Thanh Hóa: Phát động phong trào chung tay đẩy lùi ô nhiễm do rác thải nhựa
Sáng ngày 25/7, tại chợ đầu mối nông - lâm - thủy sản Đông Hương, TP. Thanh Hóa, Sở Công Thương Thanh Hóa đã tổ chức Lễ phát động phong trào chung tay đẩy lùi ô nhiễm do rác thải nhựa nhằm kêu gọi các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm nhựa; các doanh nghiệp quản lý, khai thác các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cùng thống nhất nhận thức, chung tay hành động đẩy lùi ô nhiễm do rác thải nhựa gây ra.
Theo Chương trình môi trường Liên hợp quốc (UNEP), hàng năm, trên thế giới có khoảng 400 triệu tấn nhựa được sản xuất, một nửa trong số đó được thiết kế chỉ sử dụng một lần; ước tính hàng năm, có khoảng 19 - 23 triệu tấn rác thải nhựa được thải ra môi trường.
Lễ phát động phong trào chung tay đẩy lùi ô nhiễm do rác thải nhựa với sự tham gia hưởng ứng của hàng trăm tiểu thương chợ đầu mối nông - lâm - thủy sản Đông Hương, TP. Thanh Hóa |
Ở Việt Nam, hàng năm ước tính có khoảng 3,1 triệu tấn chất thải nhựa thải ra môi trường và con số này vẫn đang ngày càng gia tăng, đe doạ nghiêm trọng đến môi trường sống, sức khoẻ của con người và phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.
Những đặc tính bền, khó phân hủy của các sản phẩm nhựa đã và đang gây ô nhiễm môi trường và sức khỏe con người, trở thành vấn đề cấp bách toàn cầu. Nếu không có các giải pháp đồng bộ, kịp thời thì những tác động tiêu cực của rác thải nhựa sẽ gây những hậu quả nghiêm trọng, khôn lường đối với sức khỏe con người và các loài động thực vật trên Trái Đất.
Từ năm 2018, Liên hợp quốc đã phát động phong trào chủ đề “Giải quyết ô nhiễm nhựa và nilon” nhằm tuyên truyền, vận động, kêu gọi mọi người cùng thay đổi thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và bảo vệ sức khỏe con người.
Tại Việt nam, Chính phủ đã tiến hành nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm từ rác thải nhựa. Việc quản lý theo hướng giảm thiểu chất thải từ nhựa đã trở thành yêu cầu cấp bách ngay lúc này, trước hết bắt đầu từ việc giảm thiểu việc sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nhựa.
Tại Thanh Hóa, theo thống kê, trên địa bàn tỉnh này trung bình 1 ngày người dân thải ra môi trường khoảng 345 tấn rác thải từ nhựa (tương đương 0,1kg/người). Trong đó, chỉ khoảng 2,2% rác thải được tái chế. Lượng chất thải này ngày càng khó kiểm soát, có chiều hướng gia tăng theo sự phát triển của kinh tế - xã hội.
Trước những ô nhiễm do rác thải nhựa gây ra, thời gian qua, công tác quản lý chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã được quan tâm triển khai thực hiện. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch số 198/KH-UBND ngày 4/12/2018 về thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa” trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; Kế hoạch hành động số 76/KH-UBND ngày 16/3/2020 về quản lý rác thải nhựa đại dương trên địa bàn tỉnh đến năm 2030; Kế hoạch số 196/KH-UBND ngày 30/8/2021 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Đề án tăng cường quản lý chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa theo Quyết định số 1316/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ và đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, công tác quản lý nhằm giảm thiểu rác thải nhựa trên địa bàn tỉnh còn đạt kết quả chưa như mong muốn.
Ông Trần Đức Lương - Phó Giám đốc Sở Công Thương Thanh Hóa phát biểu tại lễ phát động |
Tại lễ phát động, ông Trần Đức Lương - Phó Giám đốc Sở Công Thương Thanh Hóa đã kêu gọi các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm nhựa; các doanh nghiệp quản lý, khai thác các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh cùng thống nhất nhận thức, chung tay hành động đẩy lùi ô nhiễm do rác thải nhựa.
Cụ thể, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại, hệ lụy của rác thải nhựa đối với kinh tế - xã hội, môi trường và sức khỏe con người; từ đó để người dân thay đổi thói quen sử dụng đồ nhựa, đặc biệt là túi ni lông và sản phẩm nhựa dùng một lần, chuyển sang dùng những sản phẩm thân thiện với môi trường.
Các tiểu thương nhận phần quà của Sở Công Thương Thanh Hóa để bỏ dần thói quen sử dụng các sản phẩm nhựa sử dụng một lần |
Phát động phong trào “Chống rác thải nhựa” với sự tham gia trực tiếp của cộng đồng, doanh nghiệp; vận động người tiêu dùng thay đổi thói quen, nói không với các sản phẩm nhựa sử dụng một lần, túi ni lông thông qua việc mua sắm, trong sinh hoạt, làm việc, lao động thường ngày; sử dụng thay thế bằng các loại sản phẩm thân thiện với môi trường; khuyến khích sử dụng các sản phẩm dễ phân hủy, có thể tái sử dụng để cộng đồng doanh nghiệp và mỗi người dân nâng cao trách nhiệm xã hội, cùng chung tay đẩy lùi ô nhiễm do rác thải nhựa.
Các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ dân sinh tiếp tục thực hiện nghiêm kế hoạch, lộ trình hạn chế và tiến tới không sử dụng túi ni lông khó phân hủy tại đơn vị mình quản lý; khuyến khích người tiêu dùng mang túi, bao gói khi mua sắm hàng hóa; không cấp phát miễn phí túi ni lông cho khách hàng.
“Chống rác thải nhựa” với sự tham gia trực tiếp của cộng đồng, doanh ngiệp; vận động người tiêu dùng |
Các cơ sở sản xuất ngành công nghiệp liên quan đến sản phẩm nhựa cần cải tiến quy trình sản xuất, đổi mới công nghệ, ưu tiên sản xuất và sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường; dần loại bỏ các sản phẩm hoặc bao bì nhựa không thực sự cần thiết bằng cách đổi mới mô hình kinh doanh từ sản xuất sản phẩm nhựa dùng một lần sang sản phẩm nhựa có thể tái sử dụng. Cung cấp các thông tin về độ bền của sản phẩm một cách minh bạch và đáng tin cậy đến người tiêu dùng.
Các tiểu thương chợ đầu mối lớn nhất tỉnh Thanh Hóa hưởng ứng phong trào chung tay đẩy lùi ô nhiễm do rác thải nhựa |
Phó Giám đốc Sở Công Thương Thanh Hóa Trần Đức Lương nhấn mạnh: “Tôi tin rằng, với tinh thần đoàn kết, thống nhất, sự nỗ lực của từng cơ quan, đơn vị, tổ chức và người dân, chúng ta sẽ đạt được những thắng lợi nhất định trong công tác đẩy lùi ô nhiễm do rác thải nhựa. Mỗi người dân, doanh nghiệp và các tổ chức trong xã hội sẽ là những hạt nhân tích cực và hăng hái, đóng vai trò quan trọng trong tiến trình giảm thiểu ô nhiễm nhựa, bảo vệ môi trường”.