Bộ Công Thương thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025
Văn bản chỉ đạo - điều hành 30/12/2024 16:09
Bộ Công Thương họp rà soát, điều chỉnh Quy hoạch điện VIII Bộ Công Thương bổ nhiệm Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ trưởng Bộ Công Thương dự lễ kỷ niệm 30 năm Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia |
Đơn giản thủ tục hành chính, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp
Triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Công điện số 137/CT-TTg ngày 20/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025, Bộ Công Thương vừa có công văn số 10651/BCT-KHTC, yêu cầu các đơn vị khẩn trương tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị trực thuộc kiên quyết cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục hành chính, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Ảnh minh hoạ |
Cụ thể, Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ thực hiện quyết liệt, hiệu quả Kết luận số 97-KL ngày 5/20/2024 của Ban Chấp hành Trung ương về kinh tế - xã hội năm 2024-2025, các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư… Nghị quyết số 158/2025/QH15 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về các chủ trương, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và giai đoạn 2021-2025.
Cùng với đó, tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực, kiểm tra, giám sát theo phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”. Kiên quyết cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp.
Triển khai kịp thời, hiệu quả các luật, nghị quyết đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 để các quy định mới đi vào thực tiễn nhanh nhất. Cùng với đó, tiếp tục rà soát các quy định tại các luật không còn phù hợp, vướng mắc, chồng chéo hoặc chưa đầy đủ (nếu có) để trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường tháng 2/2025.
Tại công văn 10651/BCT-KHTC, Bộ Công Thương cũng giao nhiệm vụ cho Vụ Thị trường trong nước; Cục Xúc tiến thương mại, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số thực hiện hiệu quả các giải pháp kích cầu tiêu dùng trên từng địa bàn và phạm vi cả nước, đẩy mạnh Cuôc vận động “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”, Chương trình OCOP, thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến.
Cùng với đó, tăng cường tổ chức các chương trình khuyến mại tập trung, thúc đẩy sản xuất, bảo đảm cung ứng đầu đủ nhu cầu, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn cung, nhất là đối với các hàng hoá thiết yếu, gắn kết giữa sản xuất, phân phối và tiêu dùng.
Tăng cường xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu
Bộ Công Thương giao nhiệm vụ cho Cục Xúc tiến thương mại; Cục Phòng vệ thương mại; Cục Xuất nhập khẩu và các Vụ Thị trường nước ngoài tăng cường xúc tiến thương mại, đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao.
Tận dụng hiệu quả 17 Hiệp định Thương mại tự do đã ký và đàm phán các Hiệp định Thương mại tự do mới. Mở rộng khai thác hiệu quả thị trường mới, nhất là thị trường Halal, Trung Đông, Mỹ La tinh, châu Phi. Hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn mới của thị trường xuất khẩu; nâng cao năng lực phòng vệ thương mại, phòng chống gian lận xuất xứ hàng hoá; chú trọng cung cấp thông tin thị trường và hỗ trợ pháp lý trong thương mại, đầu tư quốc tế.
Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo; Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp; Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững; Vụ Khoa học và Công nghệ khẩn trương triển khai nhiệm vụ, kết luận của cấp có thẩm quyền về tái cơ cấu khởi động dự án nhà máy điện hạt nhân. Chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, quyết liệt thực hiện các cam kết tại COP26; thực hiện chuyển dịch năng lượng từ các nguồn năng lượng hoá thạch sang các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, nhằm thực thi cam kết về giảm phát thải tại COP26.
Vụ Kế hoạch - Tài chính tập trung đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2025, nhất là các dự án quan trọng, công trình quan trọng quốc gia, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, tăng cường hợp tác công-tư.
Đề cao trách nhiệm người đứng đầu, khắc phục hạn chế, bất cập, quyết liệt tháo gỡ khó khăn vướng mắc đối với từng dự án. Có chế tài xử lý nghiêm, kịp thời đối với các hành vi tham nhũng, tiêu cực, gây cản trở, làm chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Tập trung xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030; bố trí vốn tập trung, trọng tâm trọng điểm, kiên quyết không dàn trải, manh mún đề xuất lãnh đạo bộ phê duyệt, bố trí triển khai công tác chuẩn bị đầu tư các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm.
Công văn 10651/BCT-KHTC của Bộ Công Thương cũng yêu cầu Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Công Thương) chủ trì, phối hợp với các đơn vị tập trung thực hiện quyết liệt việc sắp xếp tổ chức bộ máy “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chủ trương, định hướng của Trung ương và Chính phủ, bảo đảm tiến độ và chất lượng theo yêu cầu. |
Chi tiết công văn xem tại đây!