Tạo động lực tăng trưởng kinh tế cho những tháng cuối năm
Theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, những tháng đầu năm 2019, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2019 tăng 0,49% so với tháng 4; CPI bình quân 5 tháng tăng 2,74% so với cùng kỳ và đây là mức tăng bình quân 5 tháng đầu năm thấp nhất trong 3 năm trở lại đây. Hoạt động thương mại dịch vụ sôi động, tổng cầu tiếp tục tăng mạnh; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 11,6%. Xuất khẩu đạt hơn 100 tỷ USD, tăng 6,7%; trong đó điểm đáng mừng là khu vực trong nước tăng 11,6%, cao hơn khu vực FDI…
Những tháng đầu năm 2019, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát |
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá, nền kinh tế của Việt Nam vẫn còn tồn tại hạn chế. Đó là cấu trúc hạ tầng phục vụ cho sự phát triển của đất nước và trình độ khoa học - công nghệ quản lý chưa tốt dẫn tới việc đổi mới mô hình tăng trưởng chưa đáp ứng được kỳ vọng. Đặc biệt, mô hình tăng trưởng hiện nay chưa là động lực để phát triển bứt phá và đưa kinh tế nước nhà tiến nhanh, tiến xa trên trường quốc tế và khu vực. Cụ thể, việc cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực còn có những yếu tố thiếu bền vững, như đơn vị kinh tế quy mô nhỏ lẻ còn nhiều, đất sản xuất còn phân tán và manh mún, hoạt động sản xuất trong nước còn phụ thuộc nhiều nhập khẩu nguyên liệu đầu vào.
Trong khi đó, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc lại nhắc đến tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm 2019 đã chậm lại so với cùng kỳ năm trước; vốn đầu tư mới có tăng lên, đặc biệt là luồng vốn đầu tư từ Trung Quốc, nhưng việc giải ngân vốn đầu tư của cả khu vực kinh tế trong nước lẫn FDI đang chậm lại.
“Xu hướng này sẽ khiến cho mục tiêu tăng trưởng 6,8% trong năm nay vẫn là một thách thức không nhỏ” - ông Vũ Tiến Lộc cho hay.
Tìm động lực tăng trưởng mới
Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 5/2019, Thủ tướng Chính phủ đã một lần nữa nhấn mạnh quyết tâm hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, trong đó tăng trưởng GDP 6,8%, lạm phát kiểm soát dưới 4%. “Chúng ta phải tỉnh táo trong điều hành và nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyết liệt hơn, kịp thời hơn trong một thế giới đầy biến động” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh và yêu cầu các cấp, các ngành tuyệt đối không được chủ quan, thỏa mãn trong chỉ đạo điều hành. Đồng thời, giao Bộ Công Thương chủ trì, tiếp tục theo dõi, bám sát, cập nhật và đánh giá đầy đủ tác động của căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, đưa ra các giải pháp, kịch bản kịp thời, phù hợp, trong đó có giải pháp đa dạng hóa thị trường, tập trung phát triển thị trường trong nước…
Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan phải tìm động lực tăng trưởng mới và phải xem lại Diễn đàn Kinh tế tư nhân vừa qua, chú trọng giải pháp để đưa vào cuộc sống, từ đất đai, công nghệ, chuỗi giá trị, thúc đẩy xuất khẩu, các dự án lớn, những vướng mắc cần tháo gỡ.
Đặc biệt, để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, nhất là giải ngân các dự án lớn, quan trọng của quốc gia, “cải cách hành chính tiếp tục là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của các bộ, ngành, là nền tảng để tăng trưởng và phát triển kinh tế. Các bộ, ngành phải công khai để người dân giám sát, doanh nghiệp theo dõi. Tới đây sẽ tập trung kiểm tra các giải pháp liên quan tập trung ứng dụng công nghệ (thu phí không dừng, BOT, nghị định BT…)” - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã nhấn mạnh tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5 mới đây.