TP. Hồ Chí Minh: 46% doanh nghiệp kê khai tổng điều tra kinh tế
Tại cuộc họp nghe báo cáo đánh giá tình hình thực hiện công tác tổng điều tra kinh tế và điều tra cơ sở hành chính năm 2021 trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, diễn ra ngày 16/4, Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh - cho biết, tổng số DN trong cơ sở dữ liệu để điều tra là hơn 294.700 DN. Từ ngày 1/3/2021 đến ngày 14/4, số DN đã và đang kê khai đạt tỷ lệ hơn 46%. Đối với đơn vị sự nghiệp, hiệp hội, tỷ lệ cơ sở đã hoàn thành kê khai đạt gần 85%...
Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh báo cáo đánh giá tình hình thực hiện công tác Tổng điều tra kinh tế và điều tra cơ sở hành chính năm 2021 trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh |
Lý giải về việc triển khai từ đầu tháng 3 nhưng đến nay tỷ lệ kê khai đạt khá thấp, Cục Thống kê thành phố cho rằng: TP. Hồ Chí Minh có số lượng DN lớn với khoảng 300 nghìn DN và gần 80 nghìn chi nhánh cơ sở trực thuộc DN (chiếm hơn 30% số lượng của cả nước) hoạt động ở tất cả các ngành kinh tế nên việc triển khai, tiếp cận toàn bộ số cơ sở trong thời gian gần 3 tháng là khá khó khăn.
Đặc biệt, do tác động tiêu cực từ dịch Covid-19, nhiều DN đóng cửa, tạm ngưng, chuyển địa điểm kinh doanh gây trở ngại trong tiếp cận và triển khai cho các DN. Hầu hết các DN đều thuộc DN nhỏ, không có bộ phận kế toán chuyên môn về thống kê. Do đó việc kê khai các chỉ tiêu thống kê gặp nhiều khó khăn.
Mặt khác, thông tin thu thập trong phiếu điều tra năm nay có sự khác biệt khá lớn so với những năm trước, đặc biệt là xác định rõ số lượng cơ sở theo từng địa điểm; số lượng sản phẩm, dịch vụ từng ngành khác nhau đến ngành cấp 3 và trên địa bàn cấp phường, xã. Nhiều DN chưa hợp tác tốt với điều tra viên để ke khai thông tin, do đó mỗi điều tra viên phải mất rất nhiều thời gian để thuyết phục, hướng dẫn DN trong quá trình kê khai…
Phó Chủ tịch UBDN TP. Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp |
Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan yêu cầu cần xem việc tổng điều tra kinh tế và các đơn vị hành chính của TP. Hồ Chí Minh là một trong những nhiệm vụ để điều hành kinh tế vĩ mô. Theo ông Hoan, điều tra kinh tế để biết quy mô của DN hiện nay như thế nào, sau 5 năm có lớn mạnh về quy mô hay không, về sản xuất, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành của DN như thế nào, cơ cấu ra sao… Đồng thời khẳng định, tất cả việc làm này trước hết phục vụ cho DN, sau đó mới phục vụ cho công tác quản lý vĩ mô của cả nước.
“Về phía Nhà nước, về phía các cơ quan hành chính, các quận huyện, TP. Thủ Đức, phải xem đây là một cơ hội để đánh giá thực trạng các hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn; xây dựng phương án phát triển các ngành, các lĩnh vực cho địa phương… Qua tổng điều tra, chúng ta xây dựng lại cơ cấu tổng sản phẩm nội địa của cả nước, của thành phố, xưa nay tính vậy đúng chưa, có bỏ lọt sót cái gì hay không. Từ đó, giúp cho công tác hoạch định chính sách, điều hành, quản lý kinh tế - xã hội của TP. Hồ Chí Minh và cả nước sát với tình hình thực tiễn” - Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh.