Thương mại Việt Nam - Lào hướng đến sự phát triển ổn định, bền vững
Nhận lời mời của Thủ tướng Phạm Minh Chính, từ ngày 6-7/1/2024 Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone và Phu nhân sẽ thăm chính thức Việt Nam, kết hợp đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 46 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Lào. Đây là chuyến thăm đầu tiên tới Việt Nam của Thủ tướng Sonexay Siphandone kể từ khi nhậm chức và là lãnh đạo cấp cao nước ngoài đầu tiên tới thăm Việt Nam trong năm mới 2024.
Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Sonexay Siphandone và Phu nhân diễn ra trong bối cảnh quan hệ hai nước tiếp tục gắn bó và phát triển tốt đẹp. Quan hệ chính trị được củng cố, tin cậy ngày càng gia tăng, giữ vai trò nòng cốt, định hướng tổng thể quan hệ hai nước.
Chia sẻ về ý nghĩa, tầm quan trọng của chuyến thăm đối với quan hệ hai nước, cũng như triển vọng hợp tác giữa hai nước, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế, thương mại trong thời gian tới, ông Nguyễn Bá Hùng - Đại sứ Việt Nam tại Lào cho biết, đây là dịp để hai bên trao đổi về tình hình của mỗi nước, tình hình quốc tế và khu vực cùng quan tâm.
Đồng thời, đây là dịp để hai nước rà soát, đánh giá kết quả triển khai các thỏa thuận cấp cao, các hiệp định hợp tác giữa hai Chính phủ đạt được tại kỳ họp lần thứ 45 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Lào diễn ra vào tháng 1/2023. Mặt khác, đây cũng là dịp để lãnh đạo hai bên trao đổi về phương hướng, các biện pháp đột phá nhằm tiếp tục đưa quan hệ hợp tác đi vào chiều sâu, hiệu quả, thực chất hơn nữa trong năm 2024.
Hình ảnh lô xe điện đầu tiên của Việt Nam xuất khẩu sang Lào qua Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo thuộc tỉnh Quảng Trị (ảnh internet) |
Hiện nay, quan hệ hữu nghị đặc biệt và sự hợp tác toàn diện giữa Lào và Việt Nam ngày càng được củng cố, mở rộng, đi vào thực chất và tiếp tục thu được nhiều kết quả thiết thực, đặc biệt là giai đoạn từ năm 2018 đến nay.
Theo đó, từ năm 2018 đến năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa song phương Việt Nam - Lào đạt 4,5 tỉ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu từ Lào sang Việt Nam đạt 2,1 tỉ USD và kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Lào đạt 2,4 tỉ USD. Kim ngạch thương mại song phương trung bình đạt hơn 1 tỉ USD/năm, tăng trưởng hơn 10%/năm.
Cụ thể, năm 2019, kim ngạch thương mại song phương đạt 1,1 tỉ USD, tăng 12,6% so với năm 2018. Năm 2020, do sự bùng phát dịch Covid-19, cả hai bên áp dụng các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh cộng với những tác động từ thiên tai đã làm cho kim ngạch thương mại song phương chỉ đạt 1 tỉ USD, giảm 11,5% so với năm 2019.
Năm 2021, kim ngạch thương mại song phương đạt 1,37 tỉ USD, tăng 33,32% so với năm 2020, vượt chỉ tiêu hai nước đề ra và trở thành giá trị kim ngạch thương mại song phương lớn nhất trong giai đoạn 10 năm qua. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Lào đạt 594,73 triệu USD, tăng 4,2% và kim ngạch xuất khẩu từ Lào sang Việt Nam đạt 778,3 triệu USD, tăng 69,9%. Đến năm 2022, tổng kim ngạch song phương đạt hơn 1,7 tỷ USD, tăng hơn 24% so với năm 2021, vượt mục tiêu đã đề ra (tăng trưởng 10-15%).
Năm 2023, hợp tác thương mại tiếp tục là điểm sáng trong mối quan hệ hợp tác giữa hai nước. 10 tháng năm 2023, kim ngạch thương mại hai chiều đạt hơn 1,3 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Lào đạt 441,9 triệu USD và nhập khẩu từ Lào 888,4 triệu USD.
