Thanh Hóa: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh “kêu cứu” khi hóa chất diệt côn trùng chỉ còn 1 lít
Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 của Sở Y tế Thanh Hóa vừa tổ chức (ngày 28/7), bài tham luận của ông Lê Trường Sơn, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Thanh Hóa cho thấy công tác phòng, chống dịch gặp khó khăn do thiếu hóa chất.
Bài tham luận nêu rõ: “…dịch sốt xuất huyết và các bệnh do muỗi truyền nhiễm gần đây gia tăng, kết quả giám sát véc tơ tại nhiều địa phương vượt ngưỡng cảnh báo. Trong kho đó, hóa chất diệt côn trùng tại CDC tỉnh Thanh Hóa chỉ còn duy nhất 1 lít. Đến ngày 28/7, kế hoạch kinh phí chương trình môi trường y tế - dân số mới được UBND tỉnh phê duyệt, để mua được vật tư hóa chất trong thời gian nhanh nhất và sử dụng hình thức thầu rút gọn thì cần thời gian tối thiểu là 2,5 tháng”.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa “kêu cứu” khi hóa chất diệt côn trùng chỉ còn 1 lít |
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương ông Lê Trường Sơn, Phó Giám đốc phụ trách CDC tỉnh Thanh Hóa cho biết: “CDC đã có báo cáo thường xuyên với Sở Y tế, hiện nay Sở vẫn chưa có giải pháp cụ thể gì, chỉ đề nghị rà soát, làm thủ tục đấu thầu mua thật nhanh”.
Liên quan đến vấn đề thiếu vật tư hóa chất tại CDC tỉnh Thanh Hóa, ông Nguyễn Bá Cẩn, quyền Giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa cho biết: “Cái này là chủ trương các huyện phải tự lo, ngân sách cấp hàng năm không có. Hàng năm các huyện vẫn chủ động phun hóa chất hoặc xã hội hóa thông qua các dịch vụ của trung tâm hoặc công ty phun hóa chất hoặc chiến dịch môi trường. Hóa chất thiếu là mình cũng nói để tỉnh biết. Quy trình xin mua hóa chất thường xuyên là Sở Tài chính chưa duyệt cho cái đó, họ nói (Sở Tài chính – PV) khi nào có dịch thì sẽ trình tỉnh mà cấp. Sở chưa nhận được tờ trình của CDC về vấn đề hóa chất”.
Hiện nay, tình hình dịch sốt xuất huyết có nguy cơ bùng phát rất cao. Đặc biệt, ở TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, tuần qua thành phố có gần 300 ca mắc sốt xuất huyết mới, tăng gần 2 lần so với tuần trước đó, đồng thời xuất hiện thêm 22 ổ dịch mới.
Cụ thể, trong tuần từ ngày 7 đến 14/7, toàn TP. Hà Nội ghi nhận 291 ca mắc sốt xuất huyết mới tại 29 quận, huyện. Trong đó, một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân như Thạch Thất, Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm, Thanh Trì... Tuần qua thành phố cũng ghi nhận 22 ổ dịch sốt xuất huyết tại 10 quận, huyện, trong đó đứng đầu là Hoàng Mai với 8 ổ dịch.
Cộng dồn từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội đã có tổng số 1.114 ca mắc sốt xuất huyết, không có ca tử vong, số mắc tăng 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2022, ca bệnh phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã.
Còn theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hồ Chí Minh, số ca mắc, nhập viện do tay chân miệng và sốt xuất huyết đang tăng nhanh. Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh cũng dự báo, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng trên địa bàn tiếp tục gia tăng và có nguy cơ dịch "chồng" dịch.
Trước nguy cơ dịch sốt xuất huyết có nguy cơ bùng phát, UBND tỉnh Thanh Hóa cần sớm có chỉ đạo các sở, ban, ngành chức năng liên quan sớm mua hóa chất chống dịch để phòng dịch hiệu quả, đảm bảo sức khỏe cho nhân dân.