Tăng mạnh các mức bồi thường tổn thất tinh thần từ tháng 7/2024
Tăng mạnh các mức bồi thường tổn thất tinh thần từ ngày 1/7/2024
Theo Bộ luật dân sự 2015, quy định về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật dân sự 2015, luật khác có liên quan quy định khác.
Trong đó, thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Ngoài ra, bên cạnh việc bồi thường thực tế thì khi bị thiệt hại, người gây ra phải bồi thường một khoản tiền để bù đắp tổn thất tinh thần cho người bị thiệt hại. Trong đó, mức bù đắp do các bên thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được thì sẽ bị ấn định theo số lần của mức lương cơ sở.
Theo Nghị định 73/2024/NĐ-CP thì mức lương cơ sở từ ngày 1/7/2024 là 2,34 triệu đồng/tháng. Do đó, khi lương cơ sở tăng, mức bồi thường thiệt hại về tinh thần cũng tăng theo. Cụ thể như sau:
STT | Nội dung bồi thường | Mức bồi thường | Số tiền bồi thường |
1 | Bồi thường tổn thất tinh thần do sức khỏe bị xâm phạm | Không quá 50 lần mức lương cơ sở; | Không quá 117 triệu đồng |
2 | Bồi thường tổn thất tinh thần do tính mạng bị xâm phạm | Không quá 100 lần mức lương cơ sở | Không quá 234 triệu đồng |
3 | Bồi thường tổn thất tinh thần do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm | Không quá 10 lần mức lương cơ sở | Không quá 23,4 triệu đồng |
4 | Bồi thường tổn thất tinh thần do xâm phạm thi thể | Không quá 30 lần mức lương cơ sở | Không quá 70,2 triệu đồng |
5 | Bồi thường tổn thất tinh thần do xâm phạm mồ mả | Không quá 10 mức lương cơ sở | Không quá 23,4 triệu đồng |
(Điều 590, 591, 592, Điều 606 và 607 Bộ luật dân sự 2015)
Khi nào phải bồi thường thiệt hại?
Theo Điều 11 Bộ luật dân sự 2015 quy định khi quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân bị xâm phạm thì chủ thể đó có quyền tự bảo vệ theo quy định của Bộ luật dân sự 2015, luật khác có liên quan hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền: buộc bồi thường thiệt hại.
Ngoài ra, tại Điều 584 Bộ luật dân sự 2015 có quy định người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.
Như vậy, có thể hiểu, một người chỉ phải bồi thường thiệt hại khi:
- Có hành vi xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức khác;
- Có thiệt hại xảy ra.
Lưu ý: Nếu do sự kiện bất khả kháng hoặc thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại hoặc do phòng vệ chính đáng thì không phải bồi thường. Nếu tài sản gây thiệt hại thì người có trách nhiệm bồi thường là chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản đó.
Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân
- Người từ đủ mười tám tuổi trở lên gây thiệt hại thì phải tự bồi thường.
- Người chưa đủ mười lăm tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu, trừ trường hợp quy định tại Điều 599 Bộ luật dân sự 2015.
Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình.
- Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi gây thiệt hại mà có người giám hộ thì người giám hộ đó được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường; nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường.
(Điều 586 Bộ luật dân sự 2015).