Thứ năm 28/11/2024 07:09

Tăng hạn mức bảo hiểm tiền gửi để bảo vệ tốt hơn quyền lợi người gửi tiền

“Hạn mức bảo hiểm tiền gửi (BHTG) nên được điều chỉnh lên mức 125 triệu đồng trong thời gian tới để phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội cũng như thực tế hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) tại Việt Nam”, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại buổi họp báo về Dự thảo Quyết định của Thủ tướng về hạn mức trả tiền BHTG vừa công bố mới đây.

Thời điểm thích hợp để điều chỉnh tăng hạn mức BHTG

Theo quy định tại Luật BHTG, hạn mức trả tiền bảo hiểm là số tiền tối đa mà tổ chức BHTG trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm của một người tại một tổ chức tham gia BHTG khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm.

Những năm đầu chính sách BHTG được triển khai tại Việt Nam, hạn mức BHTG (bao gồm cả gốc lẫn lãi) của một cá nhân tối đa là 30 triệu đồng. Đến năm 2005, hạn mức này được điều chỉnh lên 50 triệu đồng.

Theo Quyết định số 21/2017/QĐ-TTg ngày 15/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về hạn mức trả tiền bảo hiểm, từ ngày 5/8/2017, số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm theo quy định của Luật BHTG (gồm cả gốc và lãi) của một cá nhân tại một tổ chức tham gia BHTG tối đa là 75 triệu đồng.

Mặc dù đã trải qua hai lần điều chỉnh, tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, mức BHTG 75 triệu đồng hiện nay vẫn còn thấp và không phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, quy mô của hệ thống các TCTD cũng như nguyện vọng của người dân.

Hiệp hội BHTG Quốc tế (IADI) khuyến nghị, hạn mức BHTG nên có giới hạn, đáng tin cậy và bảo vệ được 90% - 95% người gửi tiền. Tuy nhiên, tỷ lệ này ở Việt Nam đang là 87,72%, thấp hơn so với mức khuyến nghị của IADI.

“Hạn mức 75 triệu đồng hiện nay chỉ bằng 1,25 lần GDP bình quân đầu người năm 2019, thấp hơn nhiều so với mức 2 lần theo thông lệ quốc tế. Do đó, nếu nâng mức BHTG lên 125 triệu đồng, gấp 2 lần GDP bình quân đầu người thì tỷ lệ này mới tăng lên mức 90,94%, nằm trong khoảng khuyến nghị của IADI”, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, về khả năng thực hiện nhiệm vụ của BHTGVN, từ nguồn vốn ban đầu được cấp 1.000 tỷ đồng, đến hết năm 2019, tổng tài sản của BHTGVN đã đạt hơn 64.000 tỷ đồng, trong đó quỹ dự phòng nghiệp vụ (thể hiện khả năng chi trả của BHTG Việt Nam theo quy định của Luật BHTG) đạt hơn 58.000 tỷ đồng. Đây là nền tảng quan trọng giúp BHTGVN có đủ khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ người gửi tiền, phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế và là tiền đề để BHTGVN tham gia có hiệu quả vào quá trình tái cơ cấu hệ thống các TCTD thông qua hoạt động hỗ trợ tài chính.

Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà Nước

Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú nhận định, “với triển vọng tăng trưởng tích cực trong trung hạn của Việt Nam và sự gia tăng đáng kể về năng lực tài chính BHTGVN, việc điều chỉnh tăng hạn mức BHTG là hoàn toàn khả thi và cần thiết để bảo vệ tốt hơn cho người gửi tiền theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế, góp phần củng cố niềm tin của người dân đối với hệ thống các TCTD Việt Nam và tạo điều kiện cho các TCTD hoạt động an toàn, hiệu quả”.

Tăng hạn mức lên bao nhiêu là phù hợp?

Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú cho biết, triển khai Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011-2015 và 2016-2020, thời gian qua, NHNN và các cấp, các ngành đã tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác tái cơ cấu, xử lý nợ xấu của các TCTD. Nhờ đó, hoạt động của hệ thống các TCTD đã từng bước được củng cố, chấn chỉnh và hoạt động an toàn, hiệu quả, trong đó các ngân hàng thương mại có xu hướng tăng trưởng và phát triển ổn định hơn.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, hoạt động của hệ thống quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) vẫn còn nhiều khó khăn và tồn tại, hạn chế. Thực trạng này đặt ra yêu cầu cấp bách về tăng cường hiệu quả quản lý, kiểm tra, giám sát và xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật của các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương; cũng như nâng cao hơn nữa vai trò của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trong việc bảo vệ người gửi tiền tại các QTDND.

Theo tính toán của NHNN, nếu nâng hạn mức BHTG lên mức 125 triệu đồng, tương đương 2 lần GDP bình quân đầu người thì quỹ dự phòng nghiệp vụ của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam có đủ khả năng để đảm bảo chi trả tiền gửi cho 100% QTDND.

Đồng thời, như đã nêu ở trên, tỷ lệ người gửi tiền được bảo hiểm ở Việt Nam đang là 87,72%, thấp hơn so với mức khuyến nghị 90 - 95% của IADI. Nếu nâng mức bảo hiểm tiền gửi lên 125 triệu đồng, gấp 2 lần GDP bình quân đầu người thì tỷ lệ này mới tăng lên mức 90,94%, nằm trong khoảng khuyến nghị của IADI.

“Vì vậy, NHNN đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định để giúp người dân yên tâm hơn khi gửi tiền tại các tổ chức tham gia BHTG, nhất là người gửi tiền tại các QTDND”, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú khẳng định.

Ngọc Anh

Tin cùng chuyên mục

Gần hai thập kỷ Bảo hiểm Vietinbank đồng hành cùng khách hàng 'sống trọn hành trình rực rỡ'

Prudential ứng dụng AI giúp tối ưu hóa quy trình chi trả

Bảo hiểm Agribank nâng mức chi trả Bảo An tín dụng lên 1 tỷ đồng: khách hàng luôn được bảo vệ tốt nhất

Từ 1/7/2025: Hai nhóm người cao tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội

Quy định hưởng lương hưu đối với lao động nam và lao động nữ từ ngày 1/7/2025

Quy định mới về hưởng lương hưu của Luật Bảo hiểm xã hội 2024

Người dân có thể theo dõi kết quả đóng bảo hiểm y tế ở kênh thông tin nào?

Thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam triển vọng tích cực giai đoạn cuối năm 2024

Quy định mới về mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện từ 1/1/2025

Rút bảo hiểm xã hội một lần giảm: Niềm tin của người lao động với chính sách được nâng cao

Bảo Việt Nhân thọ và Ngân hàng Quốc dân NCB ký kết thỏa thuận hợp tác

Bảo Việt 60 năm - Tự hào khẳng định Thương hiệu quốc gia

Người cao tuổi đủ 65 đến dưới 75 tuổi sẽ được hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế ?

Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch sắp trao giải thưởng công nhận ‘Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh’

Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở được hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế

Nhóm đối tượng nào được đề xuất hỗ trợ 70% mức đóng bảo hiểm y tế?

Từ 1/7/2025: Người không có lương hưu sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí

Việt Nam trở thành điểm đến quan trọng trong lĩnh vực Bảo hiểm Bảo lãnh và Tín dụng

Bổ sung quy định xử lý chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội từ 1/7/2025

Đề xuất doanh nghiệp được tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất 6 tháng để phục hồi sản xuất