Về đầu tư, Việt Nam hiện có 241 dự án đầu tư tại Lào với tổng vốn đăng ký đạt 5,47 tỷ USD, tiếp tục duy trì vị trí thứ 3 trong số các quốc gia/vùng lãnh thổ có đầu tư tại Lào. Tính đến tháng 8/2023, có 7 dự án cấp mới và 2 dự án được điều chỉnh với tổng vốn đăng ký hơn 114 triệu USD (tăng 71,7% so với cùng kỳ năm 2022). Với con số này, Việt Nam đứng thứ 3 trong số các nước có hoạt động đầu tư tại Lào (sau Trung Quốc, Thái Lan). Toàn tuyến biên giới Việt Nam - Lào có 9 cửa khẩu quốc tế, 6 cửa khẩu chính, 18 cửa khẩu phụ cùng 27 lối mở và thành lập 9 Khu kinh tế cửa khẩu...
Thời gian qua, hợp tác trong các lĩnh vực quan trọng khác như: Văn hóa, giáo dục, khoa học, kỹ thuật, hợp tác giữa các địa phương... tiếp tục có những chuyển biến và được tăng cường, ngày càng đi vào cụ thể, có chiều sâu, toàn diện.
Đáng chú ý, những năm gần đây, việc tận dụng ưu đãi từ Hiệp định Thương mại song phương và Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam - Lào đã góp phần thúc đẩy thương mại hàng hóa và dịch vụ giữa hai bên. Đặc biệt, từ năm 2021 trở lại đây, Bộ Công Thương hai nước đã phối hợp, tổ chức nhiều sự kiện quan trọng, như: Tháng 4/2022, Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Công Thương Lào đã tổ chức Hội nghị Hợp tác Phát triển Thương mại Biên giới Việt Nam - Lào lần thứ XII; tháng 7/2023, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên đã cùng Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Lào Phosay Sayasone ký Bản ghi nhớ giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Năng lượng và Mỏ Lào về hợp tác trong lĩnh vực than. Đây là một sự kiện quan trọng, đánh dấu cột mốc mới trong quan hệ hợp tác năng lượng giữa hai nước...
Hội chợ Thương mại Việt - Lào 2022 (VietLao Expo 2022) là sự kiện xúc tiến thương mại lớn nhất do Bộ Công Thương hai nước tổ chức thường niên tại thủ đô Viêng Chăn, Lào. Ảnh Moit |
Ngoài ra, với vai trò cầu nối thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Lào cũng thường xuyên làm việc với các đơn vị chuyên môn của Lào ở Trung ương và địa phương để kết nối, giới thiệu và quảng bá thương hiệu quốc gia, hàng hóa Việt Nam tại trường Lào; thường xuyên cập nhật các chính sách, môi trường kinh doanh tại Việt Nam, các quy định về xuất nhập khẩu, thông tin về thị trường, thông tin các doanh nghiệp Việt Nam tới các đối tác Lào.
Đặc biệt, Thương vụ cùng phối hợp với cơ quan liên quan của Lào, doanh nghiệp hai nước tổ chức nhiều chương trình xúc tiến thương mại tại các địa phương của Lào, như: Hội chợ VietLao Expo 2022 tổ chức vào tháng 8/2022 tại thủ đô Viêng Chăn, thu hút sự tham gia của 120 doanh nghiệp 2 nước với 250 gian hàng; chủ trì, phối hợp với Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Lào tổ chức gian hàng quốc gia và đoàn doanh nghiệp tham dự Hội chợ Tết người Mông tại tỉnh Xiengkhuang, Bắc Lào; phối hợp tổ chức đoàn xúc tiến thương mại các tỉnh Bắc và Nam Lào trong bối cảnh Lào khai trương tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên thông thương vận tải người và hàng hóa…
Như vậy, có thể nói sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là sự gắn kết giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Công Thương Lào cùng với nỗ lực khắc phục khó khăn vươn lên mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp hai nước, tin rằng quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Lào sẽ ngày càng khởi sắc, tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa và hướng tới sự ổn định, bền vững. Sự tăng trưởng này không chỉ tạo ra không gian kinh tế với sự gắn kết chặt chẽ, hiệu quả hơn, mà còn là cơ hội đẩy mạnh sự giao lưu giữa hai nền văn hóa, củng cố vững chắc mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào.