Tháng cao điểm về kiểm tra an toàn thực phẩm
Cụ thể, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm yêu cầu đẩy mạnh công tác kiểm tra về an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm; tăng cường giám sát, hậu kiểm tại các tỉnh, thành phố trọng điểm, các địa phương có đường biên giới, cửa khẩu nhằm giảm thiểu ngộ độc do thực phẩm không an toàn.
Tăng cường công tác thông tin, truyền thông chính xác, kịp thời, toàn diện, có trách nhiệm về an toàn thực phẩm nhằm đề cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm.
Nêu cao vai trò của chính quyền các cấp, các cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và sự giám sát của người tiêu dùng đối với việc tuân thủ pháp luật về an toàn thực phẩm và giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn của các cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh thực phẩm; kịp thời xử lý các sự cố mất an toàn thực phẩm (nếu xảy ra trên địa bàn quản lý).
Trước đó, theo đánh giá của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm, tình trạng sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm về vệ sinh, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, vi phạm về chất lượng, không công bố sản phẩm theo quy định vẫn diễn ra phức tạp đòi hỏi các ngành chức năng cần kiểm soát chặt chẽ.
Trong quý I/2021, toàn quốc ghi nhận 20 vụ ngộ độc thực phẩm làm 531 người mắc và 3 trường hợp tử vong, tăng cả số vụ và số ca mắc so với cùng kỳ năm trước.