Tổng giám đốc Nhật Nam Vũ Thị Thúy bị tạm giữ bao lâu và các tình huống pháp lý?
Như Báo Công Thương thông tin sáng 7/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hà Nội đã tạm giữ khẩn cấp bà Vũ Thị Thúy, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư thương mại Bất động sản Nhật Nam (Công ty Bất động sản Nhật Nam).
Bà Thúy bị tạm giữ vào ngày 31/8/2023, với cáo buộc “Đưa ra thông tin sai sự thật về Công ty Bất động sản Nhật Nam có nhiều bất động sản, dự án đầu tư, có lợi nhuận cao để huy động vốn của nhiều cá nhân, rồi sử dụng một phần tiền này để trả lãi cho các cá nhân trên, sau đó chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn”.
Bà Vũ Thị Thúy, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Nhật Nam |
Ngay sau khi thông tin Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Nhật Nam bị cơ quan công an tạm giữ để điều tra đã khiến hàng nghìn nhà đầu tư hoang mang, lo lắng về khoản tiền đã đầu tư vào Công ty Nhật Nam. Nhiều câu hỏi được đặt ra như, liệu bà Vũ Thị Thúy có bị khởi tố, hay như bà Vũ Thị Thúy sẽ bị giam giữ trong bao lâu?
Để tìm hiểu vấn đề pháp lý liên quan đến việc Tổng giám đốc Bất động sản Nhật Nam Vũ Thị Thúy bị tạm giữ, Báo Công Thương đã trao đổi với Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật.
Chia sẻ về các quy định tạm giữ hiện nay, luật sư Diệp Năng Bình cho biết, theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 thì cơ quan điều tra từ cấp huyện trở lên mới có quyền ra lệnh (quyết định) tạm giữ, còn chính quyền và công an cấp xã, phường, thị trấn không có quyền tạm giữ mà có thông báo về việc tạm giữ.
Quyết định tạm giữ phải ghi rõ lý do tạm giữ, thời hạn tạm giữ; ngày, giờ bắt đầu tạm giữ và ngày, giờ hết hạn tạm giữ và giao cho người bị tạm giữ một bản. Nếu việc tạm giữ không có quyết định của người có thẩm quyền, người bị tạm giữ có quyền yêu cầu trả tự do cho họ.
Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi ra quyết định tạm giữ, quyết định tạm giữ phải được gửi cho viện kiểm sát cùng cấp để kiểm sát việc áp dụng biện pháp ngăn chặn. Khi kiểm sát việc tạm giữ, nếu thấy việc tạm giữ không đúng pháp luật hoặc không cần thiết, viện kiểm sát ra quyết định huỷ bỏ quyết định tạm giữ và yêu cầu người ra quyết định tạm giữ trả tự do ngay cho người bị tạm giữ.
Thời hạn tạm giữ không quá 3 ngày kể từ khi cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra nhận người bị giữ, người bị bắt hoặc áp giải người bị giữ, người bị bắt về trụ sở của mình hoặc kể từ khi cơ quan điều tra ra quyết định tạm giữ người phạm tội tự thú, đầu thú. Quy định như vậy để đạt được mục đích của tạm giữ cũng như để hạn chế việc giữ người trái pháp luật.
Trường hợp cần thiết, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ nhưng không quá 3 ngày. Những trường hợp cần thiết là những trường hợp sự việc xảy ra có nhiều tình tiết phức tạp, việc xác minh phải thực hiện ở nhiều địa phương khác nhau hoặc cần phải có thêm thời gian để làm rõ về hành vi, làm rõ căn cước, lý lịch của người bị tạm giữ.
Nhà đầu tư kêu cứu vì đầu tư vào Công ty Bất động sản Nhật Nam |
Như vậy, thời hạn tạm giữ tối đa không quá 9 ngày kể từ khi ra quyết định tạm giữ. Sau thời hạn tạm giữ, nếu không đủ căn cứ khởi tố bị can thì bị can có thể được tại ngoại. Còn nếu có đủ căn cứ khởi tố bị can, cơ quan có thẩm quyền ra quyết định khởi tố bị can và có thể áp dụng biện pháp ngăn chặn là tạm giam. Khi bị tạm giam, bị can không dược tại ngoài.
