Thứ ba 26/11/2024 02:47

Tết của người con xa xứ

Tết là khoảng thời gian để sum vầy, đoàn tụ đầm ấm của những người thân yêu. Nhưng với những người con xa xứ chưa thể trở về quê hương vì học tập, công việc vẫn tìm cho mình một cái Tết ấm áp và trọn vẹn nhất có thể.

Nhớ “mùi” của Tết

Tết đầu tiên tôi xa nhà là năm 2000, khi vừa tròn 24 tuổi. Thành phố Namur, thủ phủ của vùng nói tiếng Pháp ở Bỉ, là một thành phố rất nhỏ với chưa đến 500.000 dân.

Hai mươi năm trước, du lịch ở đây còn chưa phát triển, Namur chủ yếu vẫn là một thành phố đại học và công nghiệp. Người nước ngoài rất ít, chợ châu Á, quán Việt đều không có, kể cả quán Tàu cũng chỉ có vài ba. Năm đầu tiên xa xứ, cả ký túc chỉ có tôi và một cô bạn người Thượng Hải là dân châu Á; dù không học cùng ngành, nhưng hai đứa khá quen thân. Những lúc rảnh rỗi, hai đứa thường nhảy tàu lên Bruxelles để mua thực phẩm châu Á.

Thời điểm Tết châu Á lại là mùa thi, mùa trả bài luận của các khóa sau Đại học. Chuyện gặm bánh mỳ, ăn trứng luộc qua ngày là chuyện thường. Tuy vậy, chiều 30 Tết vẫn không khỏi cảm thấy tủi thân, cô quạnh, thèm nhớ bữa cơm Tết cùng gia đình, nhớ mùi hương trầm vương vấn hòa quyện cùng mùi nem rán, mùi canh măng, mùi dứa xào... Để “thỏa” nỗi nhớ mong, Tết đầu tiên xa nhà, tôi cùng cô bạn người Hoa vào phố gọi điện cho gia đình, rồi cùng ăn cơm Tết kiểu Tàu ở quán.

Ngày đó, điện thoại di động chưa phổ biến, điện thoại gọi Internet đều phải ra các phòng gọi IDD. Chiều 30 Tết, các phòng gọi đều kín mít, chỉ cần trả 500 franc Bỉ (khoảng 300.000 đồng) có thể “buôn chuyện” khoảng nửa tiếng, thế là hai đứa cũng xếp hàng rồi “ôm” buồng gọi. Nói chuyện với mẹ qua điện thoại, thấy tôi kêu thèm từ bánh chưng rán, chè kho, củ kiệu.., mẹ tôi xót con, dặn làm thịt đông cho có tí hương vị Tết và cũng để được lâu. Ra khỏi buồng gọi mà hai đứa cứ ôm nhau khóc rưng rức. Giờ này ở nhà, mọi người đang đón giao thừa, ngắm pháo hoa,… trong khi, hàng quán, phố xá Namur đã tịch mịch vắng vẻ.

Và chúng tôi đón giao thừa ở nơi xa xứ bằng bữa cơm Tết kiểu Tàu ở quán. Vào quán ăn, thấy chúng tôi là người châu Á, chủ quán xòe ra một tập bao lì xì, tặng lấy hên. Tôi không nghĩ ngợi gì, cứ rút đại, trong khi cô bạn còn chần chừ lựa chọn. Hóa ra, theo tập tục Trung Quốc, mỗi vỏ phong bao lì xì đều có mang một ý nghĩa gửi gắm trong đó. Sau khi đi ăn, cô bạn rủ ra ga mua pháo bông phụt để ngửi hương cho đỡ nghiền, và lên rìa tường thành cổ bắn pháo. Không chỉ có hai chúng tôi mà nhiều người châu Á khác cũng tụ tập ở đây. Đều là người xa xứ, chúng tôi cùng chúc tụng nhau những điều may mắn và ngửa cổ hét vang để xả bớt nỗi u ám tha phương một mình.

Không còn nỗi buồn

Tết Canh Tý năm 2020 lại là một cái Tết rất đặc biệt của tôi ở Singapore. Đã là cái Tết thứ ba, tôi đón giao thừa trên đất nước đa sắc tộc này nhưng đây là cái Tết xa xứ đầu tiên của tôi có đầy đủ người thân bên cạnh.

