Thủ tướng Hun Sen: Campuchia muốn tham gia chuỗi liên kết sản xuất với Việt Nam
Phát biểu tại Diễn đàn xúc tiến đầu tư và thương mại Việt Nam – Campuchia, Thủ tướng Hun Sen đánh giá Việt Nam đã thành công trong thu hút đầu tư nước ngoài với nhiều dự án lớn của Samsung, Foxconn… và Campuchia mong muốn tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất với Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Vương quốc Campuchia Samdech Techo Hun Sen tại Diễn đàn xúc tiến đầu tư và thương mại Việt Nam – Campuchia |
Về phần mình, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh cần tăng cường tính kết nối, bổ trợ giữa hai nền kinh tế để nâng cao năng lực nội tại, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ ở mỗi nước. Thủ tướng cũng đề nghị các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường và mở rộng đầu tư hơn nữa sang Campuchia.
Chiều ngày 8/11, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Campuchia, tại Thủ đô Phnom Penh, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Vương quốc Campuchia Samdech Techo Hun Sen đã dự Diễn đàn xúc tiến đầu tư và thương mại Việt Nam – Campuchia.
Diễn đàn do Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Công Thương Việt Nam phối hợp với Hội đồng Phát triển và Bộ Thương mại Campuchia tổ chức.
Diễn đàn do Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Công Thương Việt Nam phối hợp với Hội đồng Phát triển và Bộ Thương mại Campuchia tổ chức |
Tại Diễn đàn, các đại biểu đánh giá kết quả đã đạt được, những hạn chế trong hợp tác đầu tư - thương mại giữa Việt Nam và Campuchia; giới thiệu cơ chế, chính sách liên quan đến thu hút đầu tư nước ngoài của Campuchia; định hướng và giải pháp mới trong hợp tác đầu tư giữa hai nước; giải đáp vấn đề liên quan đến cơ chế chính sách cho các nhà đầu tư và các khó khăn của doanh nghiệp đang đầu tư, kinh doanh thương mại tại Campuchia.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã phát biểu chỉ đạo một số nội dung cốt lõi và nêu thông điệp về định hướng hợp tác đầu tư trong thời gian tới, tạo xung lực mới để các doanh nghiệp sớm nắm bắt được cơ hội, nhanh chóng hiện thực hóa các dự án tiềm năng trong hợp tác đầu tư giữa hai nước.
Những dấu ấn quan trọng trong hợp tác kinh tế - thương mại
Theo báo cáo của các bộ, ngành, doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và các ý kiến phát biểu của các đại biểu tại Diễn đàn, mặc dù tình hình thế giới thời gian qua có nhiều biến động phức tạp, khó lường, tác động tiêu cực đến cả hai nước, song hợp tác về đầu tư, thương mại giữa hai bên không ngừng phát triển và đạt được nhiều dấu ấn quan trọng.
Đến nay, vốn đầu tư của Việt Nam đăng ký sang Campuchia đạt trên 2,93 tỷ USD. Campuchia luôn duy trì vị trí thứ 2 trong 78 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam. Việt Nam cũng tiếp tục giữ vững vị trí đứng đầu ASEAN và trong top 5 nước đầu tư trực tiếp lớn nhất vào Campuchia.
Nhiều dự án của các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động kinh doanh tốt, đóng góp tích cực nhiều mặt cho kinh tế - xã hội Campuchia trong nhiều lĩnh vực; đồng thời tạo việc làm cho hàng vạn lao động, tạo thu nhập, cải thiện đời sống, bổ sung nguồn thu cho ngân sách nhà nước Campuchia.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Vương quốc Campuchia Samdech Techo Hun Sen nghe báo cáo tại Diễn đàn |
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đã tham gia tài trợ cho cộng đồng gần 100 triệu USD để xây dựng trường học, bệnh xá, đường, nhà tái định cư... cho người dân vùng dự án, góp phần củng cố mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp và hợp tác toàn diện giữa hai nước.
Hiện Campuchia đã có 28 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký hơn 70 triệu USD. Các dự án đang triển khai và có đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của mỗi nước cũng như góp phần thúc đẩy nâng tầm quan hệ hai nước.
