Thứ ba 26/11/2024 14:23

Tình cảm đặc biệt của đồng chí Nguyễn Phú Trọng với Bộ đội Biên phòng

Sinh thời, đồng chí Nguyễn Phú Trọng luôn dành sự quan tâm đặc biệt với cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ở biên cương, hải đảo, trong đó có Bộ đội Biên phòng.

Tôi có may mắn trong nhiều năm là phóng viên chuyên trách phục vụ đồng chí Nguyễn Phú Trọng (trong thời gian đồng chí là Chủ tịch Quốc hội và là Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch Quốc hội), được tham dự các hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo của đồng chí và tháp tùng đồng chí trong những chuyến đi công tác ở trong nước và nước ngoài. Sau này, khi đảm nhận cương vị Bí thư Đảng ủy - Phó Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân, chuyên gia Ban Chỉ đạo 35 Quân ủy Trung ương, tôi cũng đã được nhiều lần làm việc với đồng chí, chứng kiến nhiều câu chuyện ấn tượng, cảm động về người lãnh đạo luôn gần gũi, quan tâm đến cán bộ, chiến sĩ trong quân đội. Đặc biệt là sự quan tâm của đồng chí Bộ đội Biên phòng. Đồng chí đã từng nhấn mạnh “Các đồng chí Bộ đội Biên phòng là điểm tựa rất quan trọng đối với các vùng biên giới, là chỗ dựa cho đồng bào vùng biên giới”.

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng thăm Bộ đội Biên phòng Lạng Sơn năm 2009.

Cho đến bây giờ, tôi vẫn không thể nào quên hình ảnh đồng chí Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đến thăm và làm việc với Bộ đội Biên phòng Lạng Sơn cách đây hơn 15 năm. Lúc đó đồng chí được Bộ Chính trịphân công đi thăm và chúc Tết đồng bào các dân tộc tỉnh Lạng Sơn. Hôm đó là một ngày giáp Tết nguyên đán Kỷ Sửu (năm 2009). Thời tiết vùng biên giới Lạng Sơn rất lạnh. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng mặc áo khoác màu nâu giản dị đi bắt tay từng cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng. Trước khi nói chuyện với tập thể cán bộ chiến sĩ Bộ đội Biên phòng Lạng Sơn, đồng chí đề nghị mọi người phát biểu, chủ yếu nêu những khó khăn và kiến nghị với Đảng, Nhà nước về giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh vùng biên giới. Ban đầu mọi người còn e ngại, thế nhưng được đồng chí Chủ tịch Quốc hội động viên, khuyến khích, rất nhiều người đã phát biểu.

Ngày hôm sau, đồng chí nói với tôi: “Bài viết của Thọ tốt đấy nhưng có một chi tiết tại sao Thọ lại không đưa vào bài, đó là kiến nghị của một đồng chí Bộ đội Biên phòng về chính sách hậu phương quân đội?”.

Nghe đồng chí nói tôi giật mình, lúng túng bởi không ngờ đồng chí lại đọc báo kỹ, nhớ từng chi tiết trong bài báo đến vậy.

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng nói chuyện thân mật với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng 680 (Cà Mau).

Vào tháng 3 năm 2009, tôi vinh dự được đi cùng đoàn công tác của Quốc hội do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu đến huyện Lộc Ninh (Bình Phước). Hồi ấy đường ô tô từ Đồng Xoài đến Lộc Ninh còn rất xấu. Huyện có vị trí trọng yếu về quốc phòng - an ninh và có đường biên giới giáp với Campuchia. Trên địa bàn huyện có 11 dân tộc anh em cùng sinh sống, chủ yếu là người Khmer và Stiêng. Tại đây, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm và nói chuyện thân mật với cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Hoa Lư. Thấy các đồng chí Bộ đội Biên phòng báo cáo tại đây có mô hình “Hội đồng già làng”. Đó là một tổ chức khá đặc biệt, do nhân dân bầu ra ở các xã sát với biên giới Campuchia. Hội đồng già làng đã phát huy hiệu quả tích cực trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thiểu số ở địa phương và là chỗ dựa tin cậy của các cấp ủy, chính quyền và Bộ đội Biên phòng. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng quyết định bổ sung vào chương trình làm việc là tới thăm Chủ tịch Hội đồng già làng Điểu Pe tại xã Lộc Hòa. Đồng chí chăm chú lắng nghe Chủ tịch Hội đồng già làng Điểu Pe về cách thức vận động đồng bào Stiêng từ bỏ tập tục du canh du cư để sống định canh, định cư và chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Ngoài việc trồng tỉa các cây ngắn ngày bảo đảm nhu cầu cuộc sống, bà con dân tộc Stiêng ở đây đã trồng các loại cây công nghiệp dài ngày như cao su, tiêu và cà phê đồng thời giúp Bộ đội Biên phòng bảo vệ đường biên, mốc giới.

