Chủ nhật 22/12/2024 17:34

Thái Nguyên: Nhân tố phía sau 'mộng làm chủ' của chống thấm Đông Á

Dư luận cho rằng, ông Nguyễn Tất Long là người động viên "anh thợ" Công ty Đông Á theo đuổi giấc mộng làm chủ đầu tư, và là nhân tố sống còn của thương vụ.

Như đã thông tin ở bài viết trước: "Doanh nghiệp vừa 'bơm' vốn gấp 60 lần, 'lăm le' dự án 643 tỷ ở Thái Nguyên", một dự án vừa "thoát thai" ở xã Tân Hòa, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đang nhận về sự chú ý lớn từ phía công chúng.

Dự án có tên Khu dân cư Thanh Lương có diện tích gần 30,2 ha, tổng mức đầu tư gần 643 tỷ đồng (bao gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư hơn 112 tỷ đồng). Dự án bất động sản này được kỳ vọng nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai, góp phần phát triển đô thị, đáp ứng nhu cầu nhà ở của 3.500 người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Song, dự án chỉ thu hút sự quan tâm của 1 nhà đầu tư ứng tuyển, nộp hồ sơ đăng ký thực hiện - Công ty Cổ phần Smartthings Việt Nam. Đây là doanh nghiệp có trụ sở ở số 206 đường Tam Trinh, phường Yên Sở, quận Hoàng Mai, Hà Nội, hoạt động chính trong lĩnh vực bán buôn tổng hợp (mã ngành 4690), được thành lập từ ngày 16/4/2021.

Đến giờ, Công ty Đông Á và Công ty Smartthings Việt Nam vẫn hoạt động trên cùng địa chỉ là số 206 đường Tam Trinh, phường Yên Sở, quận Hoàng Mai (Ảnh internet)

Số vốn điều lệ ban đầu của họ "còm cõm" có 2 tỷ đồng, tuy nhiên, hoàn toàn phù hợp với một nhà bán buôn sản phẩm xây dựng "bình dân" như Công ty Smartthings Việt Nam. Ngay cả công ty mẹ của họ - Công ty Cổ phần Vật tư và Hóa chất xây dựng Đông Á (Công ty Đông Á, sở hữu 51% cổ phần tương đương 1,02 tỷ đồng), đơn vị sản xuất loại sơn Rosy chống thấm công trình xây dựng, tiềm lực cũng không có gì nổi trội với số vốn sáng lập 3 tỷ đồng, ra đời hồi tháng 10/2016.

Đến giờ, cả hai công ty vẫn hoạt động trên cùng địa chỉ là số 206 đường Tam Trinh, phường Yên Sở, quận Hoàng Mai.

Để có thể "bỏ túi" dự án khu dân cư trọng điểm của tỉnh Thái Nguyên, Công ty Smartthings Việt Nam cần đáp ứng hai tiêu chí tiên quyết, bao gồm năng lực tài chính và năng lực kinh nghiệm. Nhà đầu tư Hà Nội đã giải quyết được bài toán thứ nhất, bằng cách "bơm vốn" đột ngột từ 2 tỷ đồng lên 120 tỷ đồng, tức gấp 60 lần trong ngày 19/6 vừa qua.

Việc Công ty Smartthings Việt Nam có thể xoay sở được số tiền lớn trong thời gian ngắn với mục đích vượt qua vòng sơ tuyển của tỉnh Thái Nguyên, đã gây ra nhiều hoài nghi cho dư luận. Báo Công Thương sẽ phân tích kỹ hơn về pha "cá chép hóa rồng" này trong phần dưới đây.

