Thanh Hóa: Cấm các phòng khám dùng chiêu trò 'vẽ bệnh' để 'moi tiền' bệnh nhân
Theo đánh giá của các ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa, thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực hành nghề y, dược tư nhân trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực, từng bước tăng cường kỷ cương trong việc chấp hành pháp luật của các cơ sở hành nghề y, dược tư nhân. Hệ thống y tế tư nhân cũng đã góp phần đáp ứng nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của người dân; một số cơ sở đã triển khai được các kỹ thuật mũi nhọn, kỹ thuật chuyên sâu, góp phần giảm tải cho các bệnh viện công lập.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, cũng còn một số tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý của các cơ quan chức năng và việc chấp hành quy định pháp luật của các cơ sở hành nghề y, dược tư nhân trên địa bàn tỉnh.
Phòng khám đa khoa Hà Thanh (Bỉm Sơn) bị xử phạt 90 triệu đồng vì hoạt động không phép. (Ảnh: QH) |
Để chấn chỉnh tình trạng trên, cũng như để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng vừa ban hành Chỉ thị số 10/CT-UBND ngày 15/7/2024 về việc tăng cường quản lý hoạt động hành nghề y dược tư nhân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Theo đó, các cơ sở hành nghề y, dược tư nhân phải chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về hành nghề y, dược tư nhân; chỉ được hành nghề khi có đủ điều kiện theo các quy định của pháp luật. Khuyến khích nâng cao trình độ chuyên môn, cơ sở vật chất, trang thiết bị, ứng dụng các kỹ thuật cao để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân. Chỉ được hoạt động trong phạm vi chuyên môn được cơ quan có thẩm quyền cho phép; không quảng cáo dịch vụ khám, chữa bệnh vượt quá khả năng của mình.
Quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; không để tình trạng lạm dụng chỉ định xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, dịch vụ kỹ thuật đông y, phục hồi chức năng không cần thiết; tuyệt đối không chỉ định bệnh nhân vào điều trị nội trú khi tình trạng bệnh chưa đến mức phải nằm viện.
Khuyến khích các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân trên địa bàn tỉnh tự đánh giá chất lượng và công bố kết quả tự đánh giá công khai trên Trang thông tin điện tử của đơn vị (nếu có) và của Sở Y tế.
Xử phạt 2 cơ sở của Phòng khám 400 vì bán hàng nhập lậu. (Ảnh: QH) |
Sở Y tế là cơ quan chủ trì có trách nhiệm tham mưu, giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về y tế trên địa bàn toàn tỉnh; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật đối với các cơ sở hành nghề y, dược tư nhân; vận động, nâng cao y đức, kiến thức của người hành nghề y, dược.
Giao trách nhiệm đối với thủ trưởng đơn vị công lập trong ngành quán triệt, kiểm tra, giám sát, quản lý chặt chẽ cán bộ, viên chức trong đơn vị chấp hành nghiêm quy định của pháp luật khi tham gia hoạt động hành nghề y, dược tư nhân và xử lý nghiêm cán bộ, viên chức, người lao động có hành vi vi phạm theo đúng quy định pháp luật.
Thực hiện tốt công tác kiểm nghiệm chất lượng thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng; bảo đảm các sản phẩm lưu hành trên thị trường đáp ứng các điều kiện về tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định; phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc xử lý các vi phạm theo quy định về chất lượng thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng.
Đồng thời chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, hậu kiểm đối với hoạt động hành nghề y, dược tư nhân; xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật; thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, Trang thông tin điện tử của Sở Y tế danh sách các cơ sở vi phạm pháp luật để nhân dân biết nhằm tăng tính răn đe và phòng ngừa tái phạm.
Công an tỉnh Thanh Hóa cần đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hành nghề y, dược tư nhân; hoạt động quảng cáo dịch vụ khám, chữa bệnh, dịch vụ thẩm mỹ trái quy định trên các trang mạng xã hội. Kịp thời điều tra, xử lý các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm quy định pháp luật trong lĩnh vực hành nghề y, dược tư nhân.