Thứ tư 01/01/2025 22:47

Theo dấu chân những người thợ mỏ

Những cái nóng ngột ngạt, khó thở trong hầm sâu cũng không ngăn được bước chân phóng viên nơi đất mỏ. Họ vẫn miệt mài tác nghiệp về những người thợ mỏ.

Họ vẫn miệt mài tác nghiệp để đem đến cho độc giả những tin tức, hình ảnh chân thực nhất về công việc của những người thợ mỏ và sự phát triển từng ngày của ngành than.

Khám phá mới

Với hơn 20 năm gắn bó với nghề phóng viên đất mỏ, đến giờ anh Phạm Quốc Việt Trung (Ban Tuyên giáo Truyền Thông Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam) gần như đã đặt chân đến tất cả các khai trường, hầm lò trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Phóng viên Hoàng Yến tác nghiệp dưới hầm lò

"Mình vẫn còn nhớ y nguyên khi lần đầu tiên tác nghiệp tại Công ty Than Hòn Gai, khi mới làm nghề Báo. Sau khi được hướng dẫn thay trang phục bảo hộ lao động, đội mũ lò, đeo ủng, đèn lò, bình tự cứu thì bắt đầu đi bộ xuống lò theo đường thông gió nghiêng khoảng 15 độ, qua các đường lò tối, sâu hun hút, gió mạnh. Qua ánh đèn lò trên mũ có thể thấy bụi than nhỏ li ti bay cả vào mặt. Vì là lần đầu đi lò nên cảm giác vừa háo hức, khám phá, tìm hiểu vừa có phần lo lắng, luôn phải cố gắng quan sát trên, dưới đường lò vì lò hẹp, dốc, khó đi, có đoạn chỉ vừa 1 người và phải lách qua mới đi được"- Anh Trung chia sẻ.

Anh Trung cho biết, trong lò việc đi lại rất khó khăn, nếu không quan sát, không bám theo đoàn dễ tai nạn như vấp ngã, va đầu vào thành lò..., khi xuống sâu trên -100m so với mực nước biển thì độ ẩm cao, nóng, máy ảnh bị ẩm không hoạt động được, thường xuyên phải dùng khăn lau ống kính bị hơi nước xong cũng chỉ chụp được hơn 10 kiểu và chỉ lấy được 1-2 cũng không được như ý. Do lần đầu nên đã bước vào giữa lò là hệ thống máng trượt rất trơn, nên anh đã bị trơn ngã và trôi 1 đoạn, rất may anh Giám đốc công ty đã kịp nắm tay kéo lại, mặc dù bị ngã nhưng máy ảnh vẫn phải giữ chặt để không bị va đập.

Nói về phẩm chất của một người phóng viên viết về ngành than, anh Trung cho rằng, ngoài trình độ, kỹ năng cần có là hiểu biết nhất định về sản xuất than, về công nghệ, thiết bị sản xuất, công tác đảm bảo an toàn lao động, kinh nghiệm và phải có sức khỏe. Đặc biệt, những kỹ năng cần có khi tác nghiệp dưới hầm lò như phải chuẩn bị, kiểm tra kỹ máy ảnh, đèn, thiết bị hỗ trợ trước khi xuống lò đảm bảo hoạt động tốt.

Tác nghiệp dưới lòng đất

Phóng viên ngành than đối với nam đã rất gian nan, vất vả là vậy, nhưng đối với nữ, việc tác nghiệp còn khó khăn hơn bội phần. Nữ nhà báo, biên tập viên Hoàng Yến (Phòng Chuyên đề, Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh) cũng đã có gần chục năm viết về ngành than. Mặc dù gặp hạn chế về thể lực khó có thể bằng phóng viên nam, nhưng chị Yến hãnh diện về công việc của mình bởi theo chị, không phải phóng viên nữ nào cũng được phân công phụ trách ngành than.

Chị Yến chia sẻ: Mình cảm nhận rõ sự vất vả trong từng chuyến tác nghiệp, nhất là những lần đi lò, có tháng đi 3, 4 chuyến. Mỗi chuyến có thể đi từ sáng đến chiều mới ra lò. Ăn cơm trưa lúc 15 - 16h chiều là chuyện bình thường. Chưa kể các điều kiện đi lại, tác nghiệp trong không gian chật hẹp, thiếu dưỡng khí và ánh sáng, độ ẩm cao, nếu ko có kinh nghiệm thì rất khó thực hiện.

Nhưng bù lại, sau mỗi chuyến đi thì thành quả thu được lại hoàn toàn xứng đáng. Những câu chuyện kể dưới lòng đất bao giờ cũng đặc biệt. Từ nhân vật đến bối cảnh. Đó là những chuyện kể về một ngành năng lượng quan trọng của quốc gia, mình cũng cảm thấy tự hào khi làm được việc đó.

Nhớ đợt mưa lũ lịch sử năm 2015, chị Yến cùng êkip đã xuống đến độ sâu -250 của mỏ Mông Dương, lúc đó vẫn còn đang trong quá trình xử lý ngập mỏ. Đường đi trong lò lúc đó nước vẫn ngập hơn mét, chứng kiến các đường lò bị tổn hại nghiêm trọng vì mưa bão mà thấy xót xa. Nhưng sau đó, chứng kiến những người thợ "hồi sinh" mỏ một cách thần tốc, là phóng viên được ghi lại những hình ảnh đó thấy thật sự khâm phục ý chí của thợ mỏ.

Với người làm báo, thật khó tả hết niềm vui khi được đặt chân tới những khai trường rộng lớn, hay những lò than đen óng, được hòa mình trong không khí hăng say làm việc, hay lời tâm sự, bộc bạch của những người thợ lò đã có hàng chục năm gắn bó với nghề.

Hơn tất cả, những con đường, khai trường, mỏ than mà phóng viên đã đi qua, những con người mà phóng viên đã gặp… chính là những chất liệu quý giá, chân thực để tạo ra các bài viết, chương trình có nội dung phản ánh chân thực hoạt động sản xuất cũng như cuộc sống của những người thợ mỏ tại Quảng Ninh.

Tiến Dũng
Bài viết cùng chủ đề: tỉnh Quảng Ninh