TP. Hồ Chí Minh: Siết chặt hoạt động kinh doanh hàng hoá trái phép
Mặc dù ại dịch Covid- 19 đang diễn biến rất phức tạp nhưng tình hình sản xuất, buôn bán, chứa trữ, kinh doanh hàng nhập lậu, hàng gia, hàng kém chất lượng vẫn tiếp tục diễn ra trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Các mặt hàng như thuốc lá, mỹ phẩm, thực phẩm chế biến, thực phẩm chức năng, quần áo, giày dép, trang thiết bị y tế... nhập lậu, không rõ nguồn gốc, giả nhãn hiệu, hàng kém chất lượng vẫn tiếp tục tuồn vào thị trường Thành phố.
Cụ thể, từ đầu tháng 5/2021 đến nay, các cơ quan chức năng đã bắt giữ hàng chục vụ buôn lậu, chứa trữ hàng giả nhãn hiệu, hàng không rõ nguồn gốc, thu giữ hàng triệu đơn vị sản phẩm. Đơn cử, ngày 28/5, lực lượng Công an Tây Ninh đã bắt giữ 4 xe tải vận chuyển 57 tấn hàng không hóa đơn chứng từ từ Campuchia qua thị trấn Dương Minh Châu, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh để đưa về TP. Hồ Chí Minh tiêu thu. Số hàng hoá này gồm vải, quần áo cũ, đồ gốm sứ, giày dép, phụ tùng ô tô đều là hàng nhập lậu. Các tài xế khai nhận chở hàng thuê với giá mỗi chuyến 1 triệu đồng từ Campuchia về giao tại TP. Hồ Chí Minh, trong đó có tài xế đã vận chuyển khoảng 30 chuyến.
Cơ quan chức năng bắt giữ 4 xe tải vận chuyển hàng lậu từ Campuchia đưa về TP. Hồ Chí Minh tiêu thụ |
Để bình ổn thị trường trong tình hình dịch Covid-19 đang bùng phát, Cục Quản lý thị trường (QLTT )TP. Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các đơn vị trong toàn lực lượng tăng cường công tác phòng chống dịch Covid- 19, chống các hành vi đầu cơ, găm hàng và các vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh buôn bán hàng hoá.
Cục trưởng Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh - ông Trương Văn Ba yêu cầu các Đội QLTT chủ động nắm bắt thông tin, giám sát chặt chẽ tình hình, diễn biến dịch bệnh để kịp thời ứng phó với các tình huống xảy ra. Đặc biệt, các đơn vị được yêu cầu tăng cường công tác kiểm soát, kiểm tra để kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm về giá, các hành vi găm hàng, đầu cơ và lợi dụng dịch bệnh để thu lợi bất chính.
Đối với hoạt động vận chuyến, kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh; các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, trang thiết bị y tế, bánh kẹo, nước giải khát cần phải kiểm soát chặt. Do dịch bệnh, hoạt động kinh doanh thương mại điện tử gia tăng kéo theo hành vi buôn bán hàng lậu, hàng giả, gian lận, lừa đảo người tiêu dùng cần phải tăng cường kiểm tra để kịp thời xử lý.
Góp phần phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại hàng hoá qua cửa hải quan, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh hiện đang quyết liệt thực hiện công tác kiểm soát, tập trung lực lượng triển khai các kế hoạch, chuyên án về hàng lậu; kiểm soát các khâu trước, trong và sau thông quan hàng hoá. Đặc biệt nâng cao công tác kiểm tra trong thông quan, nhất là hàng hóa xuất khẩu, hành lý, phương tiện xuất nhập cảnh.