Thuốc lá thế hệ mới: Cấp thiết một khung pháp lý phù hợp
Chủ yếu nhập lậu, với lợi nhuận “khủng”
Ngày 11/11/2020, tại Hà Nội, Tọa đàm “Khung pháp lý cho thuốc lá thế hệ mới” đã chính thức được diễn ra với sự tham gia của 50 đại diện từ các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia trong lĩnh vực công nghiệp, kinh tế và cơ quan báo chí. Tọa đàm được tổ chức trong bối cảnh Chính phủ có chỉ đạo Bộ Công Thương và các đơn vị liên quan khẩn trương đề xuất chính sách quản lý riêng đối với thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng, cùng với việc tăng cường công tác chống buôn lậu thuốc lá.
Chia sẻ tại tọa đàm, ông Nguyễn Kỳ Minh - Phó Chánh văn phòng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) - cho biết, nếu trong năm 2019, Hà Nội chỉ kiểm tra 6 vụ và thu giữ gần 1.000 các sản phẩm liên quan đến thuốc lá thế hệ mới thì đến hết tháng 9/2020, dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 mất 4-5 tháng, nhưng lực lượng QLTT Hà Nội cũng đã xử phạt 6 vụ liên quan đến thuốc lá thế hệ mới, thu giữ hàng nghìn sản phẩm phục vụ cho việc sử dụng thuốc lá thế hệ mới.
Đáng kể, Hải quan TP. Hồ Chí Minh thu giữ 4 kiện hàng hóa nghi là thuốc lá thế hệ mới, với tổng giá trị thu giữ khoảng 1 tỷ đồng.
Đáng lo hơn, không chỉ mua bán trên thương mại điện tử, loại hình thuốc lá thế hệ mới này còn xuất hiện tại một số điểm bán hàng công khai trên thị trường. Ông Nguyễn Kỳ Minh dẫn chứng, mới đây lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện 1 trường hợp ở Hà Nội, bên ngoài bán cà phê nhưng bên trong kinh doanh thuốc lá thế hệ mới. “Đối tượng khai nhận giá đầu vào rất rẻ, nhập chỉ khoảng 40.000 đồng/chiếc giống như chiếc bút, hút được khoảng 300 hơi. Nhưng khi bán đến tay người dùng thì khoảng 160.000 - 200.000 đồng, lãi gấp 4-5 lần. Đây là mức “siêu lợi nhuận” - ông Nguyễn Kỳ Minh nhận định.
Điều đáng nói, đến nay vẫn chưa có khung pháp lý cho mặt hàng này. Theo ông Minh, điều này khiến cho cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn trong vấn đề xử lý vi phạm. Hầu hết các vụ việc liên quan đến thuốc lá thế hệ mới đều được xử lý dưới dạng hàng lậu, xác định là loại hàng hoá do nước ngoài sản xuất, không có hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc nên việc xử lý chưa sát với hành vi vi phạm. “Pháp luật cần điều chỉnh theo kịp các hiện tượng nên cần có khái niệm rõ ràng, chính danh để xử lý, cần một khung pháp lý phù hợp cho mặt hàng này để có những mức hình phạt cụ thể và xác đáng cho các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến nó. Ngoài ra, khi xây dựng chính sách thuế cần cân nhắc đến thực trạng thuốc lá thế hệ mới nhập lậu để có thể hỗ trợ tốt nhất cho cuộc chiến với các sản phẩm nhập lậu cũng như các mục tiêu quản lý nhà nước” - ông Minh lưu ý.
Đồng tình với ý kiến này, bà Trần Tuyết Trang - Vụ Chính sách thuế (Tổng cục Thuế) nêu lên kiến nghị tại tọa đàm: “Thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng là sản phẩm mới chưa được quy định cụ thể tại các văn bản pháp luật cũng như chính sách quản lý của các bộ ngành. Do đó, cần thiết thực hiện nghiên cứu xây dựng ban hành khung pháp lý chính sách các loại thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng tại Việt Nam”.
Thí điểm trước khi luật hóa?!
Một số đại biểu tham dự tọa đàm vẫn còn băn khoăn về sự khác biệt giữa thuốc lá điếu truyền thống và thuốc lá thế hệ mới. Ông Lê Thành Hưng - Trưởng phòng Tiêu chuẩn nông nghiệp thực phẩm, Viện Tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ - cho biết, nhiều nghiên cứu đã được tiến hành để đánh giá mối nguy từ các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới.
Chẳng hạn, Cơ quan y tế cộng đồng Anh (Public Health England) đã đánh giá các sản phẩm thuốc lá điện tử là ít độc hại cho sức khỏe hơn so với thuốc lá điếu truyền thống. Ngoài ra, nhiều nghiên cứu khác cũng đã chứng minh thành phần các chất độc hại trong sol khí của thuốc lá điện tử ít hơn 95% so với khói của thuốc lá điếu truyền thống. Một nghiên cứu được công bố của Viện Nghiên cứu Liên bang Đức về đánh giá rủi ro cũng cho thấy có sự giảm đáng kể hàm lượng aldehyd (80-95%) và hợp chất hữu cơ bay hơi (97-99%) của thuốc lá làm nóng so với thuốc lá truyền thống.