Hợp tác thương mại giữa hai nước thời gian qua đạt kết quả ấn tượng. Việt Nam hiện là một trong ba đối tác thương mại lớn nhất của Campuchia. Năm 2021, tổng kim ngạch thương mại Việt Nam - Campuchia đạt 9,54 tỷ USD (tăng 79,1% so với năm 2020), 9 tháng đầu năm 2022 đạt 8,45 tỷ USD (tăng 16,7% so với cùng kỳ năm 2021) và có khả năng sẽ vượt mốc 10 tỷ USD trong năm 2022.
Hai bên đã dần đạt mức cân bằng về xuất nhập khẩu với các mặt hàng mang tính bổ trợ cho nhau. Trong đó, xuất khẩu của Campuchia sang Việt Nam đã tăng mạnh trong thời gian qua. Kết quả nêu trên vừa thể hiện tính tích cực của thương mại song phương, vừa thể hiện sự phát triển không ngừng về năng lực sản xuất của Campuchia.
Đề nghị doanh nghiệp Việt Nam mở rộng đầu tư sang Campuchia
Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương và đánh giá cao doanh nghiệp hai nước về những nỗ lực vượt bậc trong khắc phục khó khăn, vượt qua thử thách thời gian qua, đặc biệt là sự ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch COVID-19, tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh và đạt được những kết quả tích cực, đóng góp quan trọng vào củng cố và phát triển mối quan hệ hợp tác bền chặt giữa Việt Nam và Campuchia.
Thủ tướng Phạm Minh Chính vui mừng nhận thấy sự lạc quan và triển vọng trong hợp tác đầu tư, thương mại hai nước |
Thủ tướng cho biết, sau hơn 35 năm đổi mới, mở cửa và hội nhập, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Quy mô nền kinh tế đạt gần 400 tỷ USD; thu nhập bình quân đầu người hơn 3.700 USD năm 2021; quy mô thương mại đạt 670 tỷ USD năm 2021, thuộc nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế. Việt Nam đã ký kết 15 hiệp định thương mại tự do với trên 60 nước, vùng lãnh thổ, trong đó có những thị trường lớn nhất trên thế giới.
Trong 10 tháng đầu năm 2022, Việt Nam giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn (về thu – chi, xuất – nhập khẩu, lương thực – thực phẩm, năng lượng, cung cầu lao động), có trên 178 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, vốn FDI thực hiện đạt trên 16 tỷ USD.
Việt Nam thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn bè tốt, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; quyết tâm xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, đủ sức chống chịu với những biến động bên ngoài và tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, chủ động, thực chất, hiệu quả; lấy nội lực là cơ bản, quyết định lâu dài, ngoại lực là quan trọng, đột phá, trong đó xác định con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực và là nguồn lực phát triển, không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường và mở rộng đầu tư hơn nữa sang Campuchia |
Thủ tướng cho rằng, trong giai đoạn phát triển mới, tình hình thế giới và khu vực dự báo có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, tiếp tục tác động tới hoạt động của các doanh nghiệp hai nước. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp cần đổi mới tư duy, quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, "biến nguy thành cơ", đề ra những giải pháp quyết liệt hơn, hiệu quả hơn để tiếp tục phát triển, tạo đột phá trong hợp tác đầu tư, thương mại giữa hai nước.
Qua Diễn đàn, Thủ tướng vui mừng nhận thấy sự lạc quan và triển vọng trong hợp tác đầu tư, thương mại hai nước; đánh giá cao và nhất trí với các ý kiến của các đại biểu, đồng thời nhấn mạnh, về chiến lược, cần tăng cường tính kết nối, bổ trợ giữa hai nền kinh tế Việt Nam và Campuchia, trọng tâm là thể chế, tài chính, hạ tầng giao thông vận tải, năng lượng điện, viễn thông, du lịch,… để nâng cao năng lực nội tại nhằm xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ ở mỗi nước; đồng thời chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; sớm rút ngắn khoảng cách phát triển với các nước trong khu vực; xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng vì sự ấm no, hạnh phúc của nhân dân mỗi nước.
