Tháo gỡ “điểm nghẽn” trong thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán
Kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán chính là thước đo đánh giá hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm toán. Tuy nhiên, trong những năm qua, nhiều kiến nghị của Kiểm toán nhà nước chưa được thực thi. Xung quanh vấn đề này, Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tuấn Anh - Phó Tổng Kiểm toán nhà nước.
Theo báo cáo của Kiểm toán nhà nước, đến thời điểm 31/12/2023 tổng số kiến nghị liên quan đến tài chính chưa được thực hiện lên đến trên 60 nghìn tỷ đồng, trong đó có những kiến nghị kéo dài. Xin ông cho biết, việc chậm thực hiện kiến nghị kiểm toán sẽ gây thất thoát cho ngân sách nhà nước như thế nào?
Các kết luận, kiến nghị kiểm toán từng năm đã được Kiểm toán nhà nước tổng hợp báo cáo Quốc hội tại các Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán hàng năm. Về cơ bản các kiến nghị của Kiểm toán nhà nước đều đã được các đơn vị tổ chức thực hiện; các kiến nghị về xử lý tài chính, xử lý khác được thực hiện bình quân khoảng 75 - 80% cho năm liền kề năm kiểm toán và tiếp tục thực hiện trong các năm tiếp theo với tỷ lệ khoảng 15 - 20% số kiến nghị còn lại mỗi năm.
Qua rà soát cho thấy, đến thời điểm 31/12/2023, nguyên nhân chưa thực hiện được phân 4 nhóm: Nhóm nguyên nhân thuộc về đơn vị được kiểm toán 39.803,83 tỷ đồng chiếm 59%; nhóm nguyên nhân thuộc về trách nhiệm của Kiểm toán nhà nước 283,07 tỷ đồng chiếm 0,4%; nhóm nguyên nhân thuộc về bên thứ 3 là 16.591,2 tỷ đồng chiếm 24,6%; nhóm nguyên nhân khác 10.834,93 tỷ đồng chiếm 16%.
Ông Nguyễn Tuấn Anh - Phó Tổng Kiểm toán nhà nước |
Theo quy định Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015: “Báo cáo kiểm toán của Kiểm toán nhà nước sau khi phát hành và công khai có giá trị bắt buộc phải thực hiện đối với đơn vị được kiểm toán về sai phạm trong việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công”. Kiểm toán nhà nước có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận kiến nghị kiểm toán đến tận cùng, bao gồm cả các kiến nghị chưa thực hiện lũy kế hàng năm; đảm bảo mọi khoản thu chi sai ngân sách nhà nước phải được thu hồi, không để xảy ra thất thoát ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, việc chậm thực hiện kiến nghị kiểm toán về tăng thu, giảm chi ngân sách nhà nước ngoài việc kỷ luật tài chính chưa được thực hiện nghiêm, còn có thể có tác động về hiệu quả kinh tế khi không kịp thời huy động các khoản thu ngân sách nhà nước, thu hồi kịp các khoản chi sai để đáp ứng nhu cầu chi ngân sách nhà nước, giảm bội chi.
Bên cạnh đó, việc chậm kiến nghị kiểm toán quá kéo dài dẫn đến rủi ro không hoàn thành việc thực hiện được kiến nghị trong các trường hợp như: Thất lạc hồ sơ, vướng mắc trong đôn đốc cá nhân/tổ chức có trách nhiệm thực hiện kiến nghị hoặc liên quan đến thực hiện kiến nghị (tổ chức phá sản, giải thể, sát nhập, chia tách,...; cá nhân nghỉ chế độ, mất, thanh lý hợp đồng...).
Thực tế hiện nay có những kiến nghị của Kiểm toán nhà nước không thể thực hiện được do đối tượng thực hiện đã nghỉ hưu, chuyển công tác hoặc doanh nghiệp/đơn vị đã phá sản, giải thể, sáp nhập. Kiểm toán nhà nước có giải pháp gì để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện những kiến nghị này, thưa ông?