Chợ hoa Tết Singapore

Tết nguyên đán luôn là dịp lễ hội quan trọng nhất và lớn nhất tại Singapore - nơi cộng đồng người Hoa chiếm tới trên 75% cơ cấu dân số. Người Hoa Singapore cũng đón năm mới với nhiều nét tương đồng với người Việt và các sắc tộc châu Á theo lịch mặt trăng. Từ giữa tháng chạp, họ đã nô nức đi mua sắm cây cối, lau dọn, trang trí nhà cửa. Chợ hoa ở đây rất phong phú nhưng nhiều người mua nhất vẫn là đào, quất, phong lan và hoa cúc. Nhiều gia đình người Hoa truyền thống cũng cúng ông Công ông Táo và từ sau 23 tháng chạp, các cơ quan, công sở, láng giềng, họ hàng bắt đầu dành thời gian để đi “biếu” Tết. Trong khu tôi ở, hàng xóm cùng tầng đều gửi cho gia đình tôi những thùng quýt và bưởi vì trong văn hóa người Hoa Singapore, trái cây màu vàng sẽ mang lại hạnh phúc, thịnh vượng, may mắn trong năm mới. Đặc biệt trái bưởi có ý nghĩa rất quan trọng trong ngày Tết nguyên đán, với ý nghĩa năm mới gia đình đoàn viên, khang ninh, hạnh phúc.

Bên cạnh đó, Ban quản lý khu nhà cũng rất quan tâm, hỗ trợ sự hội nhập của gia đình tôi. Trong túi quà năm mới, ngoài quýt, tôi còn được nhận đèn lồng, các câu đối, hình ảnh chúc mừng để trang trí cửa nhà. Các đối tác cũng gửi đặc sản ngày Tết truyền thống, từ thịt khô Bakkwa, bánh cookie hạnh nhân, bánh dứa, cho đến các loại sản phẩm như sò điệp sấy khô, lạp xưởng, bào ngư đóng hộp,... Hiểu được phong tục của bạn, tôi cùng các con chuẩn bị từ rất sớm các đặc sản của Việt Nam để gửi tặng thầy cô, làng giềng và bạn bè. Tết năm nào cũng vậy, mấy mẹ con cùng ngồi gói vài trăm cái nem đóng đá gửi biếu. Với những bạn Singapore thân thiết, tôi còn gửi bánh chưng Cao Bằng, giò chả Ước Lễ, cam Canh Hà Nội để giới thiệu các đặc sản Việt Nam ngày Tết.

Kẹo lạc Việt tại một siêu thị ở Singapore chạy khuyến mại đón Tết

Đối với những người làm công tác phát triển thị trường ở nước ngoài như tôi, dịp Tết cổ truyền còn là cơ hội “hợp lý” để quảng bá, giới thiệu các sản phẩm ẩm thực Việt Nam tới các đối tác Bộ ngành, các Hiệp hội nhập khẩu và đoàn ngoại giao của các nước đặt tại Singapore. Trong túi quà ngày Tết của Thương vụ Việt Nam tại Singapore, nước mắm, bánh tráng, nấm hương, kẹo lạc, hạt điều, mứt trái cây sấy khô và cà phê luôn là những lựa chọn hàng đầu.

***

Từ đêm giao thừa, người người ở Singapore đều “dính” lấy điện thoại để chúc mừng năm mới. Mấy năm ở Singapore, tôi hầu như “thất lễ” với người thân, đồng nghiệp và bạn bè trong nước vì luôn phải ưu tiên nhắn tin chúc mừng và trả lời các bạn bè, đối tác Singapore. Cứ thế ròng rã đến rằm tháng giêng là các hoạt động thăm hỏi, chúc tụng và mời cơm.

Từ mồng 5 Tết, các cơ quan, Hiệp hội bắt đầu tổ chức những buổi gặp mặt đầu năm, kết hợp tiệc “Lohei” (có nghĩa là “cá sống”, đồng thời cũng là biểu tượng của sự dư dả) để cùng chúc nhau một năm mới thịnh vượng.

Đứng chung quanh món salad truyền thống “Lohei”, từng người cùng tham gia vào trộn, đảo món ăn nhiều sắc màu này và vừa hô to những câu chúc tụng. Nhập gia tùy tục, các bữa cơm gia đình tôi mời bạn bè và láng giềng ở Singapore cũng có món “Lohei” theo phong cách Việt Nam. Thay vì cá hồi xông khói là thịt bò khô hoặc cá tẩm gia vị của Việt Nam, thay vì củ cải là đu đủ xanh, cà rốt; thay vì sốt mận là dấm gạo, nước mắm và chanh xanh Việt Nam... Các bạn đều ưa thích món gỏi kiểu Việt và các món ăn ngày Tết của Việt Nam, từ canh măng, canh bóng bì, xôi gấc hạt sen, gỏi cuốn, bánh chưng… Singapore là cảng quốc tế, là trung tâm thương mại của châu Á nên đúng là không thiếu thứ gì để đón Tết Việt. Xa xứ nhưng gia đình tôi vẫn có đủ dưa hành, thịt gà lá chanh, thậm chí cả lá mùi già để tắm tẩy trần cuối năm.

