Tăng trưởng kinh tế 2024: Lạc quan nhưng đừng chủ quan!
Tăng trưởng thiếu ổn định
Theo số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý I/2024, GDP của Việt Nam trong quý I/2024 tăng trưởng 5,66%, cao nhất so với cùng kỳ từ năm 2020 cho đến nay. Theo TS Nguyễn Đình Cung – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đây là kết quả khá tích cực, tuy nhiên thiếu sự ổn định, và khó có thể khẳng định tăng trưởng GDP sẽ giữ được nhịp độ tăng trưởng như vậy trong thời gian tới.
Tăng trưởng GDP quý I/2024 có sự phục hồi |
Về sản xuất công nghiệp, theo TS Nguyễn Đình Cung có sự phục hồi, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp quý I/2024 tăng 6,18% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 2,02 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Song đà tăng trưởng của chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của từng tháng trong quý I/2024 lại không ổn định, cụ thể tháng 1/2024 tăng 18,3%, tháng 2 giảm 6,8%, tháng 3 tăng 4,1%. Đồng thời, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất trong tháng 3/2024 dưới ngưỡng 50 điểm, thể hiện sản xuất đang bị thu hẹp, do đó sự phục hồi của nền kinh tế là thiếu bền vững.
Về tỷ lệ doanh nghiệp gia nhập và rút lui khỏi thị trường trong quý I/2024 có nhiều biến động, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới thấp hơn rất nhiều so với số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Đặc biệt, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tập trung ở hầu hết các lĩnh vực cho thấy doanh nghiệp và nền kinh tế đang gặp phải những khó khăn đáng kể và đặt ra nhiều vấn đề về sự ổn định cũng như động lực phát triển của doanh nghiệp và nền kinh tế trong thời gian tới.
"Lĩnh vực dịch vụ được coi là động lực tăng trưởng đáng hy vọng nhất hiện nay nhưng đang có xu hướng giảm" - TS Nguyễn Đình Cung khẳng định. Quý I/2024, tăng trưởng dịch vụ chỉ đạt mức 6,12%, tăng trưởng dịch vụ theo giá hiện hành đạt 8,2% và đã loại trừ yếu tố giá đạt 5,1%. Điều đó thể hiện một thách thức mới đối với sự ổn định và sự phát triển bền vững của ngành dịch vụ trong nền kinh tế.
Một vấn đề nữa cũng được coi là thách thức đó là tăng trưởng của đầu tư theo các thành phần kinh tế trong quý I/2024 vẫn chưa thể phục hồi. Cụ thể, mức tăng trưởng của đầu tư công được coi là “hụt hơi” khi giảm từ 21,2% trong quý IV/2023 xuống chỉ còn 3,7% trong quý I/2024; tăng trưởng của đầu tư xã hội giảm từ 6,2% xuống còn 5,2%; đầu tư của doanh nghiệp nhà nước và lĩnh vực khác giảm từ 5,4% xuống còn 4,2%; đầu tư của lĩnh vực tư nhân tăng từ 2,7% lên 4,2%; đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) tăng từ 6,2% lên 8,9%. Những kết quả này đã phản ánh sự không ổn định trong đầu tư và khó khăn của việc tăng trưởng đầu tư trong các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế.
FDI được đánh giá như một “điểm sáng” trong bức tranh kinh tế, nhưng theo TS Nguyễn Đình Cung, quy mô các dự án FDI đang có dấu hiệu giảm xuống.
Để thúc đẩy tăng trưởng những tháng cuối năm, Việt Nam cần tạo không gian cho doanh nghiệp phát triển |
Tạo không gian cho doanh nghiệp phát triển
Từ những phân tích trên, TS Nguyễn Đình Cung cho rằng, để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP trong năm 2024 là không hề dễ dàng. Đòi hỏi Việt Nam phải tiếp tục quan tâm đến cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo không gian cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển.
Khuyến nghị đưa ra tại báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam ấn bản tháng 4/2024 công bố vào ngày 23/4, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đưa ra dự báo, tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2024 đạt 5,5% và 2025 có thể đạt 6%. Để thúc đẩy tăng trưởng và tăng năng suất lao động, Ngân hàng Thế giới đưa ra khuyến nghị cho Việt Nam cần hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Trong khi đó, chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, bà Nguyễn Thị Hương – Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng: Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những quý còn lại, Việt Nam cần duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện hiệu quả, linh hoạt các chính sách điều hành của Chính phủ, bám sát các mục tiêu và giải pháp đã được để ra trong Nghị quyết 01 và tập trung thực hiện nhiều nhóm giải pháp theo từng lĩnh vực theo góc độ sản xuất và góc độ sử dụng.
Cụ thể, theo góc độ sản xuất, theo bà Nguyễn Thị Hương, Việt Nam cần tăng cường gắn kết lưu thông với sản xuất, đẩy mạnh liên kết chuỗi nhằm kết nối cung - cầu; đảm bảo phân phối sản phẩm hàng hóa gắn với quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm; Thúc đẩy mạnh mẽ mô hình chuỗi liên kết phát triển nông nghiệp gắn với công nghiệp và xuất khẩu.
Tiếp tục tìm kiếm và tích cực mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, chủ động áp dụng khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và tính cạnh tranh. Xây dựng các kênh phân phối sản phẩm, mở rộng việc tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử đảm bảo nâng cao chất lượng, dịch vụ và quyền lợi, lợi ích của người tiêu dùng, từ đó thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa trong nước và xuất khẩu.
Theo góc độ sử dụng, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đưa ra khuyến nghị, Chính phủ cần tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách tài khóa, tăng cường và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công. Tiếp tục phát huy nội lực của thị trường hơn 100 triệu dân bằng cách đẩy mạnh thực hiện các chính sách kích cầu tiêu dùng với các chương trình lễ hội du lịch, lễ hội mua sắm, chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa; vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.
Đối với xuất, nhập khẩu, tiếp tục rà soát, cải cách thủ tục hành chính, thủ tục hải quan hỗ trợ tối đa các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu nhằm rút ngắn thời gian trong quá trình xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ; tranh thủ tối đa cơ hội, xu hướng phục hồi của các thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu, tận dụng tốt và tiếp tục đẩy nhanh đàm phán, ký kết, thúc đẩy các hiệp định thương mại song phương và đa phương để mở rộng thị trường đầu ra cho các sản phẩm của Việt Nam. Bên cạnh đó, cần cải tiến mạnh mẽ chuỗi liên kết giá trị hàng hóa chất lượng từ nông sản tới sản phẩm chế biến, sản phẩm giá trị cao để đáp ứng được nhiều thị trường khó tính, mở rộng quy mô và đối tác, mang lại cơ hội cho các ngành sản xuất.