Đúng là trên thực tế có những kiến nghị của Kiểm toán nhà nước đúng quy định, song đến thời điểm hiện tại không có khả năng hoặc khó có khả năng thực hiện được do đối tượng thực hiện đã nghỉ hưu, chuyển công tác, cá nhân nghỉ chế độ, mất; hay doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động, đang thi hành án;... Tuy nhiên, pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể để xử lý những trường hợp trên do đó về nguyên tắc Kiểm toán nhà nước vẫn theo dõi, cũng như phối hợp với các cơ quan chức năng nghiên cứu giải pháp tháo gỡ phù hợp.
Để giải quyết căn cơ vấn đề này, Kiểm toán nhà nước đang rà soát để sửa đổi Luật Kiểm toán nhà nước, Kiểm toán nhà nước, trong đó sẽ nghiên cứu quy định cụ thể trong Luật về thời hạn thực hiện kiến nghị kiểm toán, thời hiệu của kiến nghị kiểm toán… để xử lý những trường hợp này. Đồng thời, Kiểm toán nhà nước sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan rà soát quy định; phối hợp thường xuyên đôn đốc các đơn vị được kiểm toán thực hiện kiến nghị kiểm toán từ sớm, ngay trong quá trình kiểm toán và sau khi báo cáo kiểm toán được phát hành.
Việc thực hiện nghiêm kết luận, kiến nghị kiểm toán giúp ngăn ngừa nguy cơ thất thoát, lãng phí ngân sách nhà nước |
Để hạn chế tình trạng kiến nghị kiểm toán tồn đọng kéo dài, Kiểm toán nhà nước có đề xuất giải pháp gì nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán?
Để việc thực hiện kiến nghị đạt kết quả cao cần có giải pháp đồng bộ từ nhiều phía. Trên cơ sở nhận diện rõ các nguyên nhân gây ảnh hưởng đến việc thực hiện kiến nghị kiểm toán qua thực tiễn những năm qua, Kiểm toán nhà nước đã tập trung xử lý và có nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực của kết luận, kiến nghị kiểm toán, tập trung một số nhóm giải pháp:
Thứ nhất, đẩy mạnh tuyên truyền các quy định của pháp luật về Kiểm toán nhà nước; phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương phổ biến, tập huấn các chế độ, chính sách về quản lý tài chính, tài sản công, đặc biệt các quy định mới, các tồn tại, sai sót phổ biến, dễ mắc phải trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, tài chính công, tài sản công đã được Kiểm toán nhà nước phát hiện.
Thứ hai, Kiểm toán nhà nước sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sửa đổi bổ sung các quy định của Luật Kiểm toán nhà nước nhằm tăng cường trách nhiệm các cơ quan của Kiểm toán nhà nước và các cơ quan được kiểm toán trong việc chấp hành, thực hiện nghiêm túc các kết luận, kiến nghị kiểm toán; các quy định như: Quy định về thời hạn thực hiện kiến nghị kiểm toán, thời hiệu của kiến nghị kiểm toán,… để xử lý các trường hợp kết luận, kiến nghị kiểm toán đúng pháp luật song không còn khả thi trong thực tiễn.
Thứ ba, các đơn vị kiểm toán sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán, đặc biệt là chất lượng kết luận, kiến nghị kiểm toán, cụ thể là cung cấp đầy đủ cơ sở bằng chứng, căn cứ pháp lý, và khả thi; xác định cụ thể chủ thể thực hiện kiến nghị, nội dung kiến nghị, thời hạn thực hiện kiến nghị; tổ chức kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu đối với các kết luận, kiến nghị kiểm toán chưa đúng quy định.
Thứ tư, thực hiện công khai kết quả kiểm toán, kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước để các tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước.
Thứ năm, tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo việc đôn đốc, theo dõi, kiểm tra thường xuyên việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán nhà nước, đặc biệt là các kết luận, kiến nghị kiểm toán chưa thực hiện còn tồn đọng; kịp thời làm rõ nguyên nhân chưa thực hiện kiến nghị để có biện pháp xử lý, xem xét, giải quyết các khiếu nại, kiến nghị (nếu có) của các đơn vị được kiểm toán theo quy định. Đồng thời, nghiên cứu giải pháp để báo cáo cấp có thẩm quyền hoặc ban hành quy định, hướng dẫn xử lý đối với các kiến nghị kiểm toán không thực hiện do các nguyên nhân khách quan, bất khả kháng như cá nhân, đơn vị được kiểm toán hoặc cá nhân, đơn vị có liên quan bị giải thể, phá sản, chết, mất tích, mất hành vi dân sự...
