Thất thoát điện năng: Đứng đầu vẫn là nạn trộm cắp
Theo thống kê của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong năm 2018 ngành điện lực trên cả nước đã phát hiện 3.217 vụ trộm cắp điện, giảm gần 700 vụ so với năm 2017. Tổng sản lượng điện truy thu được là 130,6 triệu kWh, giá trị sản lượng điện truy thu được tương đương gần 274 tỷ đồng. Ngoài ra, EVN còn xử lý 244.860 trường hợp hư hỏng sai lệch đo đếm, vi phạm sử dụng điện, vi phạm hợp đồng mua bán điện.
Nuôi tôm công nghiệp là lĩnh vực dễ xảy ra tình trạng thất thoát điện năng |
Tại khu vực miền Nam, Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) thống kê, trong năm 2018 có 25.630 công tơ cháy hỏng, điện năng truy thu 21,6 triệu kWh với số tiền tương đương 42,31 tỷ đồng. Các trường hợp hư hỏng hệ thống đo đếm khách hàng mua điện qua trạm biến áp chuyên dùng bằng hệ thống phân tích dữ liệu công tơ (MDAS), đã xử lý 542 điểm đo sai/hỏng, truy thu 2.498.506 kWh; so với cùng kỳ năm 2017 truy thu tăng 207 vụ, tương ứng 1.125.378 kWh. Chưa hết, EVN SPC kiểm tra sử dụng điện 2.453.492 lượt khách hàng, đã lập biên bản 482 vụ vi phạm trộm cắp điện, truy thu 1,36 triệu kWh với tổng số tiền 4,3 tỷ đồng. Nạn trộm cắp điện hiện nay có "ngàn lẻ một" hành vi, từ thô sơ đến tinh vi như: Dùng dây dẫn điện đấu nối trực tiếp vào lưới điện hạ áp, đưa đến tải để sử dụng không qua công tơ; hay dùng dây dẫn cầu U đấu trực tiếp vào đầu bọt công tơ để sử dụng điện không qua hệ thống đo đếm...
Ông Nguyễn Văn Lý - Phó tổng giám đốc EVN SPC - cho biết, hành vi trộm cắp điện năm 2018 giảm 176 vụ so với năm 2017, trong đó tác động trước công tơ giảm 25 vụ, tác động trực tiếp vào công tơ giảm 123 vụ, tác động gián tiếp vào công tơ giảm 31 vụ, nhưng lại phát sinh những vụ trộm điện mới tác động vào trạm chuyên dùng của khách hàng (trồng Thanh Long) và hình thức vi phạm trước công tơ có tỷ trọng cao nhất. "Mặc dù ngành điện lực miền Nam đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý kịp thời những khách hàng vi phạm, tuy nhiên tình trạng sử dụng điện trái phép vẫn còn diễn biến phức tạp với nhiều hành vi vi phạm ngày càng tinh vi" - ông Lý đánh giá.
Theo các chuyên gia ngành điện, mặc dù các quy định của pháp luật hiện nay có mức xử phát khá nặng đối với hành vi sử dụng điện trái phép, nhưng vì lợi ích của việc ăn cắp điện mang lại rất lớn khiến không ít người vi phạm. Để hạn chế vấn nạn trộm cắp điện vốn đang phổ biến như hiện nay, ngoài tăng cường kiểm soát các hoạt động sử dụng điện của khách hàng, xử phạt nghiêm những kẻ trộm cắp điện, cần trang bị công tơ có tính năng theo dõi, giám sát từ xa, công tơ có chức năng cảnh báo chống lại một số hình thức vi phạm sử dụng điện, thực hiện các biện pháp về kẹp chì, niêm phong công tơ, mạch đo chống can thiệp từ bên ngoài…
Để hạn chế tình trạng vi phạm sử dụng điện, EVN đã chỉ đạo các đơn vị tiếp tục thực hiện những giải pháp ngăn ngừa can thiệp vào công tơ, mạch đo gây sai số kết quả đo đếm. |