Tạo điều kiện thuận lợi để các nhà khoa học phát huy năng lực sáng tạo
Đặt nhiều kỳ vọng vào vai trò nền tảng của khoa học công nghệ
Hội nghị các nhà khoa học trẻ là sự kiện thường niên do Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ đạo, Báo VnExpress tổ chức, bắt đầu từ năm 2022. Hội nghị là nơi các nhà nghiên cứu trẻ thuộc nhiều lĩnh vực trên khắp cả nước thảo luận, trao đổi cùng các nhà quản lý, khoa học danh tiếng của Việt Nam và thế giới về các vấn đề đang nổi lên trong nước cũng như toàn cầu.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang phát biểu |
Hội nghị các nhà khoa học trẻ 2023 có chủ đề “Các nhà khoa học trẻ và mục tiêu phát triển bền vững”, thu hút hàng trăm đại biểu đến từ cơ quan quản lý, viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp. Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm Ngày khoa học và công nghệ Việt Nam 2023.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang cho biết, đây là diễn đàn để các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trẻ chia sẻ những góc nhìn, đồng thời nhìn nhận về cơ hội làm chủ tri thức khoa học và công nghệ hiện đại nhằm hướng đến một nền khoa học mới đáp ứng các mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.
Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Việt Nam tiếp tục duy trì thứ hạng cao trong bảng xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII), thuộc nhóm quốc gia đạt được những tiến bộ lớn nhất trong thập kỷ qua. Ngoài ra, cũng theo đánh giá của Tổ chức năng suất Châu Á (APO), trong giai đoạn 10 năm trở lại đây, nền kinh tế của Châu Á tăng trưởng ổn định với tốc độ tăng của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) vào khoảng 1%/năm.
Trong đó, Việt Nam được ghi nhận là một trong những nước có tốc độ tăng TFP dương, và thuộc nhóm các nước tăng TFP cao nhất với bình quân 1,4%/năm. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2022 do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) Việt Nam xếp vị trí 48/132 quốc gia, nền kinh tế.
Giai đoạn phát triển 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, Đảng và Nhà nước đặt nhiều kỳ vọng vào vai trò nền tảng của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, xem đây là “đột phá chiến lược”, “động lực chính” để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Việt Nam phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang nhấn mạnh, định hướng và kỳ vọng đó đặt lực lượng khoa học và công nghệ trước những cơ hội và thách thức phải đổi mới, để không tụt hậu, phát triển nhanh hơn, thực chất và bền vững hơn. Qua đó, đóng góp hiệu quả hơn cho các mục tiêu phát triển quốc gia trong trung, dài hạn.
Thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã triển khai nhiều chương trình, xây dựng, sửa đổi các chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các nhà khoa học phát huy năng lực sáng tạo. Đồng thời, kích cầu công nghệ từ khu vực doanh nghiệp, cũng như tăng cường năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp thông qua tiếp tục khuyến khích doanh nghiệp đầu tư lập quỹ phát triển khoa học công nghệ, thành lập cơ sở R&D, doanh nghiệp khoa học công nghệ và khởi nghiệp sáng tạo.
Hiện, Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) có nhiều thay đổi, tạo thuận lợi hơn để các nhà khoa học trẻ có cơ hội làm chủ nhiệm đề tài, tham gia các hội nghị hội thảo quốc tế. “Tôi hy vọng những nỗ lực đó sẽ được chuyển hóa trong thực tế, Việt Nam sẽ có nhiều nhà khoa học trẻ thành công" - Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang chia sẻ.
Nhắc tới cuộc thi Sáng kiến Khoa học 2023, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ghi nhận trong số 130 hồ sơ gửi về cuộc thi năm nay, có nhiều sáng kiến đến từ các nhóm nghiên cứu, nhà sáng chế không chuyên, các thầy cô giáo... với những nghiên cứu, sáng kiến có thể áp dụng vào đời sống, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống và sự phát triển của địa phương mình. Đặc biệt, nhiều em còn đang là học sinh ngồi trên ghế nhà trường nhưng đã có những giải pháp đơn giản nhưng thiết thực, phục vụ cho cuộc sống thường nhật.