Lệnh tạm giam phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành. Trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày nhận được lệnh tạm giam, đề nghị xét phê chuẩn và hồ sơ liên quan đến việc tạm giam, Viện kiểm sát phải ra quyết định phê chuẩn hoặc quyết định không phê chuẩn. Viện kiểm sát phải hoàn trả hồ sơ cho Cơ quan điều tra ngay sau khi kết thúc việc xét phê chuẩn.
Cơ quan điều tra phải kiểm tra căn cước của người bị tạm giam và thông báo ngay cho gia đình người bị tạm giam, chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người bị tạm giam cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người bị tạm giam làm việc, học tập biết.
Thời hạn tạm giam để điều tra không quá 2 tháng đối với tội ít nghiêm trọng, không quá 3 tháng đối với tội nghiêm trọng, không quá 4 tháng đối với tội rất nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng. Trong trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, xét cần phải có thời gian dài hơn cho việc điều tra và không có căn cứ để thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp tạm giam thì chậm nhất 10 ngày trước khi hết hạn tạm giam, Cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị Viện trưởng Viện kiểm sát gia hạn tạm giam.
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh trở lên và Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự quân khu trở lên có quyền gia hạn tạm giam đối với tội ít nghiêm trọng (một lần không quá 1 tháng), tội nghiêm trọng (hai lần trong đó lần đầu không quá 2 tháng, lần hai không quá 1 tháng), tội rất nghiêm trọng (một lần không quá 3 tháng), tội đặc biệt nghiêm trọng (một lần không quá 4 tháng).
Ngoài ra, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương có quyền gia hạn tạm giam lần thứ hai (không quá 2 tháng đối với tội rất nghiêm trọng, không quá 4 tháng đối với tội đặc biệt nghiêm trọng).
Trong trường hợp thời hạn tạm giam lần hai đối với tội đặc biệt nghiêm trọng đã hết và vụ án có nhiều tình tiết rất phức tạp mà không có căn cứ để thay đổi hoặc huỷ bỏ biện pháp tạm giam thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có thể gia hạn tạm giam lần ba không quá 4 tháng.
Như vậy, thời hạn tạm giam để điều tra tối đa không quá 3 tháng đối với tội ít nghiêm trọng; 6 tháng đối với tội nghiêm trọng; 9 tháng đối với tội rất nghiêm trọng; 16 tháng đối với tội đặc biệt nghiêm trọng.
Khi đã hết thời hạn tạm giam thì người bị tạm giam phải được trả tự do. Trường hợp xét thấy cần thiết thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng áp dụng biện pháp ngăn chặn khác hoặc tiếp tục tạm giam để đảm bảo xét xử và thi hành án.
Theo đó, luật sư cho biết, thời hạn tạm giữ đối với bà Vũ Thị Thúy sẽ phụ thuộc vào quá trình điều tra, làm rõ các chứng cứ phạm tội nếu có của cơ quan quan điều tra, chiếu theo các quy định pháp luật.
Trong trường hợp xác định việc huy động vốn của Công ty Nhật Nam có dấu hiệu của hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua các hành vi như: Đưa ra thông tin sai sự thật về Công ty có nhiều bất động sản, dự án đầu tư, có lợi nhuận cao để huy động vốn của nhiều cá nhân, rồi sử dụng một phần tiền này để trả lãi cho các cá nhân trên, sau đó chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn thì Tổng giám đốc Công ty - bà Vũ Thị Thúy có thể bị khởi tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Được biết, Cơ quan cảnh sát điều tra (phòng PC03) Công an Thành phố Hà Nội đang tạm giữ bà Vũ Thị Thúy sinh năm 1983 trú quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội để củng cố chứng cứ, tài liệu và xử lý theo quy định.
Trước đó, Công ty Bất động sản Nhật Nam thành lập nhiều chi nhánh và các văn phòng giao dịch bất động sản tại các tỉnh, thành phố trên cả nước, lôi kéo nhiều nhà đầu tư tham gia góp vốn với cam kết trả lợi nhuận hàng ngày với tỷ suất lợi nhuận cao (từ 5 - 7%/tháng, tương đương 34 - 46%/năm, kèm theo nhiều ưu đãi bất động sản). Đối với các hoạt động này của Công ty Nhật Nam, trước đó, Cục An ninh Kinh tế, Bộ Công an cũng đã cảnh báo mô hình hoạt động này tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư, nguy cơ phức tạp về an ninh kinh tế, an ninh trật tự. |