Bài toán thứ hai, và là trở ngại to lớn đối với ban lãnh đạo Công ty Smartthings Việt Nam nằm ở năng lực kinh nghiệm. Doanh nghiệp có thể mượn hồ sơ năng lực từ công ty mẹ, công ty liên quan (theo quy định pháp luật) nhưng điều đó hoàn toàn bị gác bỏ, khi Công ty Đông Á cũng chưa tham gia vào dự án bất động sản lớn trong quá khứ với tư cách nhà thầu chính hay thành viên liên danh nhà đầu tư, mà chủ yếu chỉ đóng vai trò đơn vị thi công chống thấm, cung cấp vật tư xây dựng...

Dư luận từ đó đặt câu hỏi với bộ hồ sơ hạn chế như vậy, không lẽ Công ty Smartthings Việt Nam hay Công ty Đông Á chỉ đang tham gia dự án gần 643 tỷ đồng cho vui, lấy trải nghiệm?

"Mộng làm chủ" của "anh thợ" chống thấm

Công ty Smartthings Việt Nam từ ngày bước lên thương trường hoạt động rất "cầm chừng", có thể nói động tác tăng vốn từ 2 tỷ đồng lên 120 tỷ đồng là dấu ấn duy nhất suốt 3 năm qua minh chứng đây không phải doanh nghiệp "ma". Tổng tài sản của họ chỉ ở mức trên dưới 2 tỷ đồng.

Ấp ủ giấc mộng làm chủ đầu tư, "anh thợ" chuyên thi công chống thấm - Công ty Đông Á cũng chẳng khá khẩm là bao. Tháng 12/2018, công ty mẹ của Smartthings Việt Nam mới có cú tăng vốn 3 tỷ đồng lên 5 tỷ đồng và duy trì đến hết năm 2023. Số vốn "lẹt đẹt" phản ánh sự khó khăn nhất định trong hoạt động kinh doanh của họ.

Kỳ thực, theo tài liệu Báo Công Thương tiếp cận được, giai đoạn 5 năm gần đây (2019 - 2023) doanh thu của Công ty Đông Á chưa khi nào cán mốc 10 tỷ đồng. Năm 2019, doanh nghiệp thu về 7,6 tỷ đồng, nhưng đã giảm còn 6,1 tỷ đồng ở năm kế tiếp; 2021 là năm "lên hương" nhất với doanh thu đạt 8,8 tỷ đồng, sau đó liền "rơi tự do" xuống 1,9 tỷ đồng và 1,4 tỷ đồng trong các năm 2022 - 2023.

Nợ nần và thua lỗ là chất liệu vẽ lên bức tranh tài chính "xám xịt" cho Công ty Đông Á (Nguồn: Báo Công Thương)

Công ty Đông Á phải nhận về hai khoản lỗ nặng là 2,8 tỷ đồng và 1,2 tỷ đồng ở hai năm 2022 - 2023 này, tương đương 80% vốn điều lệ. Trong khi đó, các năm trước doanh nghiệp chỉ báo lãi "dập dìu" từ 9,3 triệu đồng, 15,1 triệu đồng tới 250 triệu đồng (2019 - 2021).

"Cú trượt chân" khiến vốn chủ sở hữu Công ty Đông Á cuối năm 2023 giảm còn 1,1 tỷ đồng, là hệ quả tất yếu của việc phát sinh lỗ lũy kế gần 4 tỷ đồng. Ngược lại, khoản nợ phải trả của doanh nghiệp tiếp tục án ngưỡng trên 12,5 tỷ đồng, cao gấp cả chục lần vốn tự có. Nợ nần và thua lỗ là chất liệu vẽ lên bức tranh tài chính "xám xịt" cho Công ty Đông Á.

Những con số trên nói lên sự thật bẽ bàng về Công ty Đông Á. Phải chăng, giấc mơ lên làm chủ đầu tư của những doanh nhân trú tại Hà Nội đang quá viển vông, xa vời thực tế? Giữa làn sóng tranh cãi về năng lực của nhà đầu tư dự án Khu dân cư Thanh Lương, sự chú ý đổ dồn về ông Nguyễn Tất Long (SN 1979), cá nhân "bí ẩn" sở hữu tới 48% vốn điều lệ Công ty Smartthings Việt Nam.