Thủ tướng cho biết tại hội đàm, hai Thủ tướng đã trao đổi về các biện pháp tăng cường kết nối hai nền kinh tế. Hiện Việt Nam đang triển khai xây dựng tuyến đường cao tốc từ Sóc Trăng (cảng Trần Đề) tới An Giang, từ TPHCM với Tây Ninh, cả hai tuyến này đều kết nối tới các cửa khẩu với Campuchia và một số tuyến đường khác…; đồng thời tiếp tục nghiên cứu xây dựng các tuyến đường sắt và các loại hình giao thông khác để kết nối liên vùng, liên quốc gia.
Thủ tướng cũng đề nghị hai bên thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ lẫn nhau về xây dựng chính sách giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo sự hấp dẫn, sức cạnh tranh cao hơn trong khu vực để cùng nhau xúc tiến, thu hút đầu tư nước ngoài có chất lượng, phát triển kinh tế-xã hội bền vững.
Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh và phát huy hiệu quả, thực chất cơ chế hợp tác Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam-Campuchia; thúc đẩy việc triển khai các thỏa thuận đã ký kết; tham mưu kịp thời, hiệu quả trong định hướng hợp tác cũng như xử lý hoặc phối hợp xử lý các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn. Tích cực đẩy nhanh việc thực hiện Khung thỏa thuận về kết nối hai nền kinh tế Việt Nam - Campuchia đến năm 2030; khẩn trương hoàn thành Đề án "Xây dựng quy hoạch kết nối hai nền kinh tế".
Thủ tướng đề nghị các nhà đầu tư, các doanh nghiệp Việt Nam và Campuchia tập trung nguồn lực, đẩy nhanh việc thực hiện các dự án đầu tư, bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng; chấp hành nghiêm pháp luật hai nước; đồng thời nêu cao trách nhiệm xã hội đối với cộng đồng, tạo việc làm và thu nhập ổn định, bảo vệ môi trường và thực hiện chính sách an sinh xã hội, góp phần vào sự phát triển, thịnh vượng của hai nước.
Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường và mở rộng đầu tư hơn nữa sang Campuchia. Cộng đồng doanh nghiệp không chỉ là chủ thể của tiến trình hợp tác, mà cần đóng vai trò chủ động khởi xướng các ý tưởng mới, động lực mới trong hợp tác thương mại, đầu tư, làm phong phú hơn mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước.
Nhân dịp này, với tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", một lần nữa Thủ tướng khẳng định Việt Nam luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất để thúc đẩy các doanh nghiệp hai nước hợp tác đầu tư kinh doanh hiệu quả. Chính phủ Việt Nam đã ban hành chính sách khuyến khích phát triển kinh tế đối ngoại vùng viên giới Việt Nam - Campuchia, trong đó có các chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư vào Việt Nam và vào Campuchia. Luật Đầu tư 2020 với các thủ tục, điều kiện ngày càng đơn giản hơn, rõ ràng hơn, minh bạch hơn và thông thoáng hơn cho nhà đầu tư vào Việt Nam và đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài. Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành liên quan của Việt Nam tổ chức triển khai thật tốt các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đối với doanh nghiệp hai nước.
Thủ tướng đánh giá cao môi trường đầu tư kinh doanh của Campuchia đang được cải thiện tích cực thông qua việc ban hành Luật Đầu tư mới và Luật Đặc khu kinh tế. Cùng với đó, Campuchia đã ban hành chính sách mới về lao động nước ngoài, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Việt Nam.
Nhân dịp này, thay mặt Chính phủ Việt Nam, Thủ tướng trân trọng cảm ơn và mong muốn Chính phủ Hoàng gia Campuchia, cá nhân Samdech Techo Thủ tướng Hun Sen và các bộ, ngành của Campuchia tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho một số doanh nghiệp Việt Nam thời gian qua, trong đó có những ý kiến đã nêu tại Diễn đàn, khuyến khích, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp hai nước trong hoạt động hợp tác đầu tư, thương mại trong thời gian tới.