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng nói với chúng tôi “Đến với dân học được rất nhiều điều hay, cần phải phổ biến cho nhân dân ở nơi khác”.

Những kiến nghị của Chủ tịch Hội đồng già làng Điểu Pe được đồng chí Nguyễn Phú Trọng ghi nhận và sau đó mô hình “Hội đồng già làng” đã được nhân rộng ra nhiều địa phương có đồng bào dân tộc thiểu số.

Bút tích của đồng chí Nguyễn Phú Trọng trong sổ vàng truyền thống của Đồn Biên phòng 680 (nay là Đồn Biên phòng Đất Mũi, Bộ đội Biên phòng Cà Mau).

Vào dịp cuối năm 2009, tôi được theo đoàn công tác của Tiểu ban Cương lĩnh và Báo cáo chính trị Đại hội lần thứ XI của Đảng đến tìm hiểu thực tế tại Cà Mau. Đoàn do đồng chí Nguyễn Phú Trọng khi đó là Chủ tịch Quốc hội, Phó Trưởng tiểu ban Thường trực Tiểu ban Cương lĩnh và Báo cáo chính trị Đại hội lần thứ XI dẫn đầu. Hồi đó chưa có đường ô tô đến mũi Cà Mau, đoàn công tác phải đi bằng xuồng máy. Thời gian công tác không nhiều, nhưng đồng chí Nguyễn Phú Trọng vẫn yêu cầu phải đến thăm Đồn Biên phòng 680 (Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau) cùng với nhân dân xã Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển). Tại đây, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã chia sẻ với cán bộ, chiến sĩ biên phòng và bà con về những khó khăn đặc thù của vùng cực Nam Tổ quốc, ghi nhận những kiến nghị chính đáng của bộ đội và nhân dân về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hỗ trợ vốn sản xuất, tìm thị trường đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, chất lượng nguồn nhân lực, chế độ chính sách với lực lượng biên phòng... Phát biểu tại buổi làm việc với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng 680 và Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã gợi ý về phương án giảm nghèo, làm giàu bền vững của bà con nhân dân như phát triển hàng hóa đặc sản mà Cà Mau có thế mạnh, làm du lịch cộng đồng, liên kết giữa các hộ gia đình và doanh nghiệp, quan tâm đến hậu phương quân đội...

Cuối năm 2022, khi trở lại Cà Mau, chúng tôi thật bất ngờ vì những gợi ý của đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã trở thành hiện thực sinh động ở đây. Trước kia khách du lịch đến mũi Cà Mau bình quân hằng ngày rất ít, nay thì nườm nượp. Các xe điện phục vụ du khách tham quan đất mũi luôn chật kín. Nếu như trước kia chỉ có biểu trưng hình ảnh mũi Cà Mau mô phỏng theo câu thơ của nhà thơ Xuân Diệu: “Tổ quốc ta như một con tàu/ Mũi thuyền ta đó mũi Cà Mau” và mốc tọa độ quốc gia GPS 0001 thì nay ngoài hai biểu trưng đó (đã được xây dựng và tu bổ lại rất đẹp) còn có rất nhiều địa điểm “check in” yêu thích của du khách như: Cột mốc Đường Hồ Chí Minh - điểm cuối Cà Mau, Km 2436; cột cờ được thiết kế mô phỏng Cột cờ Hà Nội tại mũi Cà Mau; đền thờ Lạc Long Quân, tượng Mẹ Âu Cơ... Đặc biệt, biểu tượng con cua Cà Mau được mô phỏng với kích thước lớn, mang màu sắc, hình dáng y như con cua thật khiến du khách rất thích thú, hào hứng… Đặc biệt là đời sống của cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng 680 trước kia, nay là Đồn Biên phòng Đất Mũi đã được cải thiện.

