Thay đổi cơ cấu giá điện và xóa bỏ trợ cấp tiền mặt
Ảnh minh họa |
Đó là khuyến nghị tại Báo cáo về “Đảm bảo công bằng xã hội trong quá trình cải cách ngành điện Việt Nam”, do Trung tâm Phân tích và dự báo (CAF) thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam thực hiện mới đây, với sự hỗ trợ của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Đại sứ quán Anh.
Trước đây, Chính phủ đã hỗ trợ các nhóm thu nhập thấp đối phó với giá điện tăng thông qua giá điện cơ bản và hỗ trợ tiền mặt. Trong đó, hộ gia đình không tiếp cận được lưới điện quốc gia được hỗ trợ tiền mặt hàng năm cho các loại nhiên liệu thay thế điện; hộ nghèo và thu nhập thấp tiếp cận được lưới điện quốc gia được tính giá điện sinh hoạt cơ bản nếu tiêu thụ dưới 50 kwh/tháng… Ngoài ra, hộ nghèo cũng được nhận hỗ trợ tiền mặt hàng tháng là 30.000 đồng.
Tuy nhiên, từ năm 2014, Chính phủ đã bãi bỏ giá điện cơ bản, đồng thời trợ cấp hộ nghèo và hộ chính sách xã hội một khoản tiền hàng tháng tương đương với 30 kwh sử dụng đầu tiên (với điều kiện sử dụng dưới 50 kwh/tháng), điều chỉnh tăng đáng kể mức giá điện cho 50 kwh tiêu thụ đầu. Những thay đổi này đặt ra đòi hỏi nghiêm ngặt khi xác định chính xác đâu là các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ chính sách xã hội mới có thể thực thi chính sách hiệu quả, giảm thiểu sự “rò rỉ” tiền hỗ trợ từ ngân sách.
Bà Akiko Fujii - Phó Giám đốc quốc gia UNDP tại Việt Nam: Đề xuất thay đổi cơ cấu giá điện và dỡ bỏ trợ cấp tiền mặt nhằm tái định hình hệ thống tính phí sử dụng điện, tối ưu hóa phúc lợi, phân bổ lại chi phí giữa người sử dụng điện, tính phí đảm bảo bền vững về kinh tế - xã hội và môi trường, bảo trợ được người nghèo, thúc đẩy hiệu quả sử dụng năng lượng. |
Theo báo cáo của CAF, thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo sử dụng điện hiện nay đang bộc lộ những hạn chế. Chẳng hạn, có rất nhiều đối tượng yếu thế bị bỏ sót nếu họ không thuộc danh sách hộ nghèo (người di cư, hộ cận nghèo, hộ có đối tượng nhận trợ cấp xã hội, những hộ không thể chứng minh sử dụng dưới 50 kwh mỗi tháng...). Mức trợ cấp còn quá thấp, đặc biệt đối với những hộ không thể tiếp cận được lưới điện quốc gia, trong khi chi phí hành chính trợ cấp tiền mặt cao tạo gánh nặng lên người thụ hưởng. Trợ cấp tiền mặt không kịp thời, không đảm bảo hỗ trợ người gặp khó khăn, ngay cả khi đã có kế hoạch trợ cấp trong năm nhưng ngân sách cũng không được cấp một lần… Hệ thống thanh toán, báo cáo không đảm bảo được vai trò, công tác kiểm tra, rà soát chi phí hành chính có nguy cơ sai sót. Phổ biến chính sách tới các đối tượng hưởng lợi liên quan tới trợ cấp tiền mặt còn kém hiệu quả làm hạn chế mục tiêu trợ cấp, khó đạt được sự đồng thuận xã hội. Thiếu chỉ số kết quả hoặc chỉ số hoạt động để theo dõi, đánh giá việc thực hiện chính sách nên không thể phản hồi thông tin hiệu quả để điều chỉnh kịp thời.
Từ những lý do trên, CAF đề xuất, duy trì giá ưu đãi cho 30 kwh đầu tiên tiêu thụ hàng tháng với 2 lựa chọn chính sách gồm: Định một mức giá tối thiểu cho tất cả người tiêu dùng điện, dỡ bỏ trợ cấp tiền mặt; hoặc duy trì mức giá bậc thang như hiện hành đến năm 2020, đồng thời tích hợp việc hỗ trợ tiền mặt hiện nay cho các hộ nghèo sử dụng điện vào các chương trình hỗ trợ xã hội khác. Theo CAF, điều này sẽ giúp đảm bảo tất cả các hộ gia đình đều có thể tiêu dùng điện ít nhất là 30 kwh/tháng (mức thường được coi là nghèo năng lượng).
Nguồn chi chính sách vừa nêu sẽ thu thông qua tăng giá điện ở những bậc thang khác (ví dụ như 1.484 đồng cho kwh từ 31-50, 1.533 đồng cho kwh từ 51-100…). Biện pháp này giảm thiểu được tác động từ giá điện tăng tới hộ nghèo và cận nghèo, trong khi doanh thu của EVN từ khu vực dân cư vẫn không thay đổi, vẫn có thể đảm bảo mục tiêu hiệu quả tối ưu, bền vững về tài chính và môi trường, đảm bảo sự công bằng.
Đối với những hộ không được dùng điện lưới, CAF cho rằng, Chính phủ nên có chương trình trợ cấp năng lượng ở mức đảm bảo các đối tượng chính sách được tiêu dùng năng lượng thay thế tương đương với 30 kwh điện mỗi tháng.
Cần xây dựng chỉ số thực hiện chính sách để giám sát, đánh giá, thúc đẩy việc phối hợp tốt hơn giữa các bên liên quan. Đồng thời, cải thiện phương thức tuyên truyền về những thay đổi chính sách để đạt được sự đồng thuận xã hội./.