Thứ năm 02/01/2025 02:19

Thúc đẩy các động lực tăng trưởng ngay từ đầu năm

Để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế, ngay từ đầu năm, Chính phủ và các bộ ngành, địa phương đã có những giải pháp nhằm thúc đẩy các động lực tăng trưởng.

Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Tại kỳ họp cuối năm 2023, Quốc hội đã đề ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế - GDP năm 2024 ở mức 6 - 6,5%. Với con số này, nhiều tổ chức tài chính đánh giá, không quá khó để Việt Nam đạt được mục tiêu tăng trưởng của năm 2024. Ông James Cheo, Trưởng bộ phận đầu tư Khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ, Khối Dịch vụ ngân hàng tư nhân toàn cầu của HSBC khẳng định, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6% vào năm 2024.

“Sức mạnh của nền kinh tế Việt Nam năm 2024 sẽ đến từ sự kết hợp giữa chi tiêu tiêu dùng và đầu tư. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài mạnh mẽ có thể vẫn sẽ tiếp tục vào năm 2024, hỗ trợ ngành sản xuất của Việt Nam. Chu kỳ thương mại toàn cầu mới phục hồi sẽ thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam. Hơn nữa, Việt Nam có thể sẽ chứng kiến sự tăng trưởng dần du lịch quốc tế. Nhìn chung, chúng tôi kỳ vọng nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng GDP ở mức 6% vào năm 2024, nhanh hơn năm 2023”, đại diện HSBC nhận định.

Ông Cheo nói thêm: “Lạm phát khá ổn định nhưng có thể rủi ro tăng do giá năng lượng hoặc lương thực cao hơn dự kiến, chúng tôi cho rằng, cơ quan quản lý tiền tệ Việt Nam sẽ thận trọng và giữ nguyên lãi suất điều hành trong năm nay. Chúng tôi dự báo tỷ giá USD/VND sẽ tiến tới mức 24.400 vào cuối năm 2024”.

Để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng, ngay từ đầu năm, Chính phủ và các bộ ngành đã có những giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng. Theo đó, Chính phủ đã liên tiếp ban hành 2 Nghị quyết lớn nhằm thúc đẩy kinh tế đất nước là: Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 và Nghị quyết 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024.

Năm 2024, Chính phủ sẽ ưu tiên tập trung thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Đáng chú ý, khác với các năm trước, thay vì đặt mục tiêu hàng đầu là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, trong năm 2024, Chính phủ sẽ ưu tiên tập trung “thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”, sau đó mới tới nội dung “giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn”.

Đồng thời, thay vì lồng ghép Nghị quyết 02 vào trong Nghị quyết 01 như năm 2023, thì sự trở lại của Nghị quyết 02 độc lập là một điểm mới, thể hiện thông điệp “cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là một nhiệm vụ quan trọng, cần sự tập trung giải quyết của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương”.

Với những động thái mới và chủ trương từ Chính phủ, các chuyên gia cho rằng, nền kinh tế sẽ có những chuyển biến tích cực hơn trong năm 2024. Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nêu quan điểm, về phương hướng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, các nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ đều nhấn mạnh ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô. Trong đó, Chính phủ nhấn mạnh 16 chữ vàng với 4 thông điệp hành động “Kỷ cương Trách nhiệm, Chủ động Kịp thời, Tăng tốc Sáng tạo và Hiệu quả Bền vững”.

Theo ông Hiếu, ở đây có các nhóm giải pháp như: Thúc đẩy đầu tư công, kinh tế xanh, bền vững. “Điểm mới là các động lực cho phát triển xanh và bền vững, yêu cầu vốn tín dụng tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi xanh và phát triển bền vững”, ông Hiếu chỉ ra.

Còn TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia nhận định, Việt Nam không thể tránh được những tác động từ tình hình khó khăn của kinh tế thế giới, nhưng những tín hiệu phục hồi của nền kinh tế hiện khá rõ nét. Nền kinh tế có nhiều động lực cho tăng trưởng năm 2024, như: Sự dịch chuyển chuỗi cung ứng và dòng vốn đầu tư toàn cầu; thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại; dịch vụ, tiêu dùng tăng khá; đầu tư công được đẩy mạnh, rủi ro tài khóa ở mức trung bình, dư địa chính sách vẫn còn; lạm phát và lãi suất đang giảm, tỷ giá cơ bản ổn định, rủi ro nợ xấu trong tầm kiểm soát…

Các bộ, ngành, địa phương vào cuộc

Năm 2024 là năm quan trọng tạo đà thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu của cả giai đoạn 2021 - 2025. Do đó, đầu tư công vẫn được xác định là động lực quan trọng hàng đầu thúc đẩy tăng trưởng, là vốn mồi dẫn dắt, thu hút tối đa các nguồn lực từ các thành phần kinh tế khác phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Đầu tư công vẫn được xác định là động lực quan trọng hàng đầu thúc đẩy tăng trưởng

Xác định rõ mục tiêu này, các bộ, ngành, địa phương đã không chần chừ, bắt đầu hành động trước hết là khơi thông nguồn lực đầu tư công làm động lực lan tỏa cho tăng trưởng. Theo đó, để đẩy nhanh việc giải ngân 677.349 tỷ đồng nguồn vốn đầu tư công ngay từ tháng đầu, quý đầu của năm, với trọng trách được giao, Bộ Tài chính đã có công văn (số 405/BTC-ĐT) đôn đốc các bộ, ngành, địa phương phân bổ, nhập dự toán Tabmis (Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc) và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước năm 2024.

Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương khẩn trương thực hiện phân bổ chi tiết vốn kế hoạch đầu tư công cho từng nhiệm vụ, dự án đã đủ điều kiện giao vốn, theo quy định của pháp luật về đầu tư công và các quy định của Chính phủ hiện hành; gửi Bộ Tài chính làm cơ sở để thực hiện kiểm tra việc phân bổ và thanh toán kế hoạch đầu tư vốn Ngân sách nhà nước năm 2024.

Đồng thời Bộ Tài chính cho biết, hiện đã triển khai nhập Tabmis năm 2024 từ cấp 0 xuống cấp 1 cho các bộ, cơ quan trung ương đảm bảo hoàn thành trước 31/12/2023; đồng thời đang triển khai nhập Tabmis năm 2024 từ cấp 0 xuống cấp 4 cho các địa phương. Do đó, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương khẩn trương nhập dự toán trên Tabmis đảm bảo theo đúng thời gian đã quy định để cơ quan tài chính có cơ sở phê duyệt, đảm bảo dự toán giải ngân cho các dự án.

Để việc giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 được thuận lợi, cơ quan này đã yêu cầu Kho bạc Nhà nước tăng cường việc nhận và gửi hồ sơ làm cơ sở kiểm soát, thanh toán theo hình thức trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công trực tuyến của Kho bạc nhà nước. Kho bạc nhà nước thực hiện nghiêm túc nguyên tắc “thanh toán trước, kiểm soát sau” cho từng lần giải ngân cho đến khi giá trị giải ngân đạt 80% giá trị hợp đồng thì mới chuyển sang hình thức “kiểm soát trước, thanh toán sau”.

Cũng liên quan tới giải ngân vốn đầu tư công, Bộ Giao thông vận tải cũng yêu cầu các đơn vị trong ngành lập kế hoạch giải ngân chi tiết theo từng tháng, quý, xác định "đường găng" giải ngân đối với từng dự án, báo cáo Bộ (qua Vụ Kế hoạch - Đầu tư) trong tháng 01/2024 làm cơ sở điều hành và đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch của đơn vị.

Tại các địa phương, công tác giải ngân vốn đầu tư công đang được các cấp lãnh đạo chỉ đạo quyết liệt. Đơn cử như tỉnh Khánh Hòa được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 trên 7.669 tỷ đồng. Đến nay, tỉnh đã phân bổ chi tiết trên 5.386 tỷ đồng. Để không bị động và không dồn việc giải ngân vốn đầu tư công vào cuối năm, lãnh đạo tỉnh này đã yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư Khánh Hòa có trách nhiệm đôn đốc, nhắc nhở chủ đầu tư thực hiện các thủ tục đối với phần vốn chưa được giao; giữ lại một phần vốn địa phương để phòng các tình huống phát sinh; tham mưu phân bổ nguồn vốn, tránh tình trạng dồn vào cuối năm, nếu không kịp điều chuyển thì phải tìm hướng để điều chuyển phù hợp, đúng quy định.