Thân thế vị "đại gia" có gì đặc biệt? Liệu có phải để tránh ồn ào dư luận, ông Nguyễn Tất Long đã lựa chọn Công ty Smartthings Việt Nam và Công ty Đông Á làm đối tác "lộ mặt" để dễ bề hiện thực hóa tham vọng tiến vào thị trường bất động sản Thái Nguyên thông qua dự án gần 643 tỷ đồng không? Nhiều khả năng, ông Nguyễn Tất Long là người "động viên" giới chủ Smartthings Việt Nam theo đuổi giấc mộng lớn, và cũng là nhân tố sống còn của Công ty Smartthings Việt Nam - điểm tựa không thể thiếu của pha "bơm vốn" gấp 60 lần khi có cho mình sự hậu thuẫn từ một ngân hàng thương mại nội địa.

Xuất phát điểm là chủ, cổ đông của những doanh nghiệp kinh doanh thương mại, xuất nhập khẩu như Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại quốc tế Khải Hoàn (tiền thân là Công ty TNHH MTV Tam Đệ Multimedia), Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Thương mại dịch vụ quốc tế Hưng Phát (tiền thân là Công ty TNHH Kinh doanh Vật liệu xây dựng Đức Hằng), Công ty Cổ phần Quan hệ quốc tế - Đầu tư sản xuất, Công ty TNHH TM&DV Tổng hợp HT... đến năm 2022, ông Nguyễn Tất Long thâm nhập sâu rộng hơn vào lĩnh vực tài chính, "buôn tiền", mua bán nợ, chẳng hạn như Công ty Cổ phần Giao dịch hàng hóa Amber.

Ngọc Anh
Bài viết cùng chủ đề: Bất động sản

Tin cùng chuyên mục

43 sự kiện mở bán Sông Town – CaraWorld diễn ra đồng loạt trên toàn quốc

Căn hộ cho thuê 'lease home' tại trung tâm Hà Nội: Cơ hội cho nhà đầu tư

Nền tảng công nghệ bất động sản lớn tại Đông Nam Á đổi chủ

Indochina Kajima khởi công dự án văn phòng hạng A tại khu trung tâm mới phía Tây Hà Nội

Sun Group khởi công tổ hợp nghỉ dưỡng - giải trí - thương mại trị giá 13.000 tỷ đồng tại Phú Quốc

Bất động sản Cần Thơ – tâm điểm chuyển dịch mới của giới đầu tư

Cách xây dựng văn hóa doanh nghiệp sáng tạo của ROX Group

Chuyên gia hiến kế bịt kẽ hở trong đấu giá đất

Dòng tiền bất động sản có xu hướng dịch chuyển vào Nam

Nhìn lại 30 năm thăng trầm của thị trường bất động sản Việt Nam

Hà Nội: Khởi công xây dựng dự án nhà ở xã hội tại Khu đô thị mới Hạ Đình

Căn hộ 'chiếm sóng' bất động sản cho thuê

Quy hoạch Thủ Thiêm thúc đẩy các dự án bất động sản hạng sang tăng giá trị

Hội nghị bất động sản Việt Nam 2024: Điểm nhìn từ thị trường

Từ vụ bất thường đấu giá đất ở Sóc Sơn: Nghiêm trị nếu có chiêu trò đầu cơ, trục lợi

Lễ ký hợp đồng giữa EXIMRS và VSIP Hải Phòng - Sẵn sàng bứt phá và nâng tầm sống mới

Dự án đáng sống 2024 vinh danh Đô thị nghỉ dưỡng của Sun Group Hà Nam

Thắp sáng TP. Tân Uyên tại lễ ra mắt dự án Truc Quyen Land

Nhiều yếu tố đang hỗ trợ thị trường bất động sản phục hồi

Khám phá không gian tiện nghi tại dự án chung cư hạng sang The Nelson