Quan tâm tới lực lượng Bộ đội Biên phòng, trong nhiều năm qua, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã có những chỉ đạo sâu sát mang tính định hướng chiến lược nhưng rất cụ thể, ví dụ như chỉ đạo xây dựng Luật Biên giới quốc gia, Luật Biên phòng, tạo cơ sở pháp lý cần thiết cho hoạt động biên phòng, góp phần bảo vệ vững chắc phên dậu quốc gia.

Năm 2017, trên cương vị Tổng Bí thư, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã tới thăm, làm việc và chúc Tết Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và trò chuyện qua đường truyền trực tuyến với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Lũng Cú (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang), Đồn Biên phòng Côn Đảo (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) và Đồn Biên phòng Đất Mũi (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau).

Cán bộ chiến sĩ Bộ đội Biên phòng vẫn khắc ghi lời căn dặn của đồng chí Tổng Bí thư, Bí thư Quân ủy Trung ương: “Những đổi thay, phát triển của đất nước như ngày hôm nay là sự cố gắng chung của cả nước, trong đó, không thể không nói đến lực lượng Bộ đội Biên phòng. Cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng gian nan, vất vả, phần đông là ở vùng xuôi lên biên giới điều kiện để quan tâm, chăm sóc cha mẹ rất hạn chế. Chính môi trường khắc nghiệt, gian khổ đó đã tôi luyện nên những người lính Biên phòng quân hàm xanh - hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ suốt những năm qua. Giành nhiều tình cảm cho Bộ đội Biên phòng. Hầu như lần nào đi công tác xuống các địa phương tôi đều đến thăm các đơn vị quân đội, trong đó có các đồn Biên phòng. Đến đâu tôi cũng nghe các đồng chí lãnh đạo và nhân dân địa phương đánh giá tốt về Bộ đội Biên phòng, rất tin tưởng vào Bộ đội Biên phòng. Rất nhiều công việc, chủ trương của địa phương triển khai nơi biên giới giao cho các đồng chí đều đạt được kết quả rất tốt".

Đại tá Đỗ Phú Thọ
Bài viết cùng chủ đề: Tổng Bí thư

Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng chỉ đạo chủ động ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ ở Trung Bộ

Tội phạm sử dụng công nghệ cao diễn biến phức tạp

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu 6 nhóm tăng cường hợp tác với Bulgaria

Tăng cường hợp tác quốc phòng Việt Nam-Lào-Campuchia: Biểu tượng đoàn kết khu vực

Phu nhân Chủ tịch nước và Phu nhân Tổng thống Bulgaria thăm trường mầm non Việt-Bun

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Tổng thống Bulgaria Rumen Radev

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và Tổng thống Bulgaria thăm Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam

Tổng Bí thư Tô Lâm trao đổi chuyên đề về Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh quản lý nhà nước về thương mại điện tử

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo 'nóng' về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị

Chủ tịch nước Lương Cường hội đàm với Tổng thống Bulgaria Rumen Radev

Chủ tịch nước Lương Cường và Tổng thống Bulgaria gặp gỡ báo chí

Tuyên bố chung Việt Nam-Bulgaria: Đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực

Nên để cơ quan báo, tạp chí quyết định diện tích quảng cáo trên báo in

Kiểm soát nội dung quảng cáo trực tuyến: Thiết lập chế tài mạnh

Bế mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, thống nhất nhiều vấn đề quan trọng

Thông cáo báo chí Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

Chủ tịch nước Lương Cường chủ trì lễ đón chính thức Tổng thống Bulgaria

Khai mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

Tổng thống Bulgaria Rumen Radev gặp gỡ bạn bè Việt Nam từng học tập, làm việc tại Bulgaria