Tết Đoan ngọ là ngày nào? Vì sao Tết Đoan ngọ là ngày diệt sâu bọ
Tết Đoan ngọ diễn ra vào mùng 5/5 Âm lịch hàng năm, là một ngày lễ truyền thống quan trọng của người Việt. Theo truyền thống, vào ngày này, các gia đình sẽ chuẩn bị mâm cúng Tết Đoan ngọ dâng lên thần linh, tổ tiên, mong một vụ mùa bội thu.
Tùy theo vùng miền, mâm cúng Tết Đoan ngọ sẽ có những lễ vật khác nhau.
Vào ngày này, các gia đình chuẩn bị mâm cúng Tết Đoan ngọ dâng lên thần linh, tổ tiên. Gia chủ có thể tham khảo văn khấn Tết Đoan ngọ để nghi lễ chuẩn xác.
Tết Đoan ngọ là ngày nào?
Từ lâu, Tết Đoan ngọ hay còn được biết đến với cái tên Tết giữa mùa hè, Tết nửa năm, Tết Đoan dương đã trở thành ngày tết truyền thống của người Việt.
Đây là dịp mọi nhà đều háo hức chuẩn bị những món ăn truyền thống đặc sắc. Theo quan niệm từ xưa, ngày này ăn uống không chỉ để thưởng thức, mà còn là cách để "giết sâu bọ", tẩy sạch mọi âm khí, mang lại sức khỏe và may mắn cho cả gia đình.
Theo các chuyên gia phong thuỷ, đoan ngọ nghĩa là bắt đầu giữa trưa (đoan: mở đầu, ngọ: giữa trưa). Bởi vậy, ngày lễ diễn ra vào giờ Ngọ, từ 11h đến 13h.
Tết Đoan ngọ 2024 sẽ rơi vào thứ Hai, ngày 10/6 (mùng 5/5 âm lịch).
Tết Đoan ngọ thường rơi vào thời điểm nắng nóng kéo dài, sâu bọ phát triển nhiều. Thế nên, ngày này còn gọi là ngày diệt sâu bọ.
Khung giờ vàng cúng Tết Đoan ngọ năm 2024
Theo chuyên gia phong thủy, các khung giờ đẹp để tiến hành nghi lễ cúng Tết Đoan ngọ năm 2024 như sau:
- Giờ đẹp nhất là giờ Nhâm Ngọ từ 11h đến 13h.
- Sớm hơn có giờ Canh Thìn từ 7h đến 9h.
- Muộn hơn có giờ Quý Mùi từ 13h đến 15h.
- Cuối cùng trong ngày là giờ Bính Tuất từ 19h đến 21h.
Theo quan niệm dân gian, mọi người thường thắp hương theo số lẻ. Do đó, gia chủ có thể thắp 1, 3 nén tùy thuộc vào không gian thờ cúng.
Mâm cúng Tết Đoan ngọ 2024 gồm những gì?
Ngoài hương và hoa tươi, mâm cúng Tết Đoan ngọ miền Bắc sẽ có các loại quả (mận, vải), xôi chè, rượu nếp, cơm rượu, bánh gio…
Bánh gio: Loại bánh được làm từ gạo nếp, ngâm trong nước tro, gói bằng lá chuối. Bánh dễ ăn, dễ tiêu, ngon hơn khi ăn với đường hoặc mật. Theo người xưa, gạo nếp khi luộc trong lá sẽ hấp thu các đặc tính cây cỏ, giúp giải nhiệt, tiêu bệnh trong cơ thể.
Tết Đoan ngọ đã trở thành ngày tết truyền thống của người Việt |
Rượu nếp là món ăn đặc sắc trong ngày này. Người xưa tin rằng, rượu nếp có khả năng tiêu diệt sâu bọ, khiến chúng không thể gây hại trong cơ thể con người.
Món cơm rượu nếp cái hoa vàng không phải nơi đâu cũng có và ngon như ở miền Bắc. Do đó, đây là món phải có trong mâm cúng Tết Đoan ngọ miền Bắc. Ngoài ra, một số nơi còn có thêm cơm rượu nếp cẩm.
Mâm cúng Tết Đoan ngọ của người miền Trung thường bao gồm những món đồ cơ bản giống như miền Bắc, như các loại trái cây, nước, rượu, bánh tro, bánh ú, hương, hoa, vàng mã, và chè kê. Đặc biệt, chè kê ăn kèm bánh tráng vừng là một món ăn quen thuộc và đặc trưng thường xuất hiện trong mâm cúng của người Quảng Nam và Huế.
Không chỉ thế, trên mâm cúng Tết Đoan ngọ của người miền Trung thường có thịt vịt. Nhiều người cho rằng vào tháng 5 Âm lịch, thời tiết oi ả, nóng bức, ăn thịt vịt tính hàn sẽ giúp cơ thể mát mẻ hơn.
Mâm cúng Tết Đoan ngọ ở miền Nam về cơ bản vẫn bao gồm trái cây, hương, hoa, vàng mã, rượu, bánh ú bá trạng, cơm rượu. Một số món đặc trưng phổ biến khác là bánh bá trạng, chè trôi nước, xôi gấc, xôi vò. Đặc biệt, chè trôi nước là món không thể thiếu.
Ở miền Nam, người dân thường dâng cúng chè trôi nước được làm từ bột nếp, bên trong có nhân đậu xanh, ăn kèm với nước đường hoặc nước cốt dừa đun đường.
Thông tin trong bài chỉ mang tính tham khảo.