“Sự kiện không chỉ tạo được diễn đàn, nơi chia sẻ các vấn đề quan tâm mang tính thời sự, mà đây thực sự còn là sân chơi để các nhà khoa học trẻ có thể được trình diễn các kết quả nghiên cứu. Tôi mong rằng, phong trào này sẽ ngày càng được nhân rộng, giúp cộng đồng có cuộc sống thuận tiện hơn khi ứng dụng các sáng tạo, giải pháp khoa học, kỹ thuật vào đời sống” - Thứ trưởng Giang cho hay.
Đam mê là điều cần thiết nhất đối với các bạn trẻ
TS. Lương Quang Huy, Trưởng phòng Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ôzôn, Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ ra các thách thức về khoa học và công nghệ tại Việt Nam hiện nay như toàn cầu hóa khiến thị trường sản phẩm khoa học và công nghệ Việt Nam bị cạnh tranh gay gắt, khung pháp lý, thể chế, hệ thống chính sách vẫn còn nhiều bất cập... Tuy nhiên, tiến trình hội nhập quốc tế cũng tạo ra các áp lực buộc phải chuyển đổi số.
Trao giải cho các nhóm tác giả đạt giải trong Cuộc thi sáng kiến khoa học 2023 |
Ông Huy cho rằng, các khoa học trẻ nên tiếp cận xu thế thế giới. Hiện nay, công nghệ thông tin cũng như việc chia sẻ thông tin và kinh nghiệm dễ dàng hơn trước đây. Các nhà khoa học cần đưa ra các sáng kiến thực tế, gắn với lợi ích của cộng đồng và kinh tế, mang tính ứng dụng cao.
Tiến sĩ Ngô Thị Thuý Hường, Giảng viên Khoa Công nghệ sinh học, Hóa học và Kỹ thuật môi trường, Trưởng nhóm nghiên cứu Hoá môi trường và Độc học sinh thái, Trường đại học Phenikaa chia sẻ, đam mê là điều cần thiết nhất đối với các bạn trẻ, sẽ giúp các bạn tìm được đích đến. Bên cạnh đó, các bạn sinh viên có mong muốn trở thành nhà khoa học cũng cần một người thầy để giữ lửa đam mê.
Về Cuộc thi Sáng kiến Khoa học năm 2023 đã thu hút sự quan tâm của đông đảo các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, học sinh, sinh viên từ khắp các tỉnh thành trong cả nước, thu hút hơn 130 hồ sơ tham gia. Kết thúc vòng sơ loại, 30 sản phẩm/giải pháp xuất sắc lọt vào vòng chung kết và được đăng tải thông tin công khai trên website của cuộc thi để độc giả tham gia bình chọn. Qua quá trình đánh giá, Ban tổ chức cuộc thi trao 6 giải thưởng.
Xuất sắc giành giải nhất cuộc thi là sáng kiến "TIR lens mới cho đèn LED công suất cao" của TS Nguyễn Đoàn Quốc Anh - nhà sáng chế công nghệ TIR lens cùng các cộng sự tại Nhóm nghiên cứu tối ưu hóa hệ thống điện (PSO), Khoa Điện - Điện tử, trường Đại học Tôn Đức Thắng.
Giải nhì thuộc về Sản phẩm "Thiết bị 3D dẫn đường phẫu thuật trong mổ thay khớp gối" đến từ nhóm nghiên cứu 3D LAB VINUNI thuộc Trung tâm công nghệ 3D trong Y học, Đại học VinUni; giải ba thuộc về giải pháp "Hạt giống nảy mầm sẵn" của tác giả Lương Văn Trường, HTX Thanh niên Nam Đại Dương.