Đồng thời, lãnh đạo tỉnh cũng yêu cầu các chủ đầu tư phải làm việc với địa phương để thống nhất tiến độ giải phóng mặt bằng, sau đó gửi UBND tỉnh để có lịch làm việc cụ thể. Sở Tư pháp nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh về cơ sở pháp lý cho việc tách công tác giải phóng mặt bằng và xây lắp trong 1 dự án thành 2 hợp phần riêng để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình giải ngân vốn đầu tư công.

Không chỉ có đầu tư công, với các động lực tăng trưởng khác như sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, xuất nhập khẩu các bộ ngành cũng vào cuộc từ sớm. Cụ thể, nhằm khơi thông nguồn vốn tín dụng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thông báo đã giao toàn bộ hạn mức tín dụng cho các Ngân hàng thương mại ngay từ đầu năm mới, thay vì chia ra làm 2-3 đợt như trước. Với mục tiêu năm 2024 là tăng trưởng tín dụng khoảng 15%. Ước tính sẽ có khoảng 2 triệu tỷ đồng vốn được bơm ra nền kinh tế trong năm nay. Ngân hàng Nhà nước cho biết, sẽ tiếp tục hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, đồng thời, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Tại Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đã ký ban hành chương trình hành động nhằm thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2024.

Chương trình nhằm mục tiêu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ Chính phủ giao cho ngành Công Thương năm 2024. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng khoảng 7 - 8%; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 24,1 - 24,2%; Điện sản xuất và nhập khẩu đạt 306,259 tỷ kWh; điện thương phẩm đạt 262,26 - 269,3 tỷ kWh.

Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 6%, cán cân thương mại duy trì xuất siêu khoảng 15 tỷ USD; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng khoảng 9%; tăng trưởng thương mại điện tử B2C khoảng 18 - 20%.

Trong chương trình hành động, Bộ Công Thương giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị thuộc ngành. Cụ thể, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Trong đó, tập trung thực hiện hiệu quả, thực chất tái cơ cấu ngành công nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng cường năng lực nội sinh, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển nhanh, bền vững. Đảm bảo ổn định các cân đối lớn của ngành. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý tài chính và đổi mới doanh nghiệp, cơ cấu lại một cách hiệu quả, thực chất công tác đầu tư công.

Tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách gắn vói nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thực hiện pháp luật; đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh.

Đẩy mạnh phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế ban đêm, thương mại điện tử, các ngành, lĩnh vực mới nổi, các mô hình kinh doanh mới, hiệu quả…

Thùy Linh - Hoàng Lan
Bài viết cùng chủ đề: tăng trưởng kinh tế (GDP)

Tin cùng chuyên mục

Đồng chí Nguyễn Hồng Diên: 6 nhiệm vụ năm 2025 của Đảng bộ Bộ Công Thương

Công điện của Thủ tướng về việc khắc phục sự cố công trình Thủy điện Đắk Mi 1

Thu hút người tài vào khu vực công: Tiền lương ra sao?

Thủ tướng: Năm 2025 ngành Tài chính phải phản ứng chính sách kịp thời, thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng...

Thi hành kỷ luật 68 cán bộ diện Trung ương quản lý

Quy định mới với người nghỉ hưu trước tuổi, nghỉ thôi việc từ 1/1/2025

Bộ Công Thương thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư

10 sự kiện, hoạt động tiêu biểu của Quốc hội năm 2024

Nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ Bộ Công Thương năm 2025

Thủ tướng: Mở rộng thị trường xuất khẩu để thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp

Đảng bộ Bộ Công Thương tổ chức hội nghị tổng kết công tác xây dựng Đảng năm 2024

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: 8 giải pháp giúp nông dân làm giàu

Thủ tướng chủ trì Hội nghị đối thoại với nông dân năm 2024

Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân: Thúc đẩy chuyển đổi số nông nghiệp

Nhân sự 30/12: Bộ Công Thương có tân Vụ trưởng Vụ Pháp chế

Việt Nam - Lào: Nhất trí tiếp tục tạo đột phá trong hợp tác kinh tế

Thủ tướng: Sắp xếp bộ máy Bộ Công an, Bộ Quốc phòng không để gián đoạn công việc

Tổng Bí thư Tô Lâm: Văn nghệ sỹ - đội quân văn hóa của Đảng

Lễ kỷ niệm 80 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam tại Lào

Công tác lập pháp là điểm nhấn quan trọng trong năm 2024