Tín dụng kỳ vọng tăng tốc từ cuối quý 2
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính đến ngày 22/5/2024, tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống đạt 2,58% so với cuối năm 2023. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định, dư nợ tín dụng còn rất rộng, nhưng không tăng trưởng bằng mọi giá. Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, ngành ngân hàng đang tập trung đẩy vốn vào nền kinh tế.
Đơn cử như, Eximbank vừa đưa ra một gói cho vay ngắn hạn bằng VND với lãi suất 4,75%/năm phục vụ các đơn vị sản xuất kinh doanh. Ngân hàng cam kết thực hiện giao dịch trong khoảng 8 giờ đồng hồ kết thúc một thủ tục vay vốn. Ngoài ra, ngân hàng này còn nhận chứng từ kinh doanh làm tài sản đảm bảo nợ vay mở ra cơ hội cho những doanh nghiệp xuất nhập khẩu có đơn hàng nhưng có thể hết tài sản đảm bảo là bất động sản.
Cũng đơn giản hóa thủ tục vay vốn, VietinBank vừa ra mắt tính năng giải ngân và phát hành bảo lãnh online trên nền tảng VietinBank eFAST. Qua tính năng này, doanh nghiệp được cấp hạn mức cho vay, bảo lãnh và chữ ký số có thể thực hiện giao dịch giải ngân và phát hành bảo lãnh online ngay trên ứng dụng ngân hàng số VietinBank eFAST.
Tính đến ngày 22/5/2024, tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống đạt 2,58% so với cuối năm 2023 |
Đa dạng hình thức cho vay cũng là cách nhiều ngân hàng đang sử dụng để hỗ trợ cũng như thu hút khách hàng. Như ngân hàng PGBank, bên cạnh gói hỗ trợ hàng nghìn tỷ đồng với mức lãi suất giảm từ 1-2% cho một số nhóm doanh nghiệp ưu tiên, họ cũng triển khai chương trình cho vay tín chấp.
Bà Trần Nhị Hà - Phó Giám đốc phụ trách Khối dịch vụ Ngân hàng doanh nghiệp PGBank - chia sẻ: “Thực tế, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đối với yêu cầu phần tài sản thế chấp cũng là điều rất khó khăn đối với họ. Có nhiều doanh nghiệp chưa đủ tài sản tích luỹ để có thể đi thế chấp. Tuy nhiên, với PGBank, khi sản phẩm đưa ra cũng đánh giá trên năng lực tài chính thực sự, dòng tiền, cũng như lịch sử quan hệ, các giao dịch uy tín để có thể cấp cho khách hàng một hạn mức mà không cần tài sản đảm bảo”.
Nhận xét về lãi suất cho vay trên thị trường hiện nay, ông Nguyễn Thanh Tùng - Tổng giám đốc Vietcombank cho biết, các ngân hàng đang rất nỗ lực trong việc cắt giảm lãi suất để đồng hành với doanh nghiệp. “Lâu lắm mới có mặt bằng lãi suất thấp như thế này, thấp hơn trước thời điểm diễn ra dịch Covid-19” - ông Tùng nhấn mạnh; đồng thời cho biết thêm: “Tại Vietcombank, từ thời điểm dịch Covid-19 đến nay, chúng tôi đã giảm lãi suất tới 22 lần, song hành với việc thực hiện hỗ trợ các loại phí cho khách hàng. Ngoài ra, Vietcombank còn cải tiến quy trình cấp tín dụng thuận tiện cho khách hàng”.
Dù đã có nhiều nỗ lực, song lãnh đạo Vietcombank vẫn phải nhìn nhận, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế đến thời điểm hiện tại là chưa cao nên tín dụng tăng chưa như kỳ vọng. “Tại Vietcombank, tín dụng mới tăng được gần 1,7% sau 5 tháng” - ông Tùng nói.
Phân tích kỹ hơn, Tổng giám đốc Vietcombank cho rằng, những tháng đầu năm, tín dụng bất động sản giảm, tín dụng tiêu dùng giảm do tâm lý của người dân giảm mua sắm. Tuy nhiên, khi thị trường bất động sản ấm lên là yếu tố tích cực cho tăng trưởng tín dụng. “Trong tháng 4 - 5 vừa qua, tăng trưởng tín dụng đã khả quan hơn, nhiều khách hàng đến tiếp cận với ngân hàng để quyết định đầu tư mới. Đây là tín hiệu tích cực cho ngành ngân hàng nói chung và Vietcombank để có thể thúc đẩy nguồn cung tiền, đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng của năm nay” - ông Tùng nhấn mạnh.
Những tháng đầu năm, tín dụng bất động sản giảm |
Lãnh đạo Vietcombank cũng khẳng định, trong giai đoạn khó khăn, ngân hàng vẫn kiên định tập trung vốn cho sản xuất kinh doanh, tăng trưởng tín dụng trên cơ sở kiểm soát chất lượng, tập trung vào dự án trọng điểm quốc gia. “Chúng tôi không vội tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá mà sẽ lựa chọn những dự án khó nhưng có động lực hỗ trợ cho nền kinh tế phát triển bền vững. Vietcombank vẫn sẽ đảm bảo mục tiêu tăng tín dụng đúng định hướng trên 10% thậm chí lên tới 15% của năm nay” - Tổng giám đốc Vietcombank cam kết.
Tương tự như nhận định của các ngân hàng, dự báo của các định chế tài chính nước ngoài cũng khá lạc quan về thị trường tiền tệ của Việt Nam trong năm 2024 với lãi suất điều hành được duy trì ở mức thấp. Báo cáo dự báo tăng trưởng kinh tế quý 2/2024 của Bộ phận Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, Ngân hàng UOB (Singapore) phân tích, thay vì thay đổi lãi suất, Ngân hàng Nhà nước đang tập trung thúc đẩy tăng trưởng tín dụng để hỗ trợ các hoạt động kinh tế, các lĩnh vực tăng trưởng mới, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn và nhà ở xã hội. Hướng dẫn mới nhất của Ngân hàng Nhà nước đưa ra (ngày 31/5) nhằm mục đích tăng trưởng tín dụng 5 - 6% vào cuối quý 2/2024 và giảm lãi suất cho vay 1 - 2%, thông qua thủ tục cho vay đơn giản hóa, các biện pháp tiết kiệm chi phí và ứng dụng công nghệ kỹ thuật số.
“Với các hoạt động đang được cải thiện, tỷ lệ lạm phát dao động ngay dưới mục tiêu, cũng như những lo ngại về đồng nội tệ, khả năng hạ lãi suất đã giảm đi. Việc tăng lãi suất vào thời điểm này có thể có nguy cơ cản trở môi trường tín dụng và thanh khoản. Do đó, chúng tôi tin rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ giữ lãi suất tái cấp vốn ở mức 4,50% hiện tại và tập trung nỗ lực hỗ trợ tăng trưởng tín dụng cũng như các biện pháp hỗ trợ khác” - Ngân hàng UOB nhận định.
Tại Cuộc họp về chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa nhằm tiếp tục thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước giữ ổn định tương đối về tỷ giá; phấn đấu giảm lãi suất cho vay từ 1 - 2%, tăng tín dụng 5 - 6% ngay trong quý II/2024.