Thị trường bán lẻ hấp dẫn nhà đầu tư Nhật Bản
Theo ông Takeo Nakajama – Trưởng đại diện Cơ quan Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội, xu hướng đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam đang dần có sự thay đổi. Họ không chỉ tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo mà còn hướng vào hoạt động kinh doanh bán lẻ tại thị trường nội địa, nhằm tận dụng cơ hội thị trường gần 100 triệu dân và tầng lớp trung lưu đang tăng lên nhanh chóng.
Tờ Nikkei Asia trước đó cũng có bài phân tích về chiến lược đầu tư ra nước ngoài của các tập đoàn bán lẻ Nhật Bản, trong đó khẳng định, Việt Nam là thị trường quan trọng đối với Tập đoàn AEON cũng như nhiều tập đoàn bán lẻ khác của quốc gia này. Đơn cử, AEON bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ năm 2009 dưới hình thức văn phòng đại diện. Từ nay đến năm 2025, AEON dự định mở khoảng 100 siêu thị Maxvalu tại Việt Nam, tăng mạnh so với 4 siêu thị ở khu vực Hà Nội hiện nay. AEON cũng có kế hoạch mở thêm các cửa hàng có mặt sàn trên 500m2. Được biết, công ty con của AEON là AEON Mall cũng có kế hoạch tăng từ 6 lên 16 trung tâm mua sắm tại Việt Nam từ nay đến năm 2025.
Ảnh minh họa |
Ông Soichi Okazaki - Giám đốc điều hành phụ trách kinh doanh khu vực Đông Nam Á của AEON – chia sẻ, Việt Nam là thị trường quan trọng nhất trong chiến lược ở nước ngoài của tập đoàn. Còn ông Furusawa Yasuyuki – Tổng giám đốc Công ty TNHH AEON Việt Nam - cho rằng: Với dân số trẻ cùng sự tăng trưởng của tầng lớp trung lưu, Việt Nam là một thị trường đầy tiềm năng cho lĩnh vực bán lẻ. Đó cũng là lý do, Việt Nam được nhận định là thị trường trọng yếu trong chiến lược đầu tư và phát triển của Tập đoàn AEON, bên cạnh Nhật Bản.
Ngoài AEON, Sumitomo Corp của Nhật Bản cũng hợp tác với Tập đoàn BRG Group mở rộng chuỗi siêu thị FujuMart, hiện đã có 3 cơ sở tại Hà Nội. Hay chuỗi bán lẻ thường phục nổi tiếng của Nhật Bản Uniqlo, sau hơn 2 năm có mặt tại thị trường, hiện đơn vị này đã có tới 10 cửa hàng tại Việt Nam và là đối tác thu mua của 45 nhà máy may mặc trong nước.
Về lý do tham gia vào lĩnh vực bán lẻ của Việt Nam, trong lời giới thiệu về Fujimart, đơn vị này cho biết, các số liệu kinh tế vĩ mô được công bố gần đây cho thấy, nhu cầu rất lớn của thị trường, với tốc độ tăng trưởng 2 con số. Xu hướng này sẽ tiếp tục tăng nhanh nhờ triển vọng kinh tế của Việt Nam rất tích cực, kéo theo chất lượng cuộc sống của người dân đang ngày một tốt hơn.
Đặc biệt, nhiều dự báo cũng cho rằng, ngành bán lẻ tới đây sẽ có tốc độ phục hồi mạnh mẽ nhờ vào tiến độ tiêm vắc-xin đã được phủ rộng và Việt Nam đang mở cửa trở lại tất cả các hoạt động kinh tế. Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2022 dự báo khả quan cùng những chính sách thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài ngày càng cởi mở.
Để phát triển thị trường trong nước, tháng 7/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1163/QĐ-TTg Phê duyệt Chiến lược Phát triển thương mại đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, hoàn thiện thể chế theo hướng hiện đại, tạo điều kiện phát triển thị trường trong nước theo hướng ổn định, minh bạch, cạnh tranh bình đẳng và bảo đảm quyền tự do kinh doanh của các chủ thể tham gia. Để phát triển thị trường trong nước, các bộ, ngành, trong đó Bộ Công Thương sẽ có những bước tiến nổi bật về xây dựng một môi trường kinh doanh hấp dẫn, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến phát triển thị trường trong nước. Đây chính là những tiền đề quan trọng, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài triển khai dự án tại Việt Nam.
Tầng lớp trung lưu tại Việt Nam hiện chiếm 13% tổng dân số và có thể tăng lên 26% vào năm 2026. Đây là những yếu tố quan trọng khiến thị trường bán lẻ hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài. |