Thứ sáu, đẩy mạnh công tác phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan trong thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán; đặc biệt phối hợp chặt chẽ với người đứng đầu cấp ủy, Thường trực HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, người đứng đầu các bộ, cơ quan trung ương, địa phương trong việc lãnh đạo, chỉ đạo đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kiến nghị kiểm toán và kịp thời xử lý các trường hợp vướng mắc trong thực hiện kiến nghị kiểm toán.
Thứ bảy, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tổng hợp, theo dõi, cập nhật kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán kết nối liên thông giữa Kiểm toán nhà nước với Bộ Tài chính, các Bộ, ngành, địa phương và các đơn vị có liên quan để theo dõi, tổng hợp, cập nhật việc thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán và kịp thời giải quyết các đề xuất, kiến nghị của cơ quan, đơn vị được kiểm toán.
Thứ tám, Kiểm toán nhà nước sẽ phối hợp triển khai hiệu quả các quy định tại Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Kiểm toán nhà nước đối với công tác thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán nhà nước.
Ngoài 8 giải pháp nêu trên, Kiểm toán Nhà nước có thêm kiến nghị gì đến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương, thưa ông?
Kiểm toán nhà nước kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ: Chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Tiếp tục thực hiện nghiêm Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công, Luật Kiểm toán nhà nước, các luật có liên quan và các Nghị quyết của Quốc hội về quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và việc thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán.
Tiếp tục chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương, địa phương, đơn vị được kiểm toán thực hiện đầy đủ, kịp thời các kết luận, kiến nghị kiểm toán chưa thực hiện; nâng cao trách nhiệm giải trình, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, cá nhân liên quan, đề ra các giải pháp và phối hợp với Kiểm toán nhà nước để xử lý dứt điểm các kiến nghị, kết luận còn tồn đọng. Chỉ đạo kiểm điểm, xử lý nghiêm các trường hợp chậm, kéo dài nhiều năm việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán, đặc biệt trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị để xảy ra sai phạm.
Chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương rà soát, nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền kịp thời tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình thực hiện kiến nghị kiểm toán, tập trung vào một số nguyên nhân chưa thực hiện như: vướng mắc về cơ chế chính sách trong quá trình thực hiện; chờ ý kiến phê duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; chưa được bố trí vốn thanh toán...
Chỉ đạo nghiên cứu cơ chế xử lý chung đối với các kết luận thanh tra, kiến nghị kiểm toán thu hồi hoàn trả, giảm chi ngân sách trong các trường hợp cơ quan, đơn vị phá sản, giải thể hoặc cá nhân đã chết, mất năng lực hành vi dân sự...
Đối với các Bộ, ngành, địa phương, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị các đơn vị phối hợp chặt chẽ với Kiểm toán nhà nước từ khâu lập Kế hoạch kiểm toán, tổ chức thực hiện Kế hoạch kiểm toán. Chỉ đạo các đơn vị được kiểm toán tăng cường phối hợp với Đoàn kiểm toán, cung cấp tài liệu kịp thời khi có yêu cầu và giải trình đầy đủ thông tin để Đoàn kiểm toán có đủ căn cứ đưa ra kết luận và kiến nghị phù hợp.
Đồng thời, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán nhà nước, đặc biệt là các kết luận, kiến nghị kiểm toán chưa thực hiện còn tồn đọng; kịp thời làm rõ nguyên nhân chưa thực hiện kiến nghị để phối hợp với Kiểm toán nhà nước và các cơ quan liên quan có biện pháp xử lý.
Chúng tôi hi vọng rằng, vào sự vào cuộc tích cực của Kiểm toán nhà nước, cũng như sự phối hợp vào cuộc trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương, các đơn vị được kiểm toán vì sự lành mạnh của nền tài chính quốc gia, sự phát triển chung của đất nước, kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán sẽ tiếp tục có những chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Số kiến nghị chưa thực hiện đến 31/12/2023 là 67.513,03 tỷ đồng; trong đó kiến nghị tăng thu, giảm chi ngân sách nhà nước khoảng 40%; còn lại chủ yếu là các khoản kiến nghị hoàn thiện thủ tục để thanh quyết toán theo quy định. |