh minh họa: Dương Chí Tưởng/TTXVN |
Trước hết, TPP gồm nhiều đối tác quan trọng của Việt Nam như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia... - vốn là thị trường xuất khẩu các mặt hàng có lợi thế cạnh tranh của Việt Nam như dệt may, da giày, đồ gỗ, nông sản. Nhiều mặt hàng trong số này có khả năng mở rộng thị trường, gia tăng xuất khẩu do thuế suất giảm sâu.
Cụ thể với ngành dệt may, thị trường Hoa Kỳ hiện chiếm 1/2 tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam; thuế suất trung bình 17,3%, cao nhất 32%, sẽ giảm xuống 0%.
Lý do thứ hai phải kể đến là dòng vốn FDI gia tăng từ nhiều nước thành viên TPP có trình độ phát triển cao, mang tới lợi ích đáng kể về công nghệ và kỹ năng quản lý.
Bên cạnh đó, việc thực thi cam kết cùng cải cách sẽ tạo môi trường đầu tư minh bạch, cạnh tranh, hấp dẫn đầu tư, tạo nền tảng phân bổ hiệu quả nguồn đầu tư.
Theo ông Herb Cochran, Giám đốc điều hành AmCham tại Thành phố Hồ Chí Minh, mục tiêu tham gia TPP của các doanh nghiệp Hoa Kỳ sẽ tăng cường giao dịch với các đối tác ngoại thương nhằm thực thi ràng buộc đã ký trong hiệp định thương mại, cũng như tuân theo luật định của nước đó nhưng tăng cường điều khoản liên quan như: luật thương mại và hải quan, rào cản kỹ thuật trong thương mại, lao động, môi trường... Ngoài ra, các doanh nghiệp Hoa Kỳ có thể hỗ trợ kỹ thuật cho đối tác khi cần thiết.
Ông Herb Cochran nhấn mạnh, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ trở thành đối tác, nhà cung ứng chất lượng cho Hoa Kỳ và các tập đoàn đa quốc gia. Đặc biệt, doanh nghiệp Việt Nam sẽ tham gia vào bảo hiểm pháp lý sản phẩm cũng như bảo hiểm vận chuyển đường biển chặt chẽ hơn.
Theo phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu quốc tế, Học viện Ngoại giao, Bộ Ngoại giao, nội dung của TPP cao hơn tất cả các hiệp định thương mại tự do song phương - BFTA của các nước TPP đã ký với nhau, cao hơn cả Hiệp định khu vực mậu dịch tự do ASEAN, Australia, New Zealand và cao hơn cả nội dung của WTO, nên gọi đây là WTO plus, WTO +.
Các thành viên đều nhất trí TPP không thay thế cho WTO mà chỉ bổ sung và thúc đẩy hệ thống thương mại đa phương. Lãnh đạo các nền kinh tế thành viên TPP mô tả TPP là một dấu mốc hướng tới mục tiêu kết nối các nền kinh tế và tự do hóa hoạt động mậu dịch, đầu tư trong nội bộ tổ chức này.
Các nhà lãnh đạo bày tỏ tin tưởng hiệp định TPP giúp tạo công ăn việc làm, cải thiện mức sống, xóa đói giảm nghèo tại các nền kinh tế thành viên. Tuy nhiên, mức độ thành công của nền kinh tế thành viên phụ thuộc vào tiến trình cải cách cơ cấu kinh tế trong nước, chính sách kinh tế trong bản thân mỗi nền kinh tế và thái độ của các nền kinh tế ngoài TPP.
Cũng theo phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Anh Tuấn, một đặc điểm lớn của TPP là mức độ tự do hóa mạnh về hàng hóa. Theo quy định chung của TPP, khi hiệp định có hiệu lực, về cơ bản tất cả các loại hàng hóa xuất nhập khẩu, kể cả hàng nông sản của các nền kinh tế thành viên sẽ có thuế suất 0%, chỉ trừ một số mặt hàng đặc biệt mang tính an ninh quốc gia.
Các quốc gia thành viên sẽ phải tuân thủ triệt để không trì hoãn. Nhìn chung, các điều kiện để tuân thủ ở mức trung bình, mọi quốc gia đều có thể thực hiện. Trường hợp điều kiện quá cao đối với quốc gia đang phát triển, các quốc gia khác sẽ hỗ trợ để thực hiện được.
TPP sẽ tác động tới Việt Nam ở một số mặt chủ yếu như xuất khẩu hàng hóa và tạo công ăn việc làm. TPP sẽ làm tăng thu nhập, tăng xuất khẩu thêm 68 tỷ USD vào năm 2025, tạo công ăn việc làm, tăng phúc lợi xã hội nếu hàng hóa Việt Nam được tiếp cận thị trường các nước TPP với mức thuế quan bằng 0.
Tác động tới nhập khẩu hàng hóa và lợi ích người tiêu dùng. Cụ thể, giảm thuế quan có thể khiến luồng hàng nhập khẩu từ các nước TPP vào Việt Nam gia tăng so với hiện nay, với giá cạnh tranh. Có thể nói, tham gia các FTA nói chung và TPP nói riêng, Việt Nam sẽ phải mở cửa nhanh và mạnh thị trường nội địa cho hàng hóa, dịch vụ từ các nước đối tác.
Bên cạnh đó, do phải cắt giảm thuế quan đối với mặt hàng nhập khẩu vào Việt Nam nên người tiêu dùng và các ngành sản xuất sử dụng nguyên liệu nhập khẩu từ các nước này làm nguyên liệu đầu vào sẽ được hưởng lợi từ hàng hóa, nguyên liệu giá rẻ, giúp giảm chi phí sinh hoạt và sản xuất.
Mở cửa thị trường là cơ hội để thu hút đầu tư vào các ngành dịch vụ, đặc biệt ngành cần vốn và công nghệ quản lý cao. Đây có thể là cơ sở để phát triển nhiều ngành dịch vụ ở Việt Nam trong tương lai. Mặt khác, về lý thuyết, Việt Nam sẽ tiếp cận thị trường dịch vụ của các nước đối tác TPP thuận lợi với ít các rào cản và điều kiện hơn.
Nhiều ý kiến cho rằng, bài học sau gần 9 năm gia nhập WTO của Việt Nam là cơ hội có khi trở thành thách thức nếu thiếu ứng xử chính sách vĩ mô thích hợp và thiếu những cải cách cần thiết bên trong. Tác động tổng thể của TPP đối với nền kinh tế Việt Nam có thể rất tích cực, song không có nghĩa đúng với mọi ngành, mọi doanh nghiệp.
Tham gia TPP, Việt Nam mở cửa mạnh hơn, do vậy cạnh tranh sẽ gay gắt hơn. Những ngành vốn được bảo hộ nhiều và doanh nghiệp kém cạnh tranh sẽ phải giảm sản xuất, thậm chí thu nhỏ hoặc phá sản, vấn đề xã hội có thể nảy sinh đáng kể.