Ông Hưng cũng chỉ ra rằng, trong các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, khi sử dụng thực tế tạo ra rất ít khói, mà chủ yếu là các sol khí, gồm có hơi nước, nicotin và một số thành phần khác. Do đặc trưng về bản chất nguyên liệu và cách thức chế biến nguyên liệu, nguyên liệu của thuốc lá làm nóng hoặc dung dịch thuốc lá điện tử không bị đốt cháy nên khi sử dụng các sản phẩm này, hàm lượng nhựa thuốc lá (còn gọi là “tar”) đã giảm đi nhiều, thành phần của tar cũng thay đổi. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh thành phần của sol khí tạo ra khi hút thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử là thấp hơn về số lượng và nồng độ so với sản phẩm thuốc lá điếu truyền thống.
Bà Hoàng Lan Hương - Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) - thông tin, hai dòng sản phẩm này hoàn toàn khác nhau, tuy nhiên bà cho rằng không nên ban hành ngay chính sách mà cần thận trọng với dòng sản phẩm thế hệ mới. “Chúng tôi kiến nghị tạm thời chưa cho phép nhập khẩu và lưu thông cho đến khi những tác động của thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng được đánh giá đầy đủ hơn” - bà Hương nói.
Tại tọa đàm, các đại biểu cũng cho rằng, không nên ngay lập tức luật hóa tại thời điểm này mà bỏ qua giai đoạn thí điểm bằng một quyết định của Thủ tướng. Bởi lẽ, thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử là kết quả của việc áp dụng công nghệ trên toàn cầu, hiện vẫn còn rất mới mẻ đối với ngành công nghiệp thuốc lá Việt Nam và các cơ quan quản lý.
Việc thí điểm cho phép nhập khẩu, sản xuất và kinh doanh thuốc lá thế hệ mới tại Việt Nam trong khoảng 12 tháng sẽ giúp Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền có đầy đủ thông tin và cơ sở chính xác để đánh giá tác động kinh tế và xã hội của việc hợp pháp hóa dòng sản phẩm này cũng như đánh giá mức độ rủi ro của sản phẩm. Từ đó sẽ giúp xây dựng một khung pháp lý phù hợp, đảm bảo được tính phổ quát và khả năng áp dụng lâu dài, tương thích với chiến lược quốc gia về giảm thiểu tác hại thuốc lá và đảm bảo dung hòa quyền lợi của các chủ thể liên quan, bao gồm Nhà nước, người tiêu dùng, nhà sản xuất thuốc lá và nông dân trồng thuốc lá.
Hiện, Bộ Công Thương đã có Công văn số 728/BCT-CN báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả nghiên cứu và đề xuất chính sách quản lý đối với thuốc lá thế hệ mới. Theo đó, về cơ bản các Bộ Tài chính, Tư pháp, Khoa học Công nghệ, Kế hoạch và Đầu tư và Hiệp hội thuốc lá Việt Nam đều thống nhất việc báo cáo Thủ tướng Chính phủ biện pháp để quản lý đối với mặt hàng thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là cần thiết và có cơ sở.
Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại Công văn số 4861/VPCP-CN của Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương đang tiếp tục tiếp thu ý kiến góp ý của các Bộ, Hiệp hội liên quan và phối hợp với Bộ Y tế nghiên cứu, đề xuất chính sách quản lý riêng đối với các loại hình thuốc lá thế hệ mới, đảm bảo chặt chẽ, phù hợp Chiến lược Quốc gia về giảm thiểu tác hại của thuốc lá, an toàn sức khỏe người sử dụng, dung hòa quyền lợi giữa các chủ thể liên quan gồm: Nhà nước, người tiêu dùng, nhà sản xuất thuốc lá, nông dân trồng cây thuốc lá và phù hợp thông lệ quốc tế.
“Để đảm bảo các yếu tố này, lãnh đạo Bộ Công Thương và lãnh đạo Bộ Y tế trong tuần tới sẽ làm việc và thống nhất đề xuất chính sách quản lý các loại hình thuốc lá thế hệ mới để trình Thủ tướng Chính phủ” - ông Cao Trọng Quý - Trưởng phòng Công nghiệp thực phẩm, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết thêm.
Trước tình hình nhập lậu, kinh doanh trái phép thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng diễn biến phức tạp, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành, lực lượng chức năng tăng cường công tác chống buôn lậu thuốc lá tại Văn bản số 8750/VPCP-V.I; trong đó, giao Bộ Công Thương khẩn trương đề xuất chính sách quản lý đối với thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. |