Thủ tướng nhấn mạnh, cùng uống chung dòng nước sông Mekong, Việt Nam và Campuchia có mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp và hợp tác toàn diện. Đây là tài sản vô giá của Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước. Mỗi người đều có trách nhiệm gìn giữ, vun đắp cho mối quan hệ này "đơm hoa kết trái"; mỗi dự án, công trình đầu tư của doanh nghiệp hai nước không chỉ thể hiện sự hợp tác đơn thuần mà còn là nỗ lực đóng góp tích cực cho tình hữu nghị, đoàn kết Việt Nam - Campuchia.
Quan hệ Việt Nam – Campuchia không thay đổi dù thế giới biến động
Về phần mình, Thủ tướng Hun Sen nhấn mạnh Việt Nam - Campuchia có quan hệ tốt đẹp từ lâu đời giữa lãnh đạo cấp cao và nhân dân hai nước dựa trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau và ủng hộ, hỗ trợ nhau phát triển kinh tế.
Thủ tướng Hun Sen chúc mừng thành công của Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài với nhiều công ty lớn như Samsung, Foxconn – nhà cung cấp lớn của Apple |
Thời gian qua, Việt Nam và Campuchia đều được quốc tế xếp hạng cao về tỉ lệ tiêm chủng phòng COVID-19 và chỉ số phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Thủ tướng Hun Sen đánh giá cao các biện pháp của Việt Nam trong phòng chống dịch, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, giúp nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng với tốc độ cao.
Những tháng đầu năm 2022, Việt Nam là một trong những nước có số khách du lịch đông nhất tới Campuchia, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ và dự kiến khách du lịch hai nước sẽ tăng hơn nữa nếu hai bên tăng cường kết nối và quảng bá du lịch.
Thủ tướng Hun Sen thông báo về các biện pháp của Chính phủ Hoàng gia Campuchia trong đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, phát triển công nghiệp, đang xây dựng sân bay quốc tế mới tại Phnom Penh và Siem Reap…
Thủ tướng Hun Sen nhấn mạnh, dù tình hình chính trị và kinh tế thế giới biến động phức tạp thì điều rõ ràng là chúng ta có thể tin tưởng rằng mối quan hệ giữa hai nước Việt Nam – Campuchia không bao giờ thay đổi, mãi tốt đẹp và luôn bổ trợ lẫn nhau.
Ông lấy ví dụ, lãnh đạo hai nước đã từng đề ra mục tiêu kim ngạch thương mại song phương 5 tỷ USD và đại dịch COVID-19 đã gây khó khăn cho mục tiêu này. Thế nhưng bất chấp dịch COVID-19 bùng phát, kim ngạch thương mại vẫn tăng mạnh và đạt 10 tỷ USD vào năm 2021, chứng tỏ sự bổ trợ lẫn nhau giữa hai nền kinh tế.
Thủ tướng Hun Sen chúc mừng thành công của Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài với nhiều công ty lớn như Samsung, Foxconn – nhà cung cấp lớn của Apple và cho biết Campuchia mong muốn tham gia chuỗi liên kết sản xuất với Việt Nam, có thêm các dự án hợp tác đầu tư với Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực điện tử và ô tô…
Chia sẻ quan điểm của Thủ tướng Phạm Minh Chính về kết nối kinh tế, Thủ tướng Hun Sen cho biết Chính phủ hai nước đang nỗ lực để tăng cường hợp tác kinh tế bằng việc thúc đẩy kết nối hạ tầng cả cứng và mềm ngày càng tốt hơn, thúc đẩy dòng chảy thương mại và đầu tư… Ông kêu gọi các doanh nghiệp Việt Nam tìm hiểu về tiềm năng, cơ hội và tăng cường hợp tác đầu tư, thương mại với phía Campuchia; khẳng định bảo đảm môi trường thuận lợi cho các hoạt động đầu tư.
hủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng Thủ tướng Vương quốc Campuchia Samdech Techo Hun Sen tham quan một số gian hàng giới thiệu về sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Campuchia |
Trước khi dự Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng Thủ tướng Vương quốc Campuchia Samdech Techo Hun Sen đã tham quan trưng bày ảnh giới thiệu đất nước, con người và quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện Việt Nam – Campuchia do Thông tấn xã Việt Nam và Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam phối hợp thực hiện./.