Thu hút đầu tư FDI: Long An giữ ngôi vị quán quân
Giữ vị trí quán quân trong thu hút đầu tư
Đầu tháng 11/2021, UBND tỉnh Long An đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 2 dự án của nhà đầu tư nước ngoài. Đó là dự án Công ty cổ phần Dược phẩm 3/2 tại Khu công nghiệp (KCN) Long Hậu 3 (giai đoạn 1) với phần vốn góp của nhà đầu tư Nhật Bản trị giá 35 triệu USD và dự án Công ty TNHH Lotte Eco Logis của nhà đầu tư Hàn Quốc tại KCN Phú An Thạnh với tổng vốn đầu tư gần 13,5 triệu USD. Mặc dù, đây không phải là những dự án FDI có quy mô vốn trị giá hàng tỷ USD song theo UBND tỉnh Long An điểm đặc biệt của đợt trao giấy chứng nhận đầu tư lần này là có dự được cấp giấy chứng nhận đầu tư chỉ trong vòng 1 ngày kể từ thời điểm nộp hồ sơ đăng ký đầu tư.
Các KCN trên địa bàn tỉnh Long An sẵn sàng hạ tầng thu hút các nhà đầu tư |
Cũng trước đó, trong tháng 10/2021 ngay sau khi trở về trạng thái bình thường mới sau thời gian dài thực hiện giãn cách phòng chống dịch tại nhiều tỉnh thành phía Nam mà Long An cũng là điểm nóng, Long An cũng trao giấy chứng nhận cho 4 dự án FDI với tổng vốn đầu tư trị giá gần 70 triệu USD. Đó là dự án trong lĩnh vực logistics của Tập đoàn Daiwahouse (Nhật Bản) với vốn đầu tư hơn 29,9 triệu USD; dự án sản xuất sợi và dệt vải có quy mô 20 triệu USD của nhà đầu tư đến từ Trung Quốc và 2 dự án cùng của nhà đầu tư Singapore trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng và sản xuất màng nhựa với quy mô đầu tư gần 20 triệu USD.
Đáng chú ý, một trong những dự án FDI đặc biệt quan trọng được tỉnh cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong năm 2021 này là dự án Điện khí LNG Long An I và II do VinaCapital GS Energy Pte.Ltd (Singapore) đầu tư. Dự án có diện tích khoảng 90ha trên địa bàn huyện Cần Giuộc, bao gồm 2 nhà máy tua bin khí chu trình hỗn hợp, công suất 2 nhà máy lên đến 3.000MW, vốn đăng ký đầu tư lên tới 3,1 tỷ USD.
Nhờ loạt dự án đầu tư nói trên Long An tiếp tục duy trì vị trí “quán quân” trong thu hút FDI của cả nước với tổng vốn đầu tư đăng ký tính đến cuối tháng 11/2021 đạt 3,76 tỷ USD, chiếm 14,2% tổng vốn đầu tư FDI đăng ký cả nước.
Giữa lúc Covid-19 diễn biến phức tạp và gây nhiều hệ lụy cho nền kinh tế, kết quả thu hút FDI của tỉnh Long An ghi nhận kết quả rất tích cực. Điều này cho thấy hiệu quả từ việc thực hiện tốt công tác xúc tiến, tiếp nhận đầu tư theo hình thức phù hợp ngay trong đại dịch để tạo tiền đề cho sự phát triển bứt phá khi dịch bệnh được kiểm soát. Đây cũng là minh chứng về lời cam kết mạnh mẽ của địa phương trong việc luôn nỗ lực đồng hành, tạo thuận lợi nhất với các DN chọn Long An đầu tư, nhất là sau đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4- ông Nguyễn Văn Được - Bí thư tỉnh ủy Long An đánh giá.
Sẽ tiếp tục bứt phá trong thu hút đầu tư
Hiện Long An có khoảng 40 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư trên địa bàn tỉnh, trong đó đứng đầu là Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Thái Lan… Các lĩnh vực thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn là năng lượng, dệt may, da giày, công nghiệp chế biến thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản; chế biến thực phẩm, đồ uống; công nghiệp chế tạo…
Trong bối cảnh nhiều DN, trong đó có các DN nước ngoài phải giảm công suất, dừng hoạt động hay thậm chí chuyển một phần đơn hàng ra nước ngoài do đứt gãy chuỗi cung ứng, Long An đã chủ động, kịp thời tháo gỡ, giải quyết khó khăn cho DN. Long An chủ động đảm bảo nguyên tắc “nhanh nhất - hiệu quả nhất” nhằm giảm thiệt hại, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN.
Ông Kang Myongil- Tổng Lãnh sự Hàn Quốc tại TP. Hồ Chí Minh đánh giá trong bối cảnh phục hồi sản xuất kinh doanh sau dịch bệnh, Long An cần nới lỏng quy định cách ly y tế để hỗ trợ chuyên gia, nhà đầu tư đến Long An làm việc. Về dài hạn, Long An cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực… để đáp ứng nhu cầu hợp tác đầu tư lâu dài của nhà đầu tư nước ngoài tại địa phương.
Theo ông Nguyễn Thành Thanh - Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Long An, hiện tỉnh đã ban hành kế hoạch phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN trên địa bàn, cho phép DN tự xây dựng phương án sản xuất phù hợp với điều kiện của đơn vị mình và đẩy mạnh hỗ trợ DN giai đoạn hậu Covid-19… Ngoài ra, tính đến nay toàn tỉnh hiện 16 khu công nghiệp (KCN) đã đi vào hoạt động với tổng diện tích quy hoạch gần 3.800 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 89,55%. Các KCN này hiện còn 306 ha đất sạch chưa cho thuê. 7 KCN khác hiện đang thực hiện xây dựng hạ tầng kỹ thuật và đủ điều kiện tiếp nhận nhà đầu tư thứ cấp với diện tích khoảng 290 ha. Đây là những điều kiện thuận lợi để Long An thu hút các nhà đầu tư.
Long An được dự báo sẽ đón nhận nhiều hơn nữa vốn FDI trong thời gian tới, trong đó có việc nhiều DN FDI sẽ mở rộng sản xuất, kinh doanh tại Long An. Tỉnh phấn đấu trở thành địa phương đứng đầu các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long và là tỉnh phát triển khá trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.