Các cán bộ Thương vụ Việt Nam tại Singapore tự làm Lohei

Vui nhất ở Singapore, vào dịp Tết nguyên đán có lẽ là tham gia vào lễ hội đường phố Chingay. Đây là hình thức lễ hội hóa trang để thắt chặt tình đoàn kết giữa các sắc tộc tại Singapore, cũng như thúc đẩy sự hội nhập của các cộng đồng người nước ngoài vào văn hóa sở tại. Các cơ quan, khu phố, sứ quán đều được khuyến khích gửi tiết mục tham gia. Đại sứ quán và cộng đồng người Việt Nam tại Singapore (đôi khi cùng cả các đoàn nghệ thuật trong nước) luôn có hoạt động trong lễ hội đường phố Chingay hàng năm. Cũng có lần các cháu nhỏ nhà tôi được huy động tham gia diễu hành hóa trang. Cảm giác “đại diện màu cờ sắc áo” trong làn điệu âm nhạc Việt Nam chắc chắn là những dấu ấn ngày Tết không thể quên đối với các cháu ở nước ngoài. Ngồi trên sân khấu, vui xem các tiết mục múa lân, đi cà kheo, nhảy Samba, múa Kamarinskaya…, nhận tiền mừng tuổi từ các thần tài tại Singapore cũng là kỷ niệm khắc sâu của ông ngoại, bà nội các cháu mỗi lần sang Singapore đón Tết.

Thần tài đi phát lì xì năm mới

***

Đón Tết xa xứ đã không còn là nỗi buồn tịch mịch vì cảm giác tha hương, cô quạnh, thiếu thốn với tôi và nhiều kiều bào. Hai mươi năm, công nghệ viễn thông và các công cụ giao tiếp qua Internet đã trở nên thuận tiện với mức giá hợp lý. Các đường bay cũng được mở ra trực tiếp ngày càng nhiều giữa Việt Nam và thế giới. Sự hội nhập quốc tế và vị thế của Việt Nam trên bản đồ xuất khẩu cũng ngày càng rõ ràng. Sự lan tỏa của các sản phẩm Việt đã ngày càng giúp rút ngắn khoảng cách, tăng sự yêu thương, gắn kết với Tổ quốc của mọi thế hệ người Việt xa xứ trong sự tự hào.

TS. Trần Thu Quỳnh - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Singapore
Bài viết cùng chủ đề: Thương vụ Việt Nam

Tin cùng chuyên mục

Chiến sự Nga-Ukraine sáng 25/11: Lính đánh thuê thiệt mạng ở Kursk; Tên lửa ATACMS tập kích vào Nga

Hiệp định EVFTA - động lực mở đường lớn cho hợp tác thương mại, đầu tư Việt Nam - Bulgaria

Chiến sự Nga-Ukraine sáng 24/11: NATO họp khẩn, Quốc hội Ukraine hủy họp vì tên lửa ICBM của Nga

Chiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 23/11/2024: Tổng thống Ukraine thay đổi quan điểm về cuộc xung đột với Nga?

Tình báo Ukraine nói tên lửa Oreshnik của Nga bay hơn 13.000km/giờ

Trí tuệ nhân tạo AI được cho thử nghiệm tác chiến không quân

Việt Nam - Ấn Độ nâng cao khả năng phối hợp trong hoạt động gìn giữ hòa bình

Chiến sự Nga-Ukraine sáng 23/11: Lính đánh thuê NATO thiệt mạng; Mỹ gửi loại mìn cấm cho Ukraine

Quần áo ‘made in Viet Nam’, rau quả ‘farm in Viet Nam’ xuất hiện nhiều tại Vương quốc Anh

Phòng không Nga bắn hạ hai tên lửa Storm Shadow do Anh sản xuất

Ấn Độ tham dự triển lãm quốc tế máy móc, thiết bị, công nghệ và sản phẩm công nghiệp

Chiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 22/11/2024: Ukraine có phải là mục tiêu thực sự của tên lửa siêu thanh Oreshnik?

Hợp tác Việt Nam - Litva: Tài chính công nghệ, hàng không, năng lượng những lĩnh vực mới, giàu tiềm năng

Chiến sự Nga-Ukraine sáng 22/11: Lính đánh thuê NATO thiệt mạng ở Kursk;tên lửa Storm Shadow tấn công sở chỉ huy Nga

Hợp tác quốc phòng Trung Quốc - ASEAN ngày càng thực chất, hiệu quả

Hội nghị Tư lệnh Lục quân ASEAN lần thứ 25: Tăng cường hợp tác vì ổn định khu vực

Củng cố và mở rộng quan hệ hợp tác giữa Việt Nam - Campuchia

Đại tướng Phan Văn Giang đánh giá cao hiệu quả quản lý an ninh khu vực của ADMM+

Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam tại Venezuela

Chiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 21/11/2024: Storm Shadow tấn công sâu vào Nga, Moscow chuẩn bị đòn đáp trả?