Thị trường xuất khẩu nhựa sẽ thay đổi
Công nhân đang làm việc tại một nhà máy sản xuất bao bì ở TPHCM.
- Theo bà Huỳnh Thị Mỹ, Tổng thư ký Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA), thị trường Trung Quốc mới vượt lên, thay thế Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam từ năm 2013. Thị trường Trung Quốc tuy tăng trưởng tốt nhưng chỉ mới trong thời gian gần đây, chứ đây không hẳn là xu hướng bền vững.
Theo bà Mỹ, nguyên nhân Trung Quốc có thể “vượt” thị trường Mỹ là do sản phẩm bao bì nhựa xuất khẩu sang Mỹ vẫn bị đánh thuế chống bán phá giá. Chưa kể, “qua quan sát của chúng tôi, nhiều khả năng các doanh nghiệp nhựa Trung Quốc sang Việt Nam làm rồi xuất khẩu ngược về nước họ cũng góp phần làm tăng xuất khẩu vào thị trường này”, bà nói.
Trong khi đó, thị trường Mỹ, mặc dù rơi xuống vị trí sau Trung Quốc, nhưng được các doanh nghiệp kỳ vọng sẽ tăng trưởng trở lại.
Ông Trần Việt Anh, Tổng giám đốc công ty Nam Thái Sơn chuyên về xuất khẩu nhựa cho biết các doanh nghiệp xuất khẩu cũng đang rất kỳ vọng thị trường Mỹ “mở cửa” trở lại trong tương lai gần.
Năm 2014 là năm Mỹ áp dụng thủ tục “rà soát hoàng hôn” (sunset review) kết thúc chu kỳ áp thuế chống bán phá giá 5 năm qua đối với mặt hàng túi nhựa PE Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ kể từ năm 2009. Với “Rà soát hoàng hôn”, Mỹ sẽ xem xét lại việc có, hoặc không, chấm dứt việc áp thuế chống bán giá nói trên từ thị trường Việt Nam. Nếu Mỹ dỡ bỏ thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm nhựa Việt Nam, xuất khẩu nhựa sang Mỹ, đặc biệt là bao bì nhựa, sẽ tăng mạnh trở lại và cơ cấu thị trường xuất khẩu năm 2014 sẽ bị xáo trộn.
Theo ước tính của ông Việt Anh, nhu cầu nhập khẩu của thị trường Mỹ lớn hơn Nhật, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, nhiều lần và mức độ “dễ chịu” của khách hàng đối với chất lượng của sản phẩm cũng cao hơn. Thị trường này trong vốn chiếm đến 40% kim ngạch xuất khẩu bao bì nhựa PE, trị giá 79 triệu đô la Mỹ/năm, đã bị “đóng cửa” từ năm 2009 sau khi Bộ Thương mại Mỹ áp thuế chống bán phá giá.
Năm 2013, thị trường Trung Quốc đã vươn lên trở thành thị trường nhập khẩu sản phẩm nhựa đứng hàng thứ 2, với tổng kim ngạch năm 2013 ước đạt 279 triệu đô la Mỹ, chiếm tỷ trọng 14% tổng giá trị xuất khẩu của ngành nhựa. Theo VPA, nguyên nhân xuất khẩu nhựa sang Trung Quốc tăng trưởng như vậy (12,8%) là do chi phí sản xuất của Trung Quốc đang tăng mạnh, sản phẩm của họ không còn rẻ nữa mà đã trở nên cân bằng với sản phẩm của Việt Nam. Các sản phẩm nhựa xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu là đồ dùng nhà bếp, xây dựng, nắp nút nhựa, tấm phiến màng nhựa và phế liệu. Dự báo năm 2014, tăng trưởng của thị trường này ở mức 14-16%.
Trong khi đó, xuất khẩu sang thị trường Mỹ năm 2013 chỉ đạt 175 triệu đô la Mỹ, tức chỉ chiếm 8,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành nhựa, đứng thứ 3 trong các thị trường xuất khẩu nhựa của Việt Nam.
Theo VPA, ngoại trừ “yếu tố Trung Quốc” còn cần tiếp tục theo dõi, các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vẫn tiếp tục là Mỹ, Nhật, EU.
Năm 2013, tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành nhựa đạt hơn 2,2 tỉ đô la Mỹ, xuất khẩu sang 151 thị trường khắp thế giới; trong đó Nhật Bản là thị trường lớn nhất với giá trị ước đạt 400 triệu đô la Mỹ, sau đó lần lượt là Trung Quốc, Mỹ, Indonesia, Đức…
Theo Kinh Tế Sài Gòn