Thành lập Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội tại 63 tỉnh, thành phố
Báo cáo tờ trình, bà Nguyễn Thị Nương - Trưởng ban Công tác đại biểu, UBTVQH - cho biết: UBTVQH ban hành Nghị quyết về thành lập và quy định nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu, tổ chức của Văn phòng Đoàn ĐBQH để kịp thời triển khai thực hiện Luật Tổ chức Quốc hội. Theo đó, Văn phòng Đoàn ĐBQH được thành lập tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
Về cơ cấu, tổ chức, biên chế của văn phòng, tờ trình nêu rõ số lượng lãnh đạo văn phòng gồm: Chánh văn phòng, 1 Phó Chánh Văn phòng, riêng Văn phòng Đoàn Hà Nội và Đoàn TP. Hồ Chí Minh có không quá 2 Phó chánh văn phòng; trong văn phòng có 2 phòng chuyên môn là Phòng Tổng hợp và Phòng Hành chính - Tổ chức - Quản trị. Biên chế của văn phòng nằm trong tổng biên chế công chức của địa phương do Chủ tịch UBND dân cấp tỉnh quyết định sau khi trao đổi thống nhất với Trưởng đoàn ĐBQH và có 3 mức (không quá 8 người, không quá 10 người, không quá 12 người) theo số lượng đại biểu Quốc hội từng đoàn.
Báo cáo thẩm tra Phó chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Quốc hội Lê Minh Thông cho biết: Về cơ bản, Ủy ban Pháp luật tán thành với sự cần thiết xây dựng Nghị quyết quy định về Văn phòng Đoàn ĐBQH. Việc ban hành Nghị quyết vào thời điểm hiện nay là cần thiết nhằm kịp thời triển khai Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 có hiệu lực thi hành vào ngày 01/01/2016. Đồng thời nhằm tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức và hoạt động của bộ máy phục vụ ĐBQH và Đoàn ĐBQH ở địa phương. “Cơ quan chủ trì soạn thảo đã chuẩn bị khá công phu, nghiêm túc, có tổng kết thực tiễn, khảo sát thực tế, xin ý kiến của Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan và đánh giá tác động các phương án nêu trong dự thảo Nghị quyết. Hồ sơ dự thảo văn bản đủ điều kiện trình UBTVQH theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật” Phó chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Lê Minh Thông nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Ủy ban pháp luật cũng đề suất một số thay đổi cho phù hợp với thực tiễn. Theo đó, đây là Nghị quyết thành lập cơ quan nên cần chỉ dẫn tên gọi cụ thể của từng Văn phòng đoàn ĐBQH để làm cơ sở cho việc tiến hành các thủ tục khắc dấu, mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước…. Đề nghị sửa lại Điều 1 dự thảo Nghị quyết theo hướng: Thành lập Văn phòng Đoàn ĐBQH tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trên cơ sở tách Văn phòng Đoàn ĐBQH và Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo danh sách ban hành kèm theo Nghị quyết này.
Một số ý kiến cũng đề nghị không tổ chức các đơn vị cấp phòng trong văn phòng đoàn để phù hợp với chủ trương của Đảng về cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước và tinh giản biên chế. Việc tổ chức các đơn vị cấp phòng trong cơ quan, đơn vị về nguyên tắc chỉ được thực hiện khi xác định được các mảng công việc có tính độc lập nhất định. Đồng thời cũng phải căn cứ vào quy mô, số lượng biên chế được giao.
Kết luận tại phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Mỗi đoàn ĐBQH sẽ có 1 Văn phòng đoàn. Trong đó, chỉ có 1 chánh văn phòng và 1 phó chánh văn phòng, không tổ chức các đơn vị cấp phòng. Với các địa phương có 2 đại biểu chuyên trách sẽ có 2 phó văn phòng phụ trách về các vấn đề tổng hợp và tài chính, hậu cần, nhân sự…
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng đề nghị, cần làm rõ vấn đề biên chế. Theo đó sẽ chốt ở mức: Đối với đoàn ĐBQH có dưới 10 đại biểu, văn phòng đoàn không quá 8 người; đoàn có 10 - 20 đại biểu, văn phòng đoàn không quá 10 người và đối với đoàn trên 20 người thì văn phòng đoàn không quá 12 người.
Ngoài ra cũng trong buổi chiều nay, UBTVQH đã cho ý kiến Dự thảo nghị quyết về cấp bậc hàm cao cấp là cấp Tướng đối với chức vụ sỹ quan ở đơn vị thành lập mới thuộc Bộ Công an