Tiềm năng thị trường halal toàn cầu trị giá 3 nghìn tỷ USD
Các nhà xuất khẩu của Malaysia hướng đến mọi thị trường nhằm tận dụng nền kinh tế Hồi giáo toàn cầu dự kiến trị giá hơn 3 nghìn tỷ USD vào năm 2023. Nhưng với một cơ hội to lớn như vậy thì cạnh tranh sẽ rất gay gắt. Indonesia, đất nước có dân số Hồi giáo lớn nhất thế giới, cũng đang tìm cách vượt qua thách thức nghiêm trọng này.
Thuật ngữ "halal" theo tiếng Ả Rập có nghĩa là "cho phép", bao gồm mọi thứ phù hợp với luật Hồi giáo như được viết trong Kinh Quran. Các quy tắc nổi tiếng nhất là cấm thịt lợn và rượu, nhưng cũng có thể được áp dụng cho tất cả các loại sản phẩm và dịch vụ. Bất chấp những nỗ lực để tạo ra một tiêu chuẩn phổ quát, hiện nay các quốc gia khác nhau sử dụng các phương pháp chứng nhận của riêng đối với thực phẩm halal. Malaysia có lợi thế hơn so với nước láng giềng Đông Nam Á trong lĩnh vực kinh doanh thực phẩm halal. Nước này đã xuất khẩu 43,3 tỷ ringgit (tương đương 10,5 tỷ USD) các sản phẩm được chứng nhận halal trong năm 2017, tăng 32% so với 4 năm trước đó tính theo đồng nội tệ. Thực phẩm chiếm gần một nửa giá trị xuất khẩu, bên cạnh mỹ phẩm, hóa chất và các hàng hóa khác. Trong khi đó, Indonesia có giá trị xuất khẩu đạt 7,6 tỷ đô la.
Malaysia đứng đầu trong số các quốc gia có vị thế tốt nhất để nắm bắt cơ hội về thị trường halal toàn cầu trị giá khoảng 3 nghìn tỷ đô la. Ngày nay, nền kinh tế Hồi giáo không chỉ bao gồm các quốc gia chủ yếu là Hồi giáo mà còn các thị trường khác như Nhật Bản, nơi có nhu cầu về hàng hóa thực phẩm halal tuân theo các hạn chế của Hồi giáo, có thể là từ khách du lịch hoặc người nhập cư. Malaysia, từ lâu đã tạo ra hàng hóa halal và kinh doanh thực phẩm Hồi giáo là trụ cột tài chính cho sự phát triển kinh tế của mình, hy vọng sẽ mở rộng vị thế dẫn đầu bằng cách tung ra một chiến dịch tiếp thị tại Nhật Bản. Ý tưởng là giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ thâm nhập thị trường với mục tiêu trước mắt là tận dụng tối đa Thế vận hội Tokyo năm 2020 mà theo ước tính của Bộ Phát triển Doanh nghiệp Malaysia, có khoảng 45.000 vận động viên và các quan chức dự kiến sẽ tham dự Thế vận hội này, mà khoảng 40% trong số đó cần các sản phẩm halal.
Hiệp hội Halal Nhật Bản cho biết điều cần thiết nhất đối với người Hồi giáo là có thể dễ dàng tiếp cận thực phẩm halal. Sở dĩ nhu cầu thực phẩm halal ở Nhật Bản tăng lên vì nhiều người Hồi giáo ở Đông Nam Á đã tới du lịch Nhật Bản, ví dụ số lượt đến từ Indonesia đã tăng vọt hơn 400% từ năm 2007 đến 2017, trong khi mức tăng từ khách du lịch Malaysia là hơn 300%, theo dữ liệu từ Tổ chức Du lịch Quốc gia Nhật Bản. Các công ty, trường học cũng cần phải thích nghi với thực phẩm halal vì Nhật Bản có nhiều lao động đến từ các quốc gia như Indonesia để bù đắp thiếu hụt lao động. Bộ trưởng Phát triển Doanh nghiệp Malaysia Redzuan Yusof, tại một sự kiện ngày 24/01 cho chiến dịch tiếp cận thị trường Nhật Bản, đã nói về tiêu chuẩn halal của Malaysia là "tốt nhất thế giới" nhưng nhấn mạnh điều này "sẽ không có ý nghĩa nhiều nếu không có sản phẩm ra thị trường toàn cầu. "
Chứng nhận halal nghiêm ngặt của Malaysia, do Bộ Phát triển Hồi giáo xây dựng, thực sự được công nhận trên toàn thế giới - mặc dù không được công nhận ở Indonesia. Vì vậy, các cuộc đàm phán về vấn đề này đang bị đình trệ, Indonesia đang nỗ lực để trở thành trung tâm halal lớn hơn bằng cách mở rộng chứng nhận của riêng mình, tăng cường cơ sở sản xuất halal và đẩy mạnh xuất khẩu các thực phẩm halal.
