Tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư kinh doanh
Sản xuất pin năng lượng mặt trời ở Công ty TNHH JA Solar Việt Nam tại Khu công nghiệp Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. (Ảnh ĐĂNG ANH) |
Trong các nhóm giải pháp ưu tiên hỗ trợ phát triển doanh nghiệp được tập trung thực hiện trong năm 2024, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhắc đến nhiệm vụ cải cách thể chế, tháo gỡ các rào cản pháp lý, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi và nhận định đó là giải pháp đặc biệt quan trọng.
Giải quyết ngay khó khăn, vướng mắc
Tại thời điểm này, cộng đồng doanh nghiệp đang ở trong tình trạng "sức khỏe" đáng quan ngại nhất do cộng hưởng tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19 và những diễn biến bất lợi, khó lường liên tiếp dội vào từ thị trường quốc tế, trong khi những vấn đề nội tại của nền kinh tế đang bộc lộ rõ nét. Đó cũng là lý do Chính phủ quyết định ban hành trở lại nghị quyết riêng (Nghị quyết 02/NQ-CP) về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia sau một năm tích hợp chung vào Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước.
Nghị quyết đặt mục tiêu tổng quát là cải thiện mạnh mẽ chất lượng môi trường kinh doanh để phù hợp với bối cảnh và xu thế phát triển, nhằm nâng cao vị thế của nước ta trên các bảng xếp hạng quốc tế. Bên cạnh đó, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, tăng nhanh về số lượng doanh nghiệp mới thành lập; giảm tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động; tăng số lượng doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số; giảm chi phí đầu vào và chi phí tuân thủ pháp luật trong hoạt động đầu tư, kinh doanh...
Để đạt được các mục tiêu đề ra, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chú trọng thực hiện các nhóm giải pháp tháo gỡ bất cập pháp lý trong thực hiện dự án đầu tư; nâng cao chất lượng cải cách danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh; nâng cao hiệu quả công tác quản lý, đẩy mạnh cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa và triển khai hiệu quả Cổng thông tin một cửa quốc gia.
Ngoài ra, Chính phủ nhấn mạnh đến việc tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn cho doanh nghiệp; hoàn thiện chính sách nhằm thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư, sản xuất, kinh doanh gắn với đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, hướng tới phát triển bền vững và nâng cao chất lượng các dịch vụ phát triển kinh doanh.
Điểm mới của Nghị quyết 02/NQ-CP năm 2024 là bên cạnh việc giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư giữ vai trò đầu mối tổng hợp báo cáo tiến độ thực hiện Nghị quyết, Chính phủ giao trách nhiệm cho các bộ, ngành, địa phương phải chủ động, thường xuyên rà soát và đề xuất cắt bỏ những quy định, thủ tục pháp luật không có lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Đồng thời, thường xuyên chủ trì, phối hợp với Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) và các hiệp hội ngành hàng tổ chức đối thoại với doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt, giải quyết ngay được các khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp,...
Sản xuất bảng mạch điện tử tại Công ty TNHH điện tử Meiko Việt Nam, Khu công nghiệp Thạch Thất-Quốc Oai (Hà Nội). (Ảnh TUỆ NGHI) |
Kỳ vọng từ hiệu quả thực thi
Đáng lưu ý, Nghị quyết 02/NQ-CP năm 2024 của Chính phủ tập trung rất nhiều vào mục tiêu nâng cao năng lực và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp tư nhân trong nước với mục tiêu cụ thể tăng ít nhất 10% doanh nghiệp gia nhập thị trường và giảm 10% số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường so với năm 2023.
Đây là mục tiêu thách thức vì năm 2023, cả nước có hơn 217.700 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, gấp 1,3 lần mức bình quân của giai đoạn 2017-2022 nhưng cũng có 172.578 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, là mức cao nhất trong cùng giai đoạn. Con số này cho thấy tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc.
Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp kỳ vọng lớn vào hiệu quả thực thi của các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Theo yêu cầu của Chính phủ, trước ngày 20/1/2024, các bộ, ngành, địa phương phải xây dựng và ban hành Chương trình, Kế hoạch hành động triển khai thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tập hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, về cơ bản, các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện đúng tiến độ đối với các nhiệm vụ được giao, nhiều báo cáo được xây dựng chi tiết, cụ thể và có chất lượng. Bên cạnh đó, một số địa phương đã trao đổi với Bộ những nội dung còn chưa rõ để được giải đáp, từ đó hoàn thành báo cáo một cách có chất lượng nhất.
Việc tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP ngay từ những ngày đầu năm của các bộ, ngành, địa phương theo đúng chức năng, nhiệm vụ được phân giao đã khơi dậy niềm tin của doanh nghiệp vào môi trường đầu tư kinh doanh, góp phần lan tỏa, tác động tích cực đến cộng đồng doanh nghiệp.
Trong các nhiệm vụ đặt ra, có những nhiệm vụ đòi hỏi phải khắc phục trong dài hạn như các vấn đề liên quan đến sửa đổi luật, nghị định nhưng cũng có nhiều vấn đề đòi hỏi phải giải quyết ngay. Đó là vấn đề liên quan đến quy định về phòng cháy, chữa cháy, đăng kiểm phương tiện cơ giới, vật liệu san lấp đất nền của các dự án xây dựng đường cao tốc. Trong đó có những vấn đề đã được rốt ráo thực hiện, góp phần thúc đẩy tiến độ dự án, công trình quan trọng của đất nước,...
Nhấn mạnh đến tầm quan trọng của quá trình thực thi chính sách, góp phần đưa Nghị quyết 02/NQ-CP vào cuộc sống, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục kết nối với các bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp, chuyên gia thúc đẩy thực thi các giải pháp, tiếp tục là nơi "giữ nhiệt" cải cách, lan tỏa những cách làm tốt, nhận diện vấn đề để thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh.
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký VCCI nhận định, cải thiện môi trường kinh doanh hiện nay không chỉ dừng ở tháo gỡ khó khăn mà cần chủ động tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp yên tâm bỏ vốn đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Tháo gỡ khó khăn là chạy theo giải quyết khó khăn một cách thụ động; trong đó vai trò chủ động, dẫn dắt của Nhà nước giảm đi rất nhiều. Điều quan trọng là các cơ quan quản lý các cấp cần đối thoại thực chất với cộng đồng doanh nghiệp, nắm bắt những khó khăn thách thức và đẩy mạnh nâng cao chất lượng thực thi chính sách, tạo không khí mới tăng đầu tư tư nhân, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tin tưởng: "Việc Chính phủ ban hành trở lại Nghị quyết 02/NQ-CP sẽ giúp môi trường kinh doanh được cải thiện đáng kể. Nghị quyết không chỉ dừng lại ở các kế hoạch cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia mà còn tạo nền tảng phát triển cho giai đoạn tiếp theo dựa vào chuyển đổi số, kinh tế số với những kế hoạch dài hạn. Chính phủ cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các đầu mối thực hiện và yêu cầu phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ được đặt thành mục riêng. Như vậy yêu cầu cải cách đang được đặt ra mạnh mẽ hơn, đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương phải vào cuộc một cách thực chất".
Dự kiến năm 2024, Việt Nam sẽ "cán mốc" 1 triệu doanh nghiệp đang hoạt động. Đây cũng là năm Chính phủ nhấn mạnh ưu tiên cho tăng trưởng, bên cạnh mục tiêu tiếp tục giữ ổn định kinh tế vĩ mô, cùng với đó là các thông điệp mạnh mẽ về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đó chính là điều kiện quan trọng để thúc đẩy đầu tư tư nhân tăng trở lại, đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế sau đại dịch.