Thị trường Lào Cai năm 2021: Bình ổn trong đại dịch
Đánh giá tình hình thị trường Lào Cai, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Lào Cai, cho biết, trong năm 2021, đại dịch Covid - 19 diễn biến phức tạp đã khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn gặp nhiều khó khăn, nhiều cơ sở kinh doanh phải tạm ngừng hoạt động. Tuy nhiên, tình hình thị trường, giá cả hàng hóa tại Lào Cai cơ bản vẫn giữ được ổn định, không xảy ra các điểm nóng, tụ điểm nổi cộm về buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại, đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý... Cung cầu hàng hóa, đặc biệt là nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu tại Lào Cai vẫn đáp ứng đầy đủ nhu cầu thị trường, hàng hóa đảm bảo về chất lượng, điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, nhãn hàng hoá, nguồn gốc xuất xứ theo quy định...
Tuy nhiên, lợi dụng giãn cách xã hội, hạn chế đi lại phòng chống dịch Covid-19, các vụ việc trà trộn hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ trên các xe ưu tiên, xe luồng xanh để vận chuyển trái phép, hoạt động kinh doanh thông qua thương mại điện tử vi phạm pháp luật vẫn diễn ra tiềm ẩn nguy cơ phức tạp.
Thông tin với phóng viên Báo Công Thương, ông Đỗ Du Bắc - Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Lào Cai, cho biết: Trong bối cảnh đại dịch diễn biến phức tạp, để giữ ổn định thị trường, lực lượng QLTT tại Lào Cai đã tăng cường giám sát, thu thập thông tin, kiểm tra, kiểm soát, nắm tình hình thị trường, địa bàn, chủ động và phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng khác kiểm tra, xử lý các vi phạm... Năm 2021, lực lượng QLTT tại Lào Cai cũng đã bắt giữ, xử lý nhiều vụ việc có tính chất nhỏ lẻ về buôn bán, vận chuyển hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm... (chủ yếu là thực phẩm, bánh kẹo, đồ gia dụng, quần áo, giày dép, túi ví, đồ chơi trẻ em, mỹ phẩm...).
Quản lý thị trường Lào Cai xử lý hàng hóa vi phạm |
Thống kê cho thấy, trong năm 2021, Cục QLTT tỉnh tỉnh Lào Cai đã thực hiện tổng cộng 1.373 lượt/vụ kiểm tra (tăng 4% so với năm 2020), phát hiện và xử lý 449 vụ vi phạm pháp luật, với tổng giá trị xử lý trên 5,5 tỷ đồng (tăng 12,2% so với 2020), trị giá hàng hóa vi phạm ước tính khoảng trên 3,5 tỷ đồng (tăng 5,8% so với năm 2020), thu vào ngân sách nhà nước trên 9,3 tỷ đồng (trong đó riêng bán đấu giá tang vật vi phạm hành chính bị tịch thu tại kho hàng số 145 đường Hoàng Diệu, thành phố Lào Cai trong năm 2020 là 6,8 tỷ đồng).
Để thực hiện nhiệm vụ kiểm soát thị trường, năm 2021 Cục QLTT Lào Cai đã ban hành trên 300 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về nghiệp vụ...; xây dựng và triển khai thực hiện 09 kế hoạch công tác và các chuyên đề kiểm tra, kiểm soát thị trường, rà soát, nắm bắt tình hình địa bàn, đấu tranh ngăn chặn, xử lý buôn bán hàng lậu, hàng cấm, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, kinh doanh thông qua giao dịch thương mại điện tử (mạng xã hội facebook, zalo...)... Đồng thời, tham mưu cho UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Lào Cai ban hành 5 kế hoạch và trên 30 văn bản chỉ đạo các cơ quan đơn vị và các lực lượng chức năng là thành viên của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh triển khai thực hiện các kế hoạch, nhiệm vụ, giải pháp đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả... trên địa bàn. Nhờ vậy, đã góp phần tích cực vào việc giữ ổn định thị trường hàng hóa, giá cả cũng như phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả… trên địa bàn.
Năm 2022, Chính phủ đã từng bước mở cửa nền kinh tế để khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, dự báo tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng giả mạo xuất xứ Việt Nam, hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm... trên địa bàn có thể sẽ phát sinh có những diễn biến có yếu tố phức tạp. Lãnh đạo Cục QLTT tỉnh Lào Cai, cho biết, đơn vị sẽ tập trung mạnh kiểm tra các nhóm hàng hóa, dịch vụ liên quan thực phẩm, hàng hóa kinh doanh có điều kiện. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thông qua giao dịch qua thương mại điện tử. Tiếp tục giám sát hoạt động của các đối tượng đã được kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các vi phạm. Kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh tại các chợ phiên, vùng sâu, vùng xa để kịp thời ngăn chặn sản xuất và kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng quá hạn sử dụng, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, vật tư y tế phòng chống dịch Covid-19, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.
Chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, bình ổn thị trường, giá cả. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát vận chuyển, tiêu thụ lợn và sản phẩm từ lợn, ngăn chặn các hành vi đầu cơ, găm hàng, định giá bất hợp lý đối với mặt hàng thịt lợn, hàng hóa thiết yếu. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào việc thu thập thông tin, kiểm tra, xác minh, xử lý các vi phạm. Tiếp tục triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật bằng nhiều hình thức, nội dung phong phú, đa dạng hơn.
Đồng thời, tham mưu cho UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh chỉ đạo triển khai kịp thời, hiệu quả các kế hoạch chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn năm 2022; chỉ đạo tăng cường giám sát, kiểm tra, xử lý các điểm tập kết, tụ điểm, phương tiện vận chuyển hàng hóa nhập lậu vào nội địa; chỉ đạo các đơn vị thành viên 389 phối hợp chia sẻ thông tin kịp thời trong phổi hợp kiểm tra, kiểm soát, nắm bắt tình hình địa bàn, phương thức thủ đoạn buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán vận chuyển hàng giả... để ngăn chặn, xử lý vi phạm.