Với gần 90% trong số hơn 260 triệu người theo Hồi giáo, Indonesia luôn là một trong những thị trường halal lớn nhất. Nhưng xuất khẩu của nước này bị chi phối bởi hàng hóa, làm cho nền kinh tế dễ bị ảnh hưởng bởi giá tài nguyên biến động. Với sự phát triển của ngành kinh doanh halal toàn cầu, Indonesia nhận thấy cơ hội để thay đổi điều đó. Indonesia đã đẩy mạnh các chương trình thương mại và hy vọng sẽ kết thúc các thỏa thuận với 9 quốc gia trong năm nay, mà 5 trong số đó phần lớn là quốc gia Hồi giáo, bao gồm cả Iran và Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong nước, chính phủ Indonesia đang phát triển 4 cụm công nghiệp tập trung vào thực phẩm halal để thu hút các nhà sản xuất, cộng với các nhà hàng, trung tâm thương mại và tổ chức tài chính Hồi giáo – là những tổ chức cung cấp dịch vụ tuân thủ các quy định cấm của đạo Hồi và các quy tắc khác. Indonesia cũng đã chỉ định khoảng 10 tỉnh phù hợp để thu hút các du khách Hồi giáo. Nhưng những thay đổi quan trọng nhất liên quan đến phạm vi chứng nhận halal và cách thức quản lý.
Bắt đầu từ tháng 10 năm nay, Indonesia sẽ bắt buộc phải chứng nhận một loạt hàng hóa và dịch vụ là halal: thực phẩm, đồ uống, thuốc, mỹ phẩm, hóa chất và các sản phẩm sinh học hoặc biến đổi gen, cùng với các hàng hóa tiêu dùng khác. Đối với một số nhóm doanh nghiệp, có thể có thêm chi phí, nhưng chi phí chứng nhận là không đáng kể từ 140 USD đến 320 USD tùy thuộc vào quy mô của công ty, có thể có các chi phí khác liên quan đến dây chuyền sản xuất halal. Việc phát hành chứng nhận halal là do các tổ chức chính phủ thực hiện, để tăng sự tin tưởng của chứng nhận đó cả trong và ngoài nước. Hệ thống mới này dự kiến sẽ mang lại cho chính phủ Indonesia khoảng 1,6 tỷ USD doanh thu hàng năm. Việc có một cơ quan chính phủ giám sát chứng nhận halal có thể giúp Indonesia cạnh tranh tốt hơn với Malaysia và các đối thủ khác trên thị trường halal toàn cầu.
Các doanh nghiệp được điều hành bởi người Hồi giáo và các quốc gia có dân số Hồi giáo chiếm đa số không phải là đối thủ cạnh tranh duy nhất. Ví dụ như Brazil đứng thứ ba trong ngành công nghiệp thực phẩm halal, nhờ vào vị thế không chỉ là nhà xuất khẩu thịt hàng đầu thế giới mà còn là nhà cung cấp thịt halal hàng đầu, bất chấp khoảng cách với bất kỳ quốc gia nào có người Hồi giáo chiếm đa số. Singapore và Trung Quốc đang cạnh tranh với thứ hạng khiêm tốn hơn, lần lượt xếp thứ 3 và thứ 6. Thái Lan đứng thứ 6 trong danh sách các điểm đến du lịch thân thiện với người Hồi giáo.
Một doanh nghiệp nhập khẩu ở Tokyo có tên Yatsumoto Tsusho là một ví dụ điển hình về cách các công ty bên ngoài thế giới Hồi giáo có thể tận dụng sự bùng nổ của thị trường halal, đó là giúp các nhà xuất khẩu halal thích nghi với các thị trường mới. Sản phẩm có hoặc không có tem halal, khi xuất khẩu sang Nhật Bản có nghĩa là vượt qua các yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn và thủ tục thương mại. Thêm vào đó, Chủ tịch công ty Yasuhiro Fukuchi cho biết, ngay cả các sản phẩm hướng tới người Hồi giáo "cũng phải được sản xuất để làm hài lòng vị giác của người Nhật".
Trong một số trường hợp, ngay cả người tiêu dùng không theo đạo Hồi cũng tìm kiếm các sản phẩm halal chính xác vì các tiêu chuẩn rất nghiêm ngặt. Điều này đúng với mỹ phẩm Malaysia, xuất khẩu đã tăng 32% trong năm 2017, lên 2,9 tỷ ringgit. Xu hướng này là lý do tại sao các sản phẩm như muối tắm, xà phòng và dầu mát xa dự kiến sẽ xuất hiện nhiều ở cả các thị trường có ít người Hồi giáo, như Nhật Bản, Đức, Hồng Kông và Việt Nam. Với số lượng người Hồi giáo trên thế giới dự kiến sẽ đạt 2,7 tỷ người vào năm 2050, theo Pew Research, đó là cơ hội rất tiềm năng để các doanh nghiệp khai thác thị trường halal